Những dấu ấn về chính sách bảo hiểm xã hội trong 28 năm qua

Ngày 16/2/1995, cách đây 28 năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã được thành lập. Điều này tạo nên 'bước ngoặt' quan trọng trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở nước ta. Trên chặng đường 28 năm xây dựng và phát triển , ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ghi những dấu ấn nổi bật về an sinh xã hội của đất nước .

1. Năm 1995: Bảo hiểm xã hội Việt Nam ra đời - “bước ngoặt” lớn trong thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội

Từ năm 1994, Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua đã có quy định về việc hình thành Quỹ Bảo hiểm xã hội tập trung, độc lập với ngân sách, tự hạch toán bằng sự đóng góp của chủ sử dụng lao động và người lao động, được Nhà nước bảo hộ.

Theo đó, ngày 26/1/1995, Chính phủ đã có Nghị định số 12/CP ban hành Điều lệ Bảo hiểm xã hội quy định thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với cán bộ, viên chức nhà nước và người lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự phát triển chính sách bảo hiểm xã hội.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh kiểm tra việc hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tại Công ty TNHH Toto Việt Nam. (Ảnh: Tâm Trung)

Ngày 16/2/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 19-CP thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức bảo hiểm xã hội ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống lao động-thương binh và xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Sự ra đời của cơ quan Bảo hiểm xã hội tạo nên “bước ngoặt” lớn trong việc thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội ở nước ta. Đồng thời, đó là dấu mốc cải cách quan trọng của Chính phủ nhằm thu gọn đầu mối tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động trong mọi thành phần kinh tế.

2. Năm 2002: Hợp nhất tổ chức bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Ngày 24/1/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg về việc chuyển bảo hiểm y tế Việt Nam sang Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Ngày 6/12/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Sản xuất tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia, khu công nghiệp Amata Biên Hòa. (Ảnh: Thiên Vương)

Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ, có chức năng thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

Hệ thống tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam gồm 3 cấp: Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện. Đây là những văn bản quan trọng cho việc thống nhất tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở nước ta và cũng là tiền đề cho sự phát triển của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Việc hợp nhất này tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện chính sách hiệu quả, chuyên nghiệp và phù hợp với thông lệ thế giới.

3. Năm 2006: Lần đầu tiên, Luật Bảo hiểm xã hội ra đời

Ngày 29/6/2006, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007 với loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc; từ ngày 1/1/2008 với loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện và từ ngày 1/1/2009 với loại hình bảo hiểm thất nghiệp.

Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia (khu công nghiệp Amata Biên Hòa) trong giờ làm việc. (Ảnh: Thiên Vương)

Đây là sự kiện pháp lý quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách bảo hiểm xã hội, mở rộng người tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội đến khu vực lao động phi chính thức, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi của người tham gia.

Sự ra đời của đạo luật này cũng ghi dấu bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa các quan điểm đổi mới của Đảng, Nhà nước về bảo hiểm xã hội.

4. Năm 2008: Luật Bảo hiểm y tế ra đời

Ngày 14/11/2008, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm y tế, có hiệu lực từ ngày 1/7/2009.

Luật Bảo hiểm y tế ra đời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về bảo hiểm y tế, hướng tới thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chính sách xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Ảnh: Thiên Vương.

Nội dung quy định của Luật Bảo hiểm y tế đã cơ bản khắc phục vướng mắc, tồn tại trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế thông qua bảo hiểm y tế với mục tiêu xây dựng nền y tế Việt Nam theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

Sự ra đời của Luật Bảo hiểm y tế là dấu mốc quan trọng trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế ở nước ta.

Số người tham gia bảo hiểm y tế trong giai đoạn 1993-2022. (Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam)

5. Năm 2012: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết lãnh đạo chuyên sâu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020.

