Những đôi tay nở hoa

Tỉ mỉ, cần mẫn và bằng những đôi tay tài hoa, những nghệ nhân, người thợ làng đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) đã chế tác ra nhiều tác phẩm độc đáo. Điều đáng nói, bằng lòng yêu nghề, yêu quê hương, các nghệ nhân luôn tích cực góp phần cho tiếng vang của làng nghề vươn xa.

Ông Nguyễn Bá Châu giới thiệu quả cầu thành phẩm.

Tiếng vang của một ngôi làng

Trà Đông vững tâm với nghề mà tiếng tăm đã vang xa ngoài lãnh thổ Việt Nam. Từ “mặt tiền” của làng đến các gian trưng bày của gia đình các nghệ nhân, hay thậm chí qua những lò đúc, cho thấy nghề đúc đồng nơi đây tiếp tục trên đà thịnh vượng. Từ những tháng cuối năm, khách thập phương đã tấp nập về làng mua đồ, đặt hàng. Điều đáng nói, thương hiệu của Trà Đông có sự chung sức của rất nhiều đôi tay tài hoa, đó là các nghệ nhân Nguyễn Bá Châu, Đặng Ích Hoàn, Lê Văn Dương, Lê Văn Bảy... cũng như có đóng góp của con, cháu các nghệ nhân và những người thợ giỏi nghề.

Chia sẻ với Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Bá Châu, tôi nhận thấy nơi ông không chỉ có tâm huyết, mà còn tự tin yêu nghề của cha ông. Yêu nghề nên luôn luôn sáng tạo. Bằng kỹ thuật điêu luyện, ông Châu đã đúc ra nhiều tác phẩm độc đáo và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận. Tác phẩm đầu tiên của ông được xác lập kỷ lục là trống đồng lớn nhất Việt Nam, với đường kính 2,3m được đặt ở cổng nhà ông, cạnh đường dẫn vào làng. Tiếp đến là chiếc trống đồng Ngọc Lũ cao 1,6m, rộng 2,4m, xác lập lại kỷ lục, lớn nhất Việt Nam, hiện đang trưng bày tại khu dã ngoại huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Ông Châu cũng là tác giả của đôi tượng thần đèn ngồi quỳ và chiếc trống đồng hai mặt đánh kêu như trống da đã được xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam. Năm 2016 qua một cuộc thi chọn mẫu, ông được giao trọng trách đúc 1.000 pho tượng mẹ Âu Cơ làm quà tặng các nguyên thủ, chính khách dự Hội nghị Cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng tháng 11/2017. Ông Châu chính thức xác lập kỷ lục thứ 5 khi đúc tượng mẹ Âu Cơ số lượng nhiều nhất.

Ông Nguyễn Bá Châu và con trai bên một chiếc trống xác lập kỷ lục.

Không sinh ra ở Trà Đông, nhưng cũng yêu trống đồng và học nghề từ các nghệ nhân của làng, NNƯT Thiều Quang Tùng, ở làng Kim Sơn, xã Đông Tiến (Đông Sơn) cũng vang danh với “đôi tay vàng” của mình. Suốt hơn 20 năm qua, anh chung tay phục dựng nghề đúc trống đồng xứ Thanh, đồng thời mang thương hiệu trống đồng vang xa. Giờ đây, tiếng tăm của “Tùng trống” được các nhà sưu tầm cổ vật tìm đến. Bằng bàn tay, khối óc của mình, anh Tùng đã hai lần có tác phẩm được xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam. Lần thứ nhất là nhân dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, anh đã đúc 100 chiếc trống. Lần thứ hai anh là người đầu tiên khắc họa 9 hình ảnh tiêu biểu gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tang trống. Anh Thiều Quang Tùng bảo rằng, mỗi bước đi của anh đều có sự thành công và giờ đây, anh tự hào vì đã học và giữ được nghề. Năm 2016, anh được phong danh hiệu NNƯT; cũng trong năm này, anh đúc hệ thống tượng nổi chuyển thể từ thạch cao sang chất liệu đồng, đặt ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Dịp Cần Thơ khánh thành công trình Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ và tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch năm 2022), một doanh nghiệp đã cung tiến vật phẩm là Bộ trống Cửu Long gồm 9 trống đồng, một lá đại kỳ hình vuông cạnh dài 18m. Trong đó, Bộ trống Cửu Long được tổ chức đúc tại địa điểm gần Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ, do NNƯT Thiều Quang Tùng chủ sự, thu hút nhiều người dân chiêm ngưỡng.

Những giọt mồ hôi màu... đồng

Theo tìm hiểu, Trà Đông là làng đúc đồng truyền thống nhưng có thời gian bị mai một. Các nghệ nhân của làng đã không chịu ngồi yên, khi thấy một số làng nghề phát triển, còn làng đúc của quê hương lại... chìm. Ông Nguyễn Bá Châu kể: “Năm 1998 tôi có nghiên cứu, đi tìm hiểu để khôi phục nghề xưa, nhưng mấy lần đúc trống bị thất bại, phải đến năm 2000 mới thành công. Từ đó, tôi dạy cho nhiều anh em trong làng, rồi được các cơ quan chức năng mời mở lớp đào tạo nghề đúc trống đồng để lan tỏa và giúp nghề phát triển. Có không ít người ở nơi khác học tôi và họ cũng thành công”.

