Những điểm 'chưa đẹp mắt' của lễ hội Khai ấn Đền Trần Nam Định những năm trước

Lễ hội Khai ấn Đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) là một trong những lễ hội được nhiều người mong đợi nhất trong năm. Tuy nhiên, dù đã được lên kế hoạch từ trước nhưng cũng chính tại đây, nhiều bất cập vẫn tiếp diễn.

Cả nước hơn 8.000 lễ hội lớn bé, chủ yếu diễn ra trong tháng Giêng này. Đáng báo động không ít lễ hội ngày càng biến tướng, ít văn hóa và nhiều bạo lực hơn.

Nặng thì tranh cướp, giẫm đạp lên nhau, nhẹ cũng chen lấn xô đẩy, tiền lẻ nhét khắp mình thánh thần để cầu tài lộc, danh vọng và đủ thứ khác mà Lễ hội Khai ấn Đền Trần là một trong những lễ hội tình trạng xảy ra tranh cướp nhiều nhất.

Cướp ấn cầu quan - Leo rào cướp đồ lễ

Theo tập tục, lễ khai ấn có từ thế kỷ XIII, vào năm 1239 của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ.

Lễ khai ấn vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng (từ 11 giờ đêm 14 đến 1 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng) là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ trời, đất, tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông.

Tục là như vậy, nhưng ngày nay hình thành trong tâm lý người dân đến xin ấn đền Trần để chóng phát quan.

Không ít người tin rằng phải lấy được ấn đúng “giờ thiêng” thì chức tước, quan trường mới phát.

Thế nên mới có chuyện không được phát thì phải… cướp, miễn là sau lễ khai ấn nhất định không về tay không vì như thế chẳng những không phát quan mà có khi lại dính cái dớp mất ấn, rớt quan.

Bởi niềm tin đó, cảnh tượng chen lấn, xô đẩy đêm khai ấn không năm nào ngớt.

Người ta sẵn sàng làm tất cả để có một chiếc ấn. Ảnh: VnEpress

23h ngày 21/2/2016 (đêm 14 tháng Giêng năm Bính Thân), sau thời gian cử hành lễ rước kiệu, dâng hương trước cửa chính đền Thiên Trường và khai ấn, người dân được phép tự do vào lễ bái.

Đây cũng là lúc cuộc tranh cướp lộc trong đêm tại đền Trần bắt đầu.

Hàng ngàn người hung hãn lao vào giành giật lộc trên các ban thờ để lấy may. Chỉ sau ít phút, các ban thờ đã bị “vặt” sạch đồ lễ.

Thậm chí, người dân còn thi nhau nhảy rào để vào gian đền chính một cách nhanh nhất có thể thay vì đi theo lối đi được chuẩn bị từ trước. Ngay cả những người mang trên mình thẻ đại biểu cũng sẵn sàng lao và cướp lộc.

Mặc cho loa của Ban tổ chức liên tục đưa thông tin về lễ khai ấn và nhắc nhở việc đi lễ văn minh song mọi thông tin dường như là vô tác dụng.

“Cái bang”, sư xin tiền la liệt trong đêm khai ấn

Trước và sau buổi Lễ khai ấn, ăn xin nằm la liệt khắp nơi trước khu vực đền Thiên Trường.

Ai cũng ăn mặc nhếch nhác, nằm lăn lê đưới nền đường. Già, trẻ, gái trai đều có, thậm chí có nhiều người phụ nữ còn bế theo những đứa con đang còn quá nhỏ.

Đây là đội quân “cái bang” mà nhiều người bán hàng cho biết năm nào họ cũng hoạt động tại đây.

Những người này cứ lê hết 1 quãng dài khoàng 50 - 100 m rồi sau đó lại vòng trở lại. Khi nhác thấy phóng viên giơ máy chụp ảnh thì đội quân “cái bang” lại giấu mặt hoặc cố tình quay đi chỗ khác.

Được biết, trong lễ khai ấn năm Ất Mùi 2015, những người ăn xin chỉ hoạt động mạnh khi đã qua 12h đêm, nhưng trong năm Bính Thân 2016, “cái bang” hoạt động cả ban ngày.

Có nhiều người còn khỏe mạnh nhưng vẫn tham gia đội quân ăn xin, khi thấy lực lượng công an tới thì vội bỏ chạy.

Người phụ nữ này với bộ quần áo rách rưới ống rộng khiến nhiều người nghi ngờ người này giả cụt. Ảnh: tintuc.vn

Không chỉ có ăn xin, còn xuất hiện rất nhiều nhà sư đứng xin tiền du khách bên đường. Đặc biệt tại khu vực phía trong cổng đền Thiên Trường, nhà sư đứng dày đặc chìa bát xin tiền. Không biết thật giả thế nào, nhiều người lắc đầu buồn lòng cho chốn linh thiêng.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do năm nay ban tổ chức không đưa ra biện pháp cứng rắn như những năm trước là hễ thấy ăn xin, ăn mày là đưa hết lên xe chở về địa phương hoặc đưa tới các Trung tâm bảo trợ xã hội. Chính điều này đã khiến cho lễ hội đã xô bồ nay lại thêm phần nhếch nhác.

Trước giờ khai ấn đền Trần, có người đã "khoe" ấn

Ban tổ chức Lễ khai ấn đền Trần cho biết đến 5h30 phút sáng ngày 22/2/2016 ấn mới được phát cho du khách, song từ 20h 30 ngày 21/2/2016 đã có người “khoe” cả tập ấn do “quan hệ” có được.

Theo nguồn tin của phóng viên Người Lao Động, muốn lấy được ấn vào thời điểm sớm như vậy chỉ có những người quan hệ cực kỳ mật thiết.

Khoe tập ấn nói là mới lấy được và thắp hương xong trong đền, một người cho biết đã lấy gửi cho một số người bạn ở tỉnh xa.

Khi bị nghi ngờ đây không phải là ấn thật, người này đã đưa cho phóng viên xem và quả quyết: “Ấn thật 100%, được một ông anh làm ở tỉnh lấy cho”.

Ấn đền Trần đã lọt ra ngoài trước giờ khai ấn. Ảnh: Người Lao Động

Theo quan sát, ấn có đầy đủ bùa hộ mệnh và dấu ấn đỏ tươi. Bùa hộ mệnh ghi rõ: “Giờ tý ngày rằm tháng giêng năm Bính Thân”.

Đây là một điều rất bất ngờ, bởi theo ban tổ chức Lễ khai ấn đền Trần, ấn chỉ được phát cho du khách vào 5h 30 phút sáng ngày 22/2 (tức sáng ngày 15 tháng giêng).

Nguồn: Tiền Phong, An ninh Thủ đô, Người lao động, tintuc.vn,

Hoàng Duy (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/nhung-diem-chua-dep-mat-cua-le-hoi-khai-an-den-tran-nam-dinh-nhung-nam-truoc-d35677.html