Nghị quyết số 21-NQ/TW khẳng định: “Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là 2 chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội và phát triển kinh tế-xã hội”.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Nguyễn Thế Mạnh trao quà hỗ trợ bệnh nhân bảo hiểm y tế có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán 2023. (Ảnh: Trần Hải)

Nghị quyết có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở nước ta. Văn bản cho thấy sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo một cách sâu sắc toàn diện của Bộ Chính trị trong việc thống nhất chỉ đạo thực hiện công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thay bằng hai văn bản riêng như trước đây (Chỉ thị 15-CT/TW ngày 26/5/1997 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và Chỉ thị 38-CT/TW ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới).

Nghị quyết khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp an sinh xã hội bao gồm chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

6. Năm 2013: Ra đời chính sách bảo hiểm thất nghiệp quy định trong Luật Việc làm

Ngày 16/11/2013, Quốc hội ban hành Luật Việc làm, trong đó đã chuyển các quy định về chính sách bảo hiểm thất nghiệp từ Luật Bảo hiểm xã hội để sửa đổi, bổ sung và chính thức thực hiện theo quy định của Luật Việc làm từ ngày 1/1/2015.

Ảnh: Thành Đạt.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện để: chi trả trợ cấp thất nghiệp, đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề...

Như vậy, bảo hiểm thất nghiệp không chỉ quan trọng đối với người lao động và doanh nghiệp, mà còn góp phần ổn định kinh tế-xã hội, là một trong những công cụ để thực hiện chính sách an sinh xã hội của mỗi quốc gia và quản trị thị trường lao động.

7. Năm 2014: Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế

Ngày 13/6/2014, Quốc hội thông qua Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Đây là bước đột phá quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế ở nước ta với quy định thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân, nâng cao quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, góp phần bảo đảm tính bền vững của Quỹ Bảo hiểm y tế.

Vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế. (Ảnh: Tâm Trung)

Ngày 20/11/2014, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 thay thế Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; bổ sung quy định về chế độ thai sản cho lao động nam; điều chỉnh mức hưởng chế độ hưu trí phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế…

8. Năm 2016: Khẳng định vai trò, nhiệm vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và đẩy mạnh giao dịch điện tử lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Ngày 5/1/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức, thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Đến ngày 24/12/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 166/2016/NĐ-CP quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin ở hầu hết các hoạt động nghiệp vụ của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội cho người dân và đơn vị.

9. Năm 2018: Ban hành Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội

Ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Đây là một văn kiện hết sức quan trọng trong việc định hướng hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

10. Năm 2020: Phát triển ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại

Ngày 4/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2020/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Thực hiện Nghị định này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích cực đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả và kiện toàn, chuyển đổi 1 đơn vị sự nghiệp thành Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ, chăm sóc khách hàng - để giải đáp, hỗ trợ, tư vấn chế độ chính sách cho người tham gia, hướng tới sự hài lòng của người dân cũng như các chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam tôn vinh 190 doanh nghiệp tiêu biểu trong thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2017-2022. (Ảnh: Tâm Trung)

Năm 2020 cũng là thời điểm kỷ niệm 25 năm xây dựng và trưởng thành của Bảo hiểm xã hội Việt Nam với nhiều thành tích quan trọng, toàn diện, nhất là độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng trưởng ấn tượng; nhiều đột phá trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Đặc biệt, năm 2020 là thời điểm ra đời của ứng dụng “VssID - bảo hiểm xã hội số” trên nền tảng thiết bị di động. Đây là một bước tiến mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, tạo điều kiện cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp cận thông tin, thực hiện các dịch vụ công một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng nhất, từng bước thực hiện việc thay thế sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế giấy.

11. Năm 2021: Ra đời Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và ban hành gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Ngày 31/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2021/NĐ-CP quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.

Theo đó, Chính phủ giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Đây là 1 trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng, tạo tiền đề cho việc thúc đẩy các hoạt động nghiệp vụ trên môi trường số của ngành nói riêng và thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia nói chung.

Đây cũng là thời điểm người dân, người lao động và doanh nghiệp trong cả nước phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng phức tạp của đại dịch Covid-19.

