Những điều ít người biết về giống mèo thiêng Miến Điện

Theo giai thoại, giống mèo này đã được nuôi tại đền thờ Lão Tử ở Miến Điện. Trên đường vận chuyển trở về Pháp, chú mèo đực đã chết vì kiệt sức, nhưng con mèo cái đã sống được cùng với lũ con trong bụng...

Birman là tên gọi của một giống mèo nổi tiếng, được coi là có lịch sử bí ẩn nhất thế giới. Trong tiếng Pháp, Birman có nghĩa là người Miến Điện.

Theo giai thoại, giống mèo này đã được nuôi tại đền thờ Lão Tử ở Miến Điện. Trong cuộc chiến chống lại kẻ xâm nhập ngôi đền, có hai người Pháp đã có công rất lớn. Để tỏ tấm lòng đền đáp, những người thày tu đã gửi tặng hai vị khách trên một đôi mèo giống.

Trên đường vận chuyển trở về Pháp, chú mèo đực đã chết vì kiệt sức, nhưng con mèo cái đã sống được cùng với lũ con trong bụng. Và chính chúng đã trở thành tổ tiên của giống mèo Miến Điện tại châu Âu.

Mèo thiêng Miến Điện lần đầu tiên được công nhận tại Pháp vào năm 1925. Nhưng qua Đại chiến thế giới II chỉ còn có 2 nhánh sống sót.

Sau đó ít lâu, tại các triển lãm mèo tại Pháp, giống mèo này đã gây nên sự chú ý của những người khách đến từ nước Anh, và họ đã mang chúng lên quốc đảo.

Vào năm 1960, bà Grisvold đã đưa giống mèo này vào Mỹ. Vào năm 1967, chúng được công nhận chính thức tại Mỹ.

Tiêu chuẩn của giống mèo Miến Điện là thân dài, mặt hẹp, lông màu be hoặc vàng, mặt, tai, đầu và đuôi có màu sẫm đặc trưng. Bàn chân trước có màu trắng, hai chân sau đi "tất trắng", sau các chân có vệt lông trắng.

Đầu tròn xoe, rộng, hai má rất to và mũi thẳng. Mắt tròn, hơi xếch có màu xanh da trời. Tai tròn, cỡ trung bình, chân dài trung bình, bàn chân to và tròn.

Chúng có 4 màu lông tiêu biểu: màu be nhạt điểm các vết màu xám xanh, màu xám trắng điểm các vết màu xám xanh, màu ngà điểm các vết màu sô cô la, màu trắng điểm vết màu hồng.

Mèo Miến Điện nói chung có tính khí ôn hòa nên rất được ưa chuộng trong các gia đình và các triển lãm. Bộ lông mượt và dày của chúng cần có sự chăm sóc hàng ngày.

Trên thị trường quốc tế, mèo Miến Điện - Birman có giá vào khoảng 700 đến 1.500 USD cho mỗi con non.

Mời quý độc giả xem video: Ý nghĩa những phong tục ngày Tết Việt | VTC1.

T.B (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nhung-dieu-it-nguoi-biet-ve-giong-meo-thieng-mien-dien-1794792.html