Những cung đường chúng ta đi qua

Trên các cung đường hằn in biết bao dấu chân của người lữ khách luôn thấp thoáng bóng dáng của những hàng cây xanh, thoang thoảng hương cỏ non đồng nội, cùng vài hạt mưa lất phất bay ngang. Ngày trở lại những cung đường ấy gợi lên trong tôi những nỗi niềm khó tả.

Du khách thường tìm đến chợ Đà Lạt khi bóng chiều ngả nghiêng trên những nhành cây lá kim của xứ này. Đây luôn là điểm đến thu hút du khách bởi nơi này bày bán nhiều mặt hàng giá rẻ, nhiều món đồ thú vị và cả những món ăn ngon miệng, phù hợp với túi tiền.

Mỗi lần đến đây, tôi vẫn thường nhìn ngắm các bạn trẻ ngồi ở bậc thềm từ khu Hòa Bình xuống chợ. Ở đây, cứ chiều tối là những người bán hàng rong được phép bán hàng, họ để gánh hàng của mình gọn gàng trên một góc phố, kế bên bày biện những chiếc ghế nhựa nhỏ cho khách ngồi. Đa phần khách đến ăn đều là những cặp đôi trẻ, họ ngồi ăn bánh mì hay xôi và thêm một ly sữa đậu nành nóng cho buổi tối của mình. Vậy là đủ cho khao khát chạm đến, chẳng phải tốn nhiều tiền.

Những bạn trẻ của ngày hôm nay đã tự mình trải nghiệm trên những cung đường đất nước với những mong cầu đơn giản: được đến nơi mà bản thân muốn đến, không nghỉ dưỡng resort hay ăn uống ở những nhà hàng lớn, chỉ cần được đi đã là hạnh phúc.

Không riêng gì những bạn trẻ, những người đã dành hết tuổi xuân của mình để lo chuyện áo cơm, nuôi dạy con cái, nay là những ngày tự do, và dẫu sức khỏe không còn như xưa, vẫn lên đường. Lên đường đi đến nơi ta chưa từng đến, gặp những người ta chưa từng gặp, đi qua những cung đường có thể ta đã từng qua hay chưa từng qua.

Tôi đã bao lần phóng xe đi trên cùng một cung đường, đó là đèo Khánh Lê từ Nha Trang lên Đà Lạt. Cứ ngỡ là mỗi lần đi là trở lại chốn quen, ừ, có thể là những vòng cua cũng vậy, những cột mốc của con đèo cũng vậy, nhưng thực ra mỗi lần đi là mỗi lần khác. Chỉ là mới đây, từ Nha Trang đi lên Đà Lạt thì cột mốc chỉ độ cao 1.500m nhòa trong mù sương, là mây mù che kín cả cảnh quan.

Mỗi con đường là mỗi cảnh sắc, ở nơi đó có những người bản địa tạo ra sự khác biệt trong cách sinh hoạt. Địa chất và cỏ cây, sông núi cũng tạo ra vẻ đẹp mà chắc chắn rằng, khi chúng ta đi qua đều sẽ cảm thấy mình bé nhỏ.

Những con đường ở TP.HCM dài xa tắp, như có lần tôi đi bộ thử ở đường Hai Bà Trưng, dạo đêm trên con đường Lê Lợi và lạc lối ở tận quận 5. Tôi cũng đã một mình đi vào những con hẻm ở Hà Nội, cứ thấy đường mà đi. Cái thời chưa có Google Map, đến một thành phố nào tôi cũng mua một tấm bản đồ, rồi mở ra kiếm tìm đường đi. Nay thì đã hiện đại, giọng của AI được cài sẵn trong chương trình sẽ chỉ nơi cần tới, báo cho biết khi nào qua cầu, khi nào gặp lối rẽ, nhưng cũng có lần tin vào bản đồ mà tôi đã lạc từ làng gốm Bát Tràng ra tận đường vành đai Hà Nội.

Những con đường đèo cũng vậy, khi cha ông chúng ta xẻ núi, khai phá để tạo ra lối, là cả một kỳ công, như đèo Ngoạn Mục uốn quanh, đèo Hải Vân như tên gọi khi núi giáp mây, hay Khâu Phạ với bao nhiêu cảnh quan đặc sắc, đèo Pha Đin kể câu chuyện Điện Biên Phủ… và cả mọi con đèo nối khắp cùng đất nước. Cũng giống như khi đi trên đèo Mã Pì Lèn, nghe câu chuyện về “con đường Hạnh Phúc” được làm bằng sức người, dừng chân ngắm sông Nho Quế len lỏi chảy giữa hai dãy núi.

Sớm mai này, chuẩn bị hành trang cho một chuyến đi, chúng ta lại đi trên những con đường. Những con đường có thể đang mùa hoa nở, có thể là ngàn lau vẫy chào, và đôi khi đi qua một cánh rừng đang vào mùa rụng lá.

Khuê Việt Trường

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//suy-ngam/nhung-cung-duong-chung-ta-di-qua-c8a58440.html