Với sự tham mưu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan, Chính phủ đã ban hành các gói hỗ trợ, đặc biệt là gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền lớn nhất từ trước đến nay theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người lao động. Gói hỗ trợ có kinh phí hơn 30.000 tỷ đồng, là gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp bằng tiền lớn nhất từ trước đến nay.

Việc ban hành chính sách hỗ trợ đúng lúc người lao động đang gặp khó khăn, vừa tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách bảo hiểm xã hội trong hệ thống an sinh xã hội, vừa thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với cuộc sống người lao động, nhất là những lúc khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

12. Năm 2022: Nhiều “đột phá”về chuyển đổi số bảo hiểm xã hội

Năm 2022 đã ghi nhận nhiều “đột phá” trong lĩnh vực chuyển đổi số bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cung cấp thêm nhiều dịch vụ, tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu với thông tin của hơn 98,7 triệu người dân; kết nối liên thông với gần 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh. Hệ thống giao dịch điện tử và Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến/năm… Đây là những tiền đề quan trọng thực hiện mục tiêu trở thành tổ chức an sinh xã hội hiện đại của ngành.

Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam ký kết Quy chế phối hợp. (Ảnh: Tâm Trung)

Là một trong những bộ, ngành tiên phong trong triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp Bộ Công an kết nối, chia sẻ thông tin căn cước công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, là tiền đề quan trọng cho việc triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đây là bước tiến lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính. Qua đó, đem lại nhiều lợi ích giúp người dân giảm tối đa thời gian, thủ tục khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế, đồng thời nâng cao, cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, trong năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai, tái cấu trúc quy trình, phối hợp với các đơn vị liên quan cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ công liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của ngành.

Với 100% thủ tục hành chính được triển khai thông qua các dịch vụ công, đặc biệt là các dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp cho các cá nhân, tổ chức bảo đảm việc kê khai đơn giản, thuận tiện, không phải cung cấp lại những thông tin mà ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quản lý; các hồ sơ giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được thực hiện số hóa và lưu trữ điện tử nhằm phục vụ tra cứu và chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành.

Bước đi này phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính và chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, công khai minh bạch trong giải quyết hồ sơ thủ tục cho người dân, góp phần xây dựng thành công ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Để đạt được những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực với các dấu mốc quan trọng nêu trên là nhờ vào sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các bộ, ban, ngành, các đơn vị, tổ chức;... Trong đó, với sự vào cuộc mạnh mẽ của của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Ảnh: Thành Đạt.

Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Hầu hết các tỉnh, thành phố đưa chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Bên cạnh đó, tinh thần đoàn kết, không ngừng nỗ lực, phấn đấu của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam góp phần đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện ở tất cả các lĩnh vực. Trong đó, nổi bật là diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng trưởng ấn tượng.

Tới hết năm 2022:

- Số người tham gia bảo hiểm xã hội là 17,5 triệu người, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó:

+ Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên hơn 16 triệu người năm 2022, tăng trên 7,5 lần.

+ Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng từ 6 nghìn người năm 2008 lên gần 1,5 triệu người năm 2022, tăng 250 lần.

- Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên hơn 14,3 triệu người năm 2022, tăng gần 2,4 lần.

- Số người tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên hơn 91,1 triệu người năm 2022, tăng 12,8 lần, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số, cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.

- Quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam bảo đảm đầy đủ, kịp thời.

Những kết quả này là minh chứng ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày càng phát triển, từng bước khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội để phát triển bền vững đất nước.

Tổ chức: NGỌC THANH - HỒNG VÂN

Nội dung: NHẬT NGÂN

Trình bày: PHÙNG TRANG

Ảnh: THIÊN VƯƠNG, THÀNH ĐẠT, TRẦN HẢI, TÂM TRUNG, BÁO NHÂN DÂN...

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-dau-an-ve-chinh-sach-bao-hiem-xa-hoi-trong-28-nam-qua-post738912.html