Những điều cần biết về phiên đấu giá 9% cổ phần Vinamilk của SCIC

SCIC sẽ bán 36% trong số 45% cổ phần đang nắm giữ tại Vinamilk. Trong đó, 9% cổ phần Vinamilk sẽ được bán đấu giá ngay trong tháng 12/2016.

NĐT ngoại được nắm cổ phần không giới hạn tại Vinamilk

Rất nhiều câu hỏi của nhà đầu tư nước ngoài tại buổi giới thiệu “Cơ hội đầu tư cổ phần của SCIC tại Vinamilk” diễn ra tại TP.HCM ngày 21/11/2016, đã khơi dậy không khí nóng ran cho phiên đấu giá 9% vốn điều lệ (trên 130,6 triệu cổ phần) của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã VNM) diễn ra vào tháng 12/2016.

CTCK Bản Việt: Trong quy chế đấu giá công khai NĐT tham gia đấu giá mua cổ phần VNM phải đăng ký với CTCK Sài Gòn (SSI – tổ chức tư vấn chào bán). Lần này đấu giá cổ phần VNM có giá trị rất lớn, nếu chỉ SSI tham gia làm đại lý thì sẽ hạn chế nhiều NĐT được tiếp cận, nên chăng cho nhiều CTCK tham gia cùng?

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC): Việc đấu giá cổ phần của Vinamilk sẽ diễn ra tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), không đấu giá tại bất kỳ các CTCK khác. Ý kiến của CTCK Bản Việt là nên cho phép nhiều CTCK tham gia làm đại lý để thu hút nhiều nhà đầu tư nhất thì chúng tôi xem xét.

Ngày đấu giá sẽ diễn ra trong tháng 12/2016, NĐT tham gia đấu giá phải ký hợp đồng ngay, vậy họ được cử đại diện tham gia được không và khi thắng thầu thì có phải có đầy đủ giấy tờ cá nhân gì?

Ông Nguyễn Đức Chi: Chúng tôi cho phép các đại diện hợp pháp thực hiện đấu giá, những giấy tờ cần thiết chứng minh về NĐT thì có trong bản hướng dẫn tham gia đấu giá cho SCIC ban hành và mong NĐT đọc kỹ.

Có thông tin cho rằng những “cổ phiếu vàng” thuộc sở hữu Nhà nước sẽ được giữ lại một phần bởi SCIC. Xin giải thích thêm cơ chế này và hiện còn áp dụng không? Cũng có thông tin về việc sẽ có một số cổ phiếu của Vinamilk được giữ lại để ngăn cổ phiếu Vinamilk không bị bán quá nhiều?

Ông Nguyễn Đức Chi: Cho đến nay thì tất cả những thông tin về “cổ phiếu vàng” chỉ là những ý kiến cá nhân chưa được luật hóa. Quy định của pháp luật hiện tại là chưa có.

Vinamilk đã có quyết định về sở hữu của NĐT nước ngoài có thể nắm giữ không giới hạn cổ phần tại Vinamilk. Vậy việc hạn chế cổ phần của NĐT nước ngoài là không hề có, chúng tôi không phân biệt NĐT trong nước và ngoài nước theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Tại sao phiếu đấu giá phải có đóng dấu của SSI (tổ chức tư vấn chào bán)?

Ông Nguyễn Đức Chi: Chúng tôi đang lắng nghe ý kiến của các NĐT trong buổi giới thiệu về cổ phiếu Vinamilk hôm nay và đang còn điều chỉnh, với những kiến nghị thì chúng tôi sẽ xem xét lại để NĐT thấy rõ ràng và minh bạch nhất.

Vai trò của của VinaCapital, Morgan Stanley trong việc đấu giá cổ phần Vinamilk là gì?

Ông Nguyễn Đức Chi: Morgan Stanley và VinaCapital đều là bên tư vấn cho SCIC trong thương vụ này, trong hợp đồng có ghi rõ họ tư vấn những gì. Nếu 2 nhà tư vấn này muốn tham gia vào quá trình đấu giá của Vinamilk thì phải đảm bảo các điều kiện, thủ tục theo đúng quy định về tài chính trong nước và quốc tế như các NĐT khác.

Đối với các nước trên thế giới, việc bán cổ phần lô lớn của các công ty lớn thì NĐT tổ chức sẽ được chiết khấu để giá bán cạnh tranh thấp hơn giá thị trường. Còn Việt Nam làm ngược lại là giá chào bán cao hơn giá thị trường? Ông giải thích điều này?

