Những điều được tiết lộ từ hồ sơ thuế của ông Trump

Việc hồ sơ thuế thu nhập cá nhân bị công khai như giáng đòn mạnh vào ông Trump, bởi các tài liệu cho thấy cựu tổng thống đã dùng nhiều cách khác nhau để hạn chế nghĩa vụ nộp thuế.

Quốc hội Mỹ đã công khai hồ sơ thuế dày hàng nghìn trang của cựu Tổng thống Trump, tiết lộ bức tranh toàn cảnh chi tiết nhất về tình trạng tài chính của nhà cựu lãnh đạo nước Mỹ trong 6 năm qua.

Việc hồ sơ thuế được công bố là đỉnh điểm cuộc chiến pháp lý giữa ông Trump và phe Dân chủ sau những tranh cãi gay gắt trên mọi mặt trận, từ Quốc hội cho tới Tòa án Tối cao, theo AP.

Hồ sơ thuế đồ sộ

Hồ sơ thuế được công bố hôm 30/12 cho thấy ông Trump đã tìm cách hạn chế nghĩa vụ nộp thuế của bản thân bằng các khoản thua lỗ từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn, chi phí doanh nghiệp và các khoản miễn trừ thuế khác.

Theo CNN, năm 2015 khi công bố chiến dịch tranh cử, ông Trump nộp ngân sách liên bang hơn 640.000 USD. Nhưng trong hai năm tiếp theo, số thuế ông Trump đóng chỉ là 750 USD.

Năm 2018, trên cương vị tổng thống, ông Trump nộp gần 1 triệu USD thuế thu thập cá nhân. Con số này giảm còn hơn 133.000 USD năm 2019, và bằng 0 vào 2020, năm ông thất cử.

Các tài liệu cho thấy ông Trump sở hữu các tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc, Ireland, Anh trong giai đoạn 2015-2017, ngay cả khi đã là tổng thống Mỹ. Từ 2018, ông Trump báo cáo với cơ quan thuế vụ chỉ còn một tài khoản ở Anh.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Báo cáo cho thấy ông Trump đã yêu cầu miễn thuế với các khoản thuế mà ông đóng ở nước ngoài phục vụ hoạt động kinh doanh khắp thế giới, trong đó có các dự án phát triển và sân golf ở Scotland và Ireland.

Trong một số năm, số thuế ông Trump đóng ở nước ngoài nhiều hơn thuế thu nhập cá nhân ông đóng cho chính phủ Mỹ. Các nước mà ông Trump đóng thuế ngoài Mỹ bao gồm Azerbaijan, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Panama, Philippines, St. Martin, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE.

Các khoản đóng góp từ thiện thường chỉ là một phần nhỏ so với thu nhập của ông Trump. Năm 2018 và 2019, tổng số tiền từ thiện mà cựu tổng thống cho đi là 500.000 USD. Con số này bằng 0 vào năm 2020.

Hiện chưa rõ báo cáo thuế có bao gồm khoản tiền lương 400.000 USD mỗi năm mà ông Trump nhận khi là tổng thống Mỹ hay không. Trước khi nhậm chức, ông Trump từng tuyên bố sẽ quyên góp số tiền lương này cho các cơ quan chính phủ.

Jeff Hoopes, giáo sư kế toán Đại học North Carolina, miêu tả hồ sơ thuế của ông Trump "đồ sộ và phức tạp", liên quan tới hàng trăm thực thể nằm rải rác khắp thế giới. Nhiều doanh nghiệp mà ông Trump sở hữu hầu như không có lợi nhuận.

"Thật khó để biết liệu một người kinh doanh tệ hay khai thuế giỏi, bởi cả hai đều trông có vẻ giống nhau", giáo sư Hoopes nói.

Dấu hiệu bất thường

Daniel Shaviro, giáo sư thuế Đại học New York, chỉ ra rất nhiều khoản thua lỗ tài chính khổng lồ từ các doanh nghiệp của ông Trump, dù các công ty này ghi nhận mức bàn hàng tốt, điều gây nghi ngờ cho cơ quan kiểm toán.

Giáo sư Shaviro cũng lưu ý những con số bất thường, như doanh nghiệp hàng không có tên "DT Endeavor I LLC" năm 2020 ghi nhận doanh số bán hàng và chi tiêu doanh nghiệp cùng ở mức 160.144 USD.