Trong quá trình làm việc, ông Châu nghiên cứu các loại trống đồng của người Việt cổ trước đây, từ kiểu dáng, họa tiết, hoa văn đẹp nhưng rất khó làm, để tạo ra những sản phẩm đẹp, tinh xảo. Vì nhiều chi tiết nhỏ phải khắc họa, trong khi đó lại làm thủ công nên đòi hỏi sự kiên trì và tập trung cao độ.

Đưa tôi đến gần một quả chuông đồng mới đúc, ông Châu gõ vào thân chuông. Tiếng đồng như ở cõi xa vọng về, dội lên từ lồng ngực. Quả thực, tôi đã bất ngờ. Tiếng chuông cứ vang mãi, ngân mãi. Rõ ràng âm vang ấy không hề phụ thuộc vào dùi to hay sức vóc. Sự ngân vang của chuông, hay trống là nhờ kỹ thuật đúc. Theo ông Châu, đồng nhiều hay ít, phụ gia ra sao sẽ quyết định tiếng kêu của chuông, trống. Khuôn làm không chuẩn hoặc bị nong hoặc bị vênh sẽ vừa tốn nguyên liệu, vừa không tạo ra âm thanh trầm, không vang.

Tôi hỏi: “Để có những sản phẩm lớn, giá trị lừng lẫy như thế, chắc chẳng hề đơn giản?”. Ông Nguyễn Bá Châu bảo, để làm được mỗi sản phẩm tinh xảo, giá trị cao, người nghệ nhân, người thợ phải hiểu công việc mình làm. Trong quá trình làm thì tỉ mỉ, khéo léo. Phải ăn đồng, ngủ đồng. Đến giọt mồ hôi đổ ra cũng óng ánh màu đồng”. Đồng quan điểm, NNƯT Lê Văn Dương cho biết thêm: Quá trình làm khuôn đúc có rất nhiều công đoạn, từ đắp lên khuôn, tạo hình rồi làm hoa văn rồi nung đốt, cuối cùng đến lúc nấu đồng rót vào khuôn xong được sản phẩm, lúc đó mới đem ra làm nguội. Công đoạn làm khuôn rất quan trọng vì nó quyết định chất lượng của sản phẩm. Khuôn phải được nung trước khi đúc và việc điều chỉnh nhiệt độ khi nung khuôn là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thợ phải giàu kinh nghiệm, căn chỉnh thời gian, nhiệt độ sao cho khuôn vừa độ chín để không bị nứt và xước.

Ông Thiều Quang Tùng và bộ trống đồng độc đáo.

Đúc trống là công việc phải làm thủ công, không có máy móc nào có thể thay thế bàn tay con người. Hiện, toàn xã Thiệu Trung có 32 hộ đăng ký vào làng nghề đúc đồng truyền thống để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập ổn định. Từ đầu năm 2022 đến nay, xã Thiệu Trung có hai sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao là Trống đồng Bảy Tuyên và Tranh đồng cá chép trông trăng Bảy Tuyên. Người làng Trà Đông đã đúc kết: Một tác phẩm thành công của làng nghề là khi nó đạt được cùng lúc ba tiêu chí: tuân thủ kỹ thuật đúc thủ công truyền thống, thật sự có tính thẩm mỹ, được các nhà chuyên môn đánh giá cao.

Bằng tâm huyết và tài năng, những nghệ nhân đã giúp làng Trà Đông nổi tiếng cả nước với “đặc sản” là nhiều sản phẩm đồ đồng tinh xảo, chuông, thạp, các loại trống đồng đa dạng kích cỡ, hoàn thiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao. NNƯT Đặng Ích Hoàn bồi hồi nhớ lại: “Bố tôi là ông Đặng Ích Hoán được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ nhân năm 1980. Ông là người đầu tiên của làng đã dày công nghiên cứu sử sách để phục chế những chiếc trống đồng theo phiên bản trống đồng Ngọc Lũ bằng phương pháp thủ công truyền thống. Bố cũng là người đã truyền “lửa nghề” cho tôi... Những đôi tay của người làng đã tiếp tục nâng cao vị thế của làng, mang lại đời sống phát triển”.

Không dừng lại, không thỏa mãn, đó là điều mà những nghệ nhân Trà Đông luôn nhắc nhở mình và cháu con. Mỗi người luôn nghiền ngẫm, tìm tòi, tiếp tục nghiên cứu chế tác những sản phẩm có chất lượng, kiểu dáng, kỹ thuật cao nhưng vẫn giữ được nét độc đáo. Đó là yếu tố sống còn với bất kể làng nghề nào. Với làng Trà Đông, cuộc sống phát triển từng ngày, đời sống ấm no. Mùa xuân đang về trên từng họa tiết các sản phẩm tinh xảo. Mùa xuân tươi đẹp cũng về trên từng bàn tay người thợ, đang tất bật hoàn thiện sản phẩm để kịp giao cho khách.

Nguyễn Văn Học

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nhung-doi-tay-no-hoa/206518.htm