Ông Nguyễn Đức Chi: Chúng tôi công khai và tạo cơ hội cho tất cả NĐT tham gia đấu giá. NĐT yêu mến Vinamilk tôi tin rằng không hối tiếc về Vinamilk.

Ông cho biết về kế hoạch cụ thể bán 36% cổ phần Vinamilk của SCIC trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Đức Chi: Năm 2016 sẽ bán 9% cổ phần của SCIC tại Vinamilk. Sau đợt chào bán này căn cứ vào kết quả chúng tôi sẽ đánh giá tình hình và trình lên Chính phủ Việt Nam. Khi đó, Chính phủ có kế hoạch cụ thể về việc bán vốn tại Vinamilk tiếp theo thì SCIC sẽ công bố sớm nhất đến các NĐT và công chúng.

Vinamilk sẽ đầu tư máy móc khoảng 13.000 tỷ đồng

Tình hình tăng trưởng của Vinamilk trong thời gian tới? Kịch bản tốt nhất và xấu nhất về giá sữa của Vinamilk. Tình hình xuất khẩu của Vinamilk thế nào? Ảnh hưởng từ hội nhập TPP đến công ty?

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk: Hiện nay, giá sữa đã tăng cao 25-30% so với năm 2015. Kinh nghiệm cho thấy giá sữa lúc lên, lúc xuống, đỉnh điểm là giá sữa đã tăng rất cao trong năm 2014, nhưng trong 05 năm tới sẽ không lặp lại tình trạng này, do năm 2014 Trung Quốc tăng nhu cầu rất cao.

Vừa rồi giá sữa đã tăng 30% do giá sữa đã ở dưới đáy nên tăng trở lại. Giá sữa tăng 20-30% với mức tăng 2.500-3.000/kg là hợp lý so với giá sữa nguyên liệu thế giới và để người nông dân chăn nuôi bò có lời, còn nhà máy sữa có nguyên liệu phát triển ổn định. Vinamilk đã lường trước việc tăng giá và chốt giá đến tháng 4/2017.

Về ảnh hưởng của Hiêp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì hiện nay chưa có, nếu TPP được ký kết sẽ ảnh hưởng sâu hơn đối với nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Châu Âu. Việc này còn lâu và Vinamilk đã chuẩn bị trước, tuy nhiên đối với người nông dân thì năng suất và giá sữa phải cải thiện vào năm 2018 nếu TPP được thực thi.

Về xuất khẩu sữa thì doanh số xuất khẩu chiếm 18%-20%, Vinamilk đang tìm nhiều thị trường xuất khẩu sữa mới như Myanmar…

Tương lai của Vinamilk thế nào khi nhiều năm qua tốc độ tăng trưởng rất cao, những năm tới có duy trì được mức tăng trưởng như vậy không? Bản thân tôi thấy rất tự tin, vì lượng sữa tiêu thụ của Việt Nam rất thấp, đối với các nước bão hòa thì việc tăng trưởng 0,5-1% là rất khó, Việt Nam trong 10 năm tới còn tăng mạnh, tiếp 10 năm sau đó còn tùy thuộc ngưỡng bão hòa.

Điều quan trọng là dân số Việt Nam mỗi năm có thêm 1,2 triệu trẻ em ra đời, đây là đối tượng sử dụng sữa mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng ngành sữa Việt Nam.

Đang có 03 phương án về tăng trưởng ngành sữa trong 05 năm tới: thấp nhất là 5%, trung bình là 7% và cao nhất là 10%. Vinamilk muốn chiếm thêm thị phần thì mức tăng trưởng phải cao hơn bình quân ngành.

Vinamilk có kế hoạch đầu tư như thế nào trong 05 năm tới để khai thác tốt thị trường?

Bà Mai Kiều Liên: Trong 05 năm tới, Vinamilk đặt kế hoạch kinh doanh không thấp hơn kế hoạch 05 năm qua. Về công suất sản phẩm của các nhà máy công ty luôn trong tình trạng đáp ứng đủ hàng cho thị trường. Hiện nay, những sản phẩm nào có máy móc đã sử dụng 70% thì Vinamilk đã có kế hoạch đầu tư mới. Chẳng hạn, nhà máy sữa bột đã đáp ứng 75% công suất, nhà máy sữa chua có 80% công suất…

05 năm qua, Vinamilk đã đầu tư gần 13.000 tỷ đồng, và 05 năm tới cũng đầu tư khoảng này, không bao giờ Vinamilk để sản phẩm bị khan hàng trên thị trường.

Lan Anh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/nhung-dieu-can-biet-ve-phien-dau-gia-9-co-phan-vinamilk-cua-scic-2213175.html