"Sự trùng khớp này là rất hiếm. Đó là dấu hiệu đáng ngờ", ông Shaviro nói.

Hồ sơ thuế bị công bố là bước lùi lớn cho ông Trump không lâu sau khi chính thức thông báo tái tranh cử. Bản thân cựu tổng thống đang vướng vào nhiều rắc rối pháp lý và các cuộc điều tra khác.

Hôm 30/12, ông Trump lên án đảng Dân chủ và Tòa án Tối cao vì cho phép công khai hồ sơ thuế của ông.

"Việc này sẽ dẫn tới những điều tồi tệ cho nhiều người khác. Phe Dân chủ cực tả đang vũ khí hóa mọi thứ, nhưng hãy nhớ, đó là con dao hai lưỡi nguy hiểm", ông Trump nói.

Ông Trump nói hồ sơ thuế cho thấy thành công đáng tự hào của bản thân và cách ông sử dụng các công cụ khấu trừ thuế hợp pháp để xây dựng doanh nghiệp của mình. Trong chiến dịch tranh cử 2016, ông Trump từng nói rằng việc đóng ít thuế hoặc không phải đóng thuế thu nhập cho thấy ông là người thông minh.

Chủ tịch Ủy ban Thuế Hạ việnMỹ Richard Neal. Ảnh: AP.

Trong năm 2020, hơn 150 doanh nghiệp của ông Trump có thu nhập doanh nghiệp dưới 0. Cộng với 9 triệu USD thua lỗ từ các năm trước được chuyển sang, mức thua lỗ của ông Trump là hơn 58 triệu USD.

Sân trượt băng tại Công viên trung tâm New York mà tập đoàn Trump sở hữu thua lỗ tổng cộng 2.6 triệu USD trong giai đoạn báo cáo thuế được công khai. Ví dụ năm 2015, dù có doanh thu 9,3 triệu USD, sân trượt băng này vẫn ở tình trạng lỗ vốn.

"Ông Trump có vẻ đã vẽ ra những khoản thua lỗ đáng ngờ theo luật hiện hành. Tôi chưa từng thấy ai thua lỗ thường xuyên và nhiều tiền như cách ông Trump mất tiền năm này qua năm khác", Steven Rosenthal, chuyên gia Trung tâm Chính sách Thuế Urban-Brookings, nói.

Tình hình tài chính của ông Trump đã luôn bị che đậy kể từ thập niên 1980, khi mới chỉ là nhà kinh doanh bất động sản đang lên ở Manhattan. Văn phòng tổng chưởng lý New York từng khởi kiện ông Trump và tập đoàn Trump, với cáo buộc thổi phồng giá trị tài sản.

Năm 2018, New York Times đăng tải loạt bài cho thấy ông Trump từng nhận khoản tiền tương đương 413 triệu USD từ cha. New York Times cho biết phần lớn số tiền này là nhằm "né thuế".

Loạt bài khác được New York Times công bố năm 2020 cho thấy, trong giai đoạn 2005-2020, có 10 năm ông Trump không đóng thuế tại Mỹ nhờ kê khai các khoản thua lỗ trong kinh doanh.

Trong báo cáo công bố tuần trước, Ủy ban Thuế Hạ viện Mỹ cáo buộc chính quyền Trump đã phớt lờ yêu cầu kiểm toán bắt buộc hồ sơ thuế của tổng thống.

Sở Thuế vụ Mỹ chỉ bắt đầu kiểm toán hồ sơ thuế năm 2016 của ông Trump từ tháng 4/2019, hơn 2 năm sau khi ông Trump nhậm chức, sau khi Chủ tịch Ủy ban Thuế Hạ viện Richard Neal yêu cầu Sở Thuế vụ cung cấp thông tin.

Kể từ sau vụ bê bối Watergate của cựu Tổng thống Richard Nixon, tất cả tổng thống và ứng viên tổng thống Mỹ tự nguyện công khai ít nhất là bản tóm tắt hồ sơ thuế của họ.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-dieu-duoc-tiet-lo-tu-ho-so-thue-cua-ong-trump-post1389854.html