Những đoàn viên làm kinh tế giỏi

Từ phong trào lập thân, lập nghiệp, những năm qua, trên địa bàn huyện Duyên Hải đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Trong đó, nhiều ĐVTN đã phát huy vai trò xung kích, năng động, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, xây dựng cho mình nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao, ổn định trên mảnh đất quê hương.

Đoàn viên Nguyễn Đại Tài với mô hình vườn - ao - chuồng

Đoàn viên Trần Minh Nhật.

Năng động cộng với điều kiện sẵn có về đất đai, anh Nguyễn Đại Tài, Bí thư Chi đoàn Khóm 6, thị trấn Long Thành, huyện Duyên Hải đã tập trung xây dựng mô hình sản xuất kết hợp vườn - ao - chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định. Năm 2020, anh Nguyễn Đại Tài tham gia nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Sư đoàn 9, Quân đoàn 4. Môi trường quân ngũ đã rèn luyện cho anh tính kỷ luật, kinh nghiệm trong tăng gia sản xuất… Khi xuất ngũ trở về địa phương, anh đã áp dụng những kinh nghiệm, kiến thức đã học cộng với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ vào sản xuất, chăm lo phát triển kinh tế gia đình.

Tận dụng những điều kiện sẵn có của gia đình như diện tích mặt nước, bờ ao và bãi bồi ven sông dựng mô hình vườn - ao - chuồng cho thu nhập cao. Diện tích bờ ao, anh Tài trồng các loại rau theo hướng sạch, an toàn trong việc sử dụng phân hữu cơ từ chăn nuôi để bón cho rau nên không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Các loại rau anh Tài trồng được cung cấp cho người dân địa phương, rất được ưu chuộng, đôi lúc bị “cháy hàng” không đủ cung cấp cho nhu cầu của người dân địa phương.

Ngoài ra, anh xây dựng chuồng trại, trồng cỏ nuôi hơn 10 con dê sinh sản. Nhờ được chăm sóc tốt, nguồn thức ăn phong phú nên đàn dê phát triển tốt, sinh sản khỏe, cho thu nhập ổn định. Không chỉ vậy, anh Tài còn phụ giúp gia đình chăm sóc hơn 02ha đất bãi bồi nuôi sò huyết cho thu nhập khá cao.

Nói về định hướng trong tương lai, anh Tài cho biết, từ những thành công bước đầu của mô hình vườn - ao - chuồng kết hợp, tôi sẽ duy trì và tiếp tục phát triển mô hình này. Đồng thời, dự định sẽ kết hợp với một người bạn mở một của hàng nước giải khát để tăng thu nhập.

Anh Nguyễn Thanh Long, Bí thư Đoàn thị trấn Long Thành cho biết, với sự nhiệt tình, hăng hái trong công tác với vai trò Bí thư Chi đoàn của Nguyễn Đại Tài, Chi Đoàn Khóm 6 nhiều năm liền được công nhận Chi Đoàn vững mạnh. Không chỉ nhiệt tình trong công tác Đoàn, anh Tài còn đi đầu trong việc sản suất phát triển kinh tế, tăng thu nhập gia đình.

Đoàn viên Trần Minh Nhật, sáng tạo với mô hình nuôi cua trong hộp

Anh Nguyễn Đại Tài, Bí thư Chi Đoàn Khóm 6, thị trấn Long Thành chăm sóc đàn dê.

Nhận thấy giá trị kinh tế của con của lột, anh Trần Minh Nhật, đoàn viên Chi Đoàn cấp Cái Đôi, xã Long Khánh, huyện Duyên Hải đã tìm tòi, học hỏi về kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển chăm nuôi cua lột thương phẩm. Với sự nỗ lực không biết mệt mỏi và sự kiên trì học tập đã giúp anh Trần Minh Nhật có được những thành công bước đầu với nghề nuôi cua lột nhân tạo trong hộp.

Xuất thân trong gia đình làm nghề nuôi thủy sản, anh Nhật nhận thấy giá trị kinh tế của con cua biển trong giai đoạn lột xác là rất cao. Cua lột có chất dinh dưỡng cao, thịt ngon nên giá trị kinh tế cao gần gấp đôi so với cua thường. Tuy nhiên, cua trong tự nhiên thường ít lột hoặc khó đánh bắt trong quá trình lột xác nên thuộc dạng “hàng hiếm”. Do đó, anh Nhật tự mài mò, học hỏi để thực hiện nuôi cua lột trên cạn. Bước đầu, thông qua các nền tảng mạng xã hội, anh Nhật học hỏi các mô hình nuôi cua lột trên cạn và tích lũy kinh nghiệm để thực hiện mô hình nuôi cua lột.

Nghĩ là làm, anh Nhật đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật để thực hiện mô hình nuôi cua trên cạn. Anh Nhật mua nguồn cua tự nhiên sẵn có ở địa phương, cua giống có trọng lượng từ 100 - 200gram/con để bắt đầu nuôi. “Vạn sự khởi đầu nan”, khi mới bắt tay vào nuôi, do chưa nắm vững kỹ thuật và chưa trang bị đủ kinh nghiệm nên tỷ lệ cua sống không cao, những mẽ cua nuôi đầu tiên bị thua lỗ.

Với quyết tâm cao và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, sau nhiều lần thất bại vẫn kiên trì với mô hình nuôi cua lột trên cạn, anh Nhật tiếp tục học tập, trang bị thêm kiến thức và xem xét lại quá trình chăn nuôi để tìm ra giải pháp tối ưu nhất nhằm đạt hiệu quả trong chăn nuôi. Sau nhiều nỗ lực, anh Nhật đã thành công với mô hình nuôi cua lột trên cạn. Những mẻ cua đã sống, phát triển tốt, cho sản phẩm đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường, cho lợi nhuận bước đầu.

Với những thành công bước đầu, anh Nhật sử dụng vốn sẵn có của bản thân và sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh thuê đất, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, máy móc để phát triển mô hình nuôi của lột trên cạn. Hiện nay, anh Nhật đã có 800 hộp nuôi cua lột, mỗi hộp một con cua, thức ăn cho cua là hến, cá. Sau từ 01 đến 1,5 tháng nuôi, cua sẽ lột xác. Đây là thời điểm thu hoạch, giá bán từ 550.000 - 600.000 đồng/kg. Với giá trị dinh dưỡng cao, thịt ngon của cua lột, nên cua của anh Nhật sản xuất ra không đủ cung cấp cho thị trường.

Với quy trình sản xuất khép kín, có sự kết hợp giữa tự nhiên và ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cho sản phẩm sạch, an toàn, sản phẩm cua lột của anh Trần Minh Nhật được UBND huyện Duyên Hải cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Không chỉ vậy, tại cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh năm 2023, do Tỉnh Đoàn Trà Vinh tổ chức, dự án nuôi cua lột trong hệ thống tuần hoàn của anh Nhật đạt giải Nhì.

Đồng chí Lê Vĩnh Lâm, Phó Bí thư Huyện Đoàn Duyên Hải cho biết, thời gian qua, phong trào lập thân, lập nghiệp của ĐVTN trên địa bàn huyện Duyên Hải khá phát triển. Trong đó, có nhiều mô hình hay, sáng tạo mang lại hiệu quả kinh tế cao, thể hiện tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, góp phần khơi dậy và thúc đẩy phong trào lập thân, lập nghiệp trong ĐVTN trên địa bàn huyện, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.

Bài, ảnh: THANH NHÃ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/nhung-doan-vien-lam-kinh-te-gioi-36481.html