Những điểm sáng của ngành xuất bản năm 2023

Năm 2023 là năm không ít khó khăn của ngành xuất bản, tuy nhiên, có những điểm sáng từ thị trường sách nói và sách điện tử, cũng như sự lan tỏa mạnh mẽ của văn hóa đọc.

Sách điện tử, sách nói nở rộ

Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông: Năm 2023, toàn ngành xuất bản doanh thu ước đạt 99.700 tỷ đồng (giảm 2% so với năm 2022), tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước ước đạt 3.378 tỷ đồng (giảm 8% so với năm 2022). Số xuất bản phẩm in là: 33.000 xuất bản phẩm với 450 triệu bản (giảm 11% về xuất bản phẩm và giảm 23% về bản so với cùng kỳ năm 2022).

Các đại biểu tham qua trưng bày trong Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 và Hội sách năm 2023 tại thành phố Huế

Dù là năm khó khăn của ngành xuất bản, nhưng năm 2023 cũng xuất hiện không ít điểm sáng, đặc biệt là sự nổi bật của toàn ngành về chuyển đổi số. Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, có thể kể tới câu chuyện sách điện tử có bước phát triển nở rộ. Số tựa sách điện tử xuất bản trong năm đạt 4.600 đầu, tăng 31,4%, đưa tỷ lệ sách điện tử/sách đạt 15,3% trên tổng số xuất bản phẩm (vượt chỉ tiêu năm 12%); tỷ lệ nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử đạt 40,3% (vượt 20% so với kế hoạch).

“Điều đó cho thấy phần nào những tác động của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã đi vào thực tế, khiến các nhà xuất bản tập trung hơn và bắt đầu tìm ra nguồn lực kinh tế từ xuất bản sách điện tử và sự kết hợp giữa các nhà xuất bản và khối thư viện đã làm nên kết quả này” - ông Nguyễn Nguyên nói.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên. Ảnh: Book365.vn

Bên cạnh đó, sách nói tiếp tục phát triển trở thành một thị trường sách mới, quy mô doanh thu thị trường sách nói trong năm 2023 đạt hơn 80 tỷ đồng; số lượt nghe sách nói trong năm 2023 đạt 40 triệu lượt (tăng 25% so với năm 2022).

Ông Nguyễn Nguyên nhận định, đây là câu chuyện rất lớn. “Sách nói là một xu thế của thế giới và năm trước doanh thu loại hình này chỉ khoảng 50 tỷ đồng. Tất nhiên con số 50 tỷ đồng so với các ngành khác là quá nhỏ, nhưng với ngành sách trong vòng 1 - 2 năm là lớn. Tôi cho rằng, trong vòng 1 năm, quy mô doanh thu thị trường sách nói tăng gần gấp đôi là điều rất đáng mừng, đặc biệt trong một năm khó khăn như 2023”.

Văn hóa đọc lan tỏa sâu rộng

“Văn hóa đọc trong 2023 thực sự được quan tâm rộng khắp của tất cả các cấp, các ngành và cả nhận thức của xã hội. Làm công tác xuất bản 30 năm qua, tôi chưa bao giờ tôi thấy có một sự quan tâm đặc biệt như vậy”, ông Nguyễn Nguyên chia sẻ.

Ông Nguyễn Nguyên lấy ví dụ về các chương trình hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đầu tư cho Đường Sách ở Thành phố Hồ Chí Minh; câu chuyện thay đổi ở Phố Sách ở Hà Nội, việc hình thành các phố sách ở nhiều địa phương... Qua đó thấy rằng, nhận thức về văn hóa đọc đã được lan tỏa xuống các cấp, ngành. Đây là điều những người làm công tác xuất bản cảm thấy rất vui mừng và xúc động.

Văn hóa đọc lan tỏa sâu rộng

Năm 2023, ngành xuất bản tổ chức thành công Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 và Hội Sách năm 2023 tại thành phố Huế. Hội sách đã thu hút được sự tham gia của 31 nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, giới thiệu khoảng 17.000 đầu sách, tổ chức 6 sự kiện tọa đàm, giao lưu tác giả, nhà văn, nhà khoa học.

Bên cạnh đó, Hội sách trực tuyến quốc gia năm 2023 cũng được diễn ra trên nền tảng Book365.vn, có sự tham gia của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, giới thiệu khoảng 20.000 đầu sách và tổ chức 5 sự kiện, với tổng số 3.839.060 lượt bạn đọc truy cập, trong đó, 79.83% lượt bạn đọc truy cập ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, truyền thông về sách cũng được chú trọng. “Truyền thông đã chủ động kết hợp và từ đó tạo ra một hiệu ứng quan trọng trong sự phát triển của ngành sách. Thời gian tới, với những chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, tôi cho rằng có nhiều cơ hội để có thể thúc đẩy sự kết hợp ngày càng chặt chẽ. Thậm chí, chúng tôi kỳ vọng tới đây một số cơ quan báo chí, truyền thông có thể tham gia tích cực vào thị trường sách với vai trò là đơn vị phát hành dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu khách hàng cực lớn của họ” - ông Nguyễn Nguyên dự báo.

Không chỉ trên báo chí, trên các mạng xã hội, BookTok - các video ngắn về cuốn sách yêu thích, review sách… được đăng tải, có sức ảnh hưởng lớn tới cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ…

Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, xã hội quan tâm, ông Nguyễn Nguyên kỳ vọng “năm tới, sẽ có nhiều sáng kiến, đổi mới hơn nữa để giúp cho ngành xuất bản tiếp tục có điều kiện phát triển, lan tỏa văn hóa đọc”.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/nhung-diem-sang-cua-nganh-xuat-ban-nam-2023-i355864/