Những điều cần biết về cách bảo quản bình chữa cháy xách tay

Đối với bình chữa cháy bột xách tay, loại này có cấu tạo gồm có: van xả (mỏ vịt), chốt an toàn, đồng hồ đo áp, vỏ bình, dây loa phun.

Cách bảo quảnbình chữa cháy bột là phải được đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát, dễ thấy, dễ lấy; nơi tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp và có bức xạ nhiệt mạnh. Nếu để bình ở phía bên ngoài cần phải có mái che hoặc đựng trong hộp đựng bình chữa cháy chuyên dụng, tuyệt đối tránh để bình tiếp xúc với những nơi có nhiệt độ cao. Khi di chuyển bình cần cẩn thận, hạn chế va đập gây nứt, vỡ, hỏng hóc bình. Trong quá trình sử dụng bình cần phải kiểm tra bình theo quy định của nhà sản xuất theo định kỳ ít nhất là 3 tháng 1 lần. Kiểm tra lượng khí đẩy trong bình thông qua đồng hồ đo áp suất (áp kế), khi kim báo áp suất bình không bảo đảm (dưới vạch báo màu xanh) thì phải nạp thêm theo tiêu chuẩn.

Đối với bình chữa cháy khí CO2 xách tay, loại này có cấu tạo như sau: van xả (mỏ vịt), chốt an toàn, dây loa phun, vỏ bình.

Cách bảo quản là để nơi dễ thấy, dễ lấy, nếu để ngoài nhà phải có mái che; tránh những nơi có ánh nắng, nhiệt bức xạ mạnh và nhiệt độ cao. Bình khí đã qua sử dụng hoặc hỏng hóc cần để riêng, tránh nhầm lẫn với bình chưa sử dụng. Khi bảo quản nhất thiết không để bình gần các thiết bị, máy móc sinh nhiệt. Khi di chuyển bình cần tránh va đập mạnh. Trong quá trình sử dụng bình cần phải kiểm tra bình theo quy định của nhà sản xuất theo định kỳ ít nhất là 3 tháng 1 lần. Có thể kiểm tra bằng cách nhúng nước kiểm tra độ kín của bình. Kiểm tra khối lượng bình bằng cách cân và so sánh với khối lượng được nhà sản xuất ghi trên nhãn mác.

SONG LÊ - PHAN HÙNG

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/giao-duc-khoa-hoc-cong-nghe/nhung-dieu-can-biet-ve-cach-bao-quan-binh-chua-chay-xach-tay-66377.html