Những điều chưa biết về thú 'thưởng trà' - đồ uống phổ biến chỉ sau nước

Trà là thức uống lâu đời, tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới chỉ sau nước và ngành sản xuất, chế biến ra thứ ước uống này đã và đang cung cấp việc làm cho hàng trăm nghìn người trên thế giới...

Văn hóa uống trà ở Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành Di sản Văn hóa Phi Vật thể của thế giới. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trà là một trong những đồ uống phổ biến nhất trên thế giới, với thị trường toàn cầu vượt xa tất cả các đối thủ gần nhất đứng sau nó cộng lại.

Đồ uống phổ biến thứ hai thế giới

Sau nước, trà chính là thứ đồ uống phổ biến nhất trên thế giới - phổ biến hơn cả càphê, nước ngọt và rượu cộng lại.

84% người Anh thưởng thức một ly trà hằng ngày, nhiều người uống trung bình 3-4 tách mỗi ngày.

Ngành công nghiệp chế biến chè thế giới đạt doanh số 200 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng thêm 50% vào năm 2025.

Cây chè có tên khoa học là Cemellia Senensis - loại thực vật tạo ra loại thức uống có số lượng người dùng nhiều thứ 2 trên thế giới (sau nước) sống chủ yếu ở những vùng nhiệt đới.

Nói về cây chè có vô vàn kiến thức xoay quanh như giống chè, loại chè, nguồn gốc, nơi phân bố, sản lượng, công dụng, bài thuốc...

Hiện nay có 3 giả thuyết chính về nguồn gốc cây chè: (1) khởi thủy từ tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam Trung Quốc; (2) xuất phát từ vùng Assam Ấn Độ và (3) vùng Đông Nam Á cổ đại.

Trong số đó, nhiều người nghiêng về giả thuyết thứ ba, bởi vì vào thời tiền sử, khu vực cây chè không nằm theo phân vùng địa lý như hiện nay mà nằm trong khu vực Đông Nam Á rộng lớn thời cổ đại, trong đó bao gồm cả tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam Trung Quốc, vùng Assam Ấn Độ, đặc biệt là miền Bắc Việt Nam - nơi có hàng nghìn cây chè, kể cả cây chè cổ thụ lớn tới 3 vòng tay người ôm.

Từ cây chè nguyên thủy được phát hiện ra từ 4.000-5.000 năm trước, chè được nhân lên và được đem đi trồng trên gần khắp thế giới.

Chưa ai xác định được chè được chế biến thành đồ uống từ bao giờ, theo nhiều dữ liệu tổng hợp thì nó được dùng từ rất lâu ở các châu Á, điển hình là Việt Nam, Trung Quốc. Ở Nhật Bản, 729 năm sau công nguyên mới thấy sử sách nói đến loại thức uống này.

Cũng không ai xác định được, vì sao khi chế biến từ nguyên liệu lá chè người ta lại gọi là "uống trà," "thưởng trà" chứ không dùng từ "uống chè"

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte uống trà được sản xuất bởi một doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Đến thế kỷ 16, các cường quốc châu Âu lần đầu tiên giao thương sản phẩm chè-đã được chế biến. Kể từ đó, thức uống này có vị thế vững chắc khi người Bồ Đào Nha trở thành những người châu Âu đầu tiên lấy mẫu (năm 1557), tiếp theo là người Hà Lan là những người đầu tiên vận chuyển một lô hàng trà sang châu Âu.

Ở phương Tây, quyển sách đầu tiên nói đến chè/trà được in năm 1559 của Jovani Batesta Ramudiro (1485-1557).

Sách đầu tiên nước Anh nói đến chè/trà là vào năm 1598, còn ở Bồ Đào Nha là 1600.

Trà thực sự quan trọng trong nhu cầu ẩm thực đối với rất nhiều người, song nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người Anh, đến mức nó thậm chí còn gây ra các cuộc chiến tranh trên khắp đế chế.

Sau khi Hoàng hậu người Bồ Đào Nha của Vua Charles II phổ biến trà tại triều đình- từ đó, đây đã trở thành thức uống của giới thượng lưu.

Sau khi được người Anh "sủng ái" - ngành buôn bán chè đã dần trở thành một ngành kinh doanh đem lại lợi nhuận khổng lồ. Nó được giao cho một doanh nghiệp mang tên Công ty Đông Ấn độc quyền và chính phủ đánh thuế 120%. Điều này đã hình thành nên những đường dây buôn lậu mở ra các kênh bí mật len lỏi đưa trà đến với những người tiêu thụ bình dân...

Năm 1784, để dẹp bỏ thị trường chợ đen, Thủ tướng William Pitt đã giảm thuế đối với loại lá nhiều công năng này xuống chỉ còn 12,5%. Kể từ đó, trà/chè trở thành đồ uống dân dã - được bán trên thị trường như một loại nước tăng cường sinh lực và làm ngon miệng.

Ngày Chè Thế giới

Với hơn 5.000 năm lịch sử, ngành chè đã có chỗ đứng vững chắc, mang trong mình những giá trị văn hóa lâu đời mà ít ngành nào có được. Ở Anh, nghi thức Trà chiều là một nghi thức bắt buộc trong cung đình và giới quý tộc,

Tại châu Á, người Nhật có "Trà đạo", người Trung Quốc thì có đến cả ngàn cách uống trà cũng như vô vàn chủng loại trà. Ở Việt Nam trà là thứ uống phổ biến từ tiếp khách quốc gia đến dân dã vỉa hè...

Để tôn vinh thứ nước uống phổ biến này cũng như ngành sản xuất chế biến ra nó, ngày 21/5 hằng năm đã được Liên hợp quốc chọn là Ngày Chè Thế giới.

Ngày Chè Thế Giới là cơ hội để những người yêu trà, người trẻ và tất cả mọi người trên thế giới biết đến và tôn vinh nền văn hóa lâu đời này cũng như thúc đẩy các hoạt động ủng hộ sản xuất-tiêu thụ chè bền vững và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chè trong xóa đói giảm nghèo.

Không gian uống trà của người Hà Nội xưa. (Ảnh: TTXVN)

Những ý nghĩa lịch sử lâu đời, nền văn hóa trà sâu sắc gắn liền với đời sống và như một thứ không thể tách rời trong cuộc sống hàng ngày của con người.

Ngày Chè Thế giới ra đời như một bước đột phá thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển, thực hiện các hoạt động để ủng hộ sản xuất và tiêu thụ chè bền vững, ngoài ra còn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ngành này trong việc xóa đói giảm nghèo.

Ngành chè đang cung cấp việc làm cho hàng trăm nghìn người trên thế giới, việc sản xuất, chế biến và kinh doanh chè góp phần lớn trong công cuộc giảm nghèo cùng cực, xóa đói đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.

Triển vọng ngành chè ngày càng phát triển, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế cùng nhiều lợi ích và các giá trị thực tế mà ngành chè mang lại.

Tại Việt Nam, việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tầm quan trọng của cây chè trong cuộc sống, nhất là phát triển nông thôn và sinh kế bền vững, cải thiện giá trị cây chè là một mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhung-dieu-chua-biet-ve-che-do-uong-pho-bien-chi-sau-nuoc-post914570.vnp