Những cuộc tiến công theo chiến lược 'bàn tay' của Bác Hồ

Các đòn tiến công của ta theo 'bàn tay xòe rộng 5 ngón' của Bác Hồ khiến quân đội Pháp choáng váng.

Sau Đại đoàn 316, đến lượt Đại đoàn 308, đại đoàn “anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 29/11/1953 được lệnh rời Phú Thọ tiến quân lên Tây Bắc, nhanh chóng bao vây Điện Biên Phủ, chặn ngang con đường từ Điện Biên Phủ đi Mường Khoa, ngăn không cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ rút chạy sang Thượng Lào.

Ngày 14/12/1953, Đại đoàn 312 từ Phú Thọ, Đại đoàn công pháo 351 (trong đó có hai tiểu đoàn của Trung đoàn pháo cao xạ 367 của chúng tôi) cũng rời Tuyên Quang, xe pháo lên đường hướng tới Điện Biên.

Riêng Đại đoàn 304, bằng một động tác nghi binh khéo léo, đang từ Thanh Hóa “rầm rộ” tiến quân lên Tây Bắc, gần đến Mộc Châu bỗng ngoặt gấp sang phải, luồn rừng, im lặng đến địa bàn phục kích ở Phú Thọ, đề phòng địch đánh ra vùng tự do của ta, sẵn sàng bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc.

Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Sau đòn tiến công chiến lược lần thứ nhất buộc Navarre phải điều lực lượng cơ động lên xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm, thống nhất với Đảng bạn Lào, Bộ Tổng Tư lệnh ta đi những nước cờ đầy mưu lược tiếp theo: lệnh cho những binh đoàn thiện chiến của miền Trung đi về hướng tây.

Đầu tháng 12/1953, Trung đoàn 66 của Đại đoàn 304, Trung đoàn 101 của Đại đoàn 325 bí mật vượt biên giới tiến sang Trung Lào. Riêng Trung đoàn 95, Đại đoàn 325, có nhiệm vụ ra Nghệ An làm lực lượng dự bị chiến lược, sẵn sàng cơ động trên các hướng.

Phối hợp với quân giải phóng Pathet Lào, bộ đội Việt Nam (Trung đoàn 66 của Đại đoàn 304, Trung đoàn 101 của Đại đoàn 325) đã tiến công như vũ bão suốt dọc đường số 8, số 12, tiêu diệt hàng loạt cứ điểm địch như Khăm He, Kha Ma, Na Pê, Căm Cớt, Đồng Hến, Pha Lan, Mường Phìn... tiêu diệt ba tiểu đoàn lính Âu Phi, một tiểu đoàn pháo binh, khiến hàng ngàn quân còn lại khiếp đảm bỏ cả phòng tuyến chạy dài.

Liên quân Lào- Việt đuổi theo giải phóng thị trấn Nhommalath, giải phóng luôn thị xã Thakhek nằm sát bờ sông Mê Kông, rồi tiếp tục thọc sâu xuống phía nam, áp sát đường 9, làm chủ toàn tỉnh Khammouan, giải phóng hầu hết vùng Trung Lào rộng lớn.

Choáng váng trước sức tiến công thần tốc của đối phương, tướng Navarre lại cuống cuồng điều thêm quân cơ động tăng cường cho Trung Lào, xây dựng Seno (gần Savannakhet) thành một tập đoàn cứ điểm (với lực lượng 10 tiểu đoàn).

Đây là đòn tiến công chiến lược thứ hai của Bộ Chỉ huy ta mà chúng ta có thể hình dung đây là ngón tay thứ hai trong bàn tay xòe rộng của Bác, buộc Navarre lần thứ hai phải phân tán binh lực.

Ngày 31/12/1953, một bộ phận của Trung đoàn 101 tức Tiểu đoàn 436 được lệnh cấp tốc hành quân cùng quân bạn thừa thắng tiến thẳng xuống Hạ Lào, bất ngờ tập kích giải phóng thị xã Attapeu, tiêu diệt một tiểu đoàn địch, tiến lên giải phóng toàn bộ cao nguyên Bolaven, buộc địch phải điều thêm lực lượng, xây dựng Pakse thành một tập đoàn cứ điểm (với binh lực bốn tiểu đoàn).

Đây là đòn tiến công chiến lược thứ ba của quân ta, mà ta có thể hình dung đây là ngón tay thứ ba của Bác, buộc Navarre lần thứ ba phải phân tán lực lượng.

Không dừng lại ở đó, các chiến sĩ Trung đoàn 101 tiếp tục tiến xuống phía nam, bắt liên lạc và phối hợp với bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Cao Miên1, với quân giải phóng Issarak (bộ đội Miên) liên tục tiến công, giải phóng phần lớn miền đông và bắc Cao Miên. Căn cứ kháng chiến miền Đông Nam bộ đã được nối thông với các căn cứ kháng chiến của hai nước bạn Miên, Lào.

Ngày 20/01/1954, mặc dầu Navarre huy động lực lượng lớn gồm sáu binh đoàn cơ động, phối hợp hải, lục, không quân, tiến hành chiến dịch Atlante đổ bộ lên Tuy Hòa, nhằm đánh chiếm vùng tự do của ta ở Liên khu 5, từ Đà Nẵng đến Cam Ranh, thì hai Trung đoàn chủ lực của Liên khu 5 (108 và 803) vẫn chấp hành lệnh tiến quân lên Tây Nguyên.

Trên đường tiến quân, hai trung đoàn thiện chiến này đã lần lượt tiêu diệt các cứ điểm Măng Đen, Măng Bút, Công Brai... đánh chiếm thị xã Kon Tum (05/02/1954) rồi tràn xuống quét sạch toàn bộ quân địch trên vùng bắc Tây Nguyên xuống tận đường 19.

Sợ mất luôn cả Tây Nguyên, Navarre buộc phải bỏ dở cuộc hành binh Atlante (18/02/1954), điều hàng chục tiểu đoàn tăng lên tăng cường cho Tây Nguyên, xây dựng Pleiku và An Khê thành hai tập đoàn cứ điểm, với lực lượng lên tới 14 tiểu đoàn.

Đây là đòn tiến công chiến lược thứ tư của Bộ Chỉ huy ta, mà ta có thể hình dung đây là ngón tay thứ tư của Bác, buộc Navarre lần thứ tư phải phân tán lực lượng.

Lưu Trọng Lân/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-cuoc-tien-cong-theo-chien-luoc-ban-tay-cua-bac-ho-post1473909.html