Những cột mốc trong thơ

Chiều 17/11/2023, tại Hà Nội, đã diễn ra buổi lễ giới thiệu ra mắt tập thơ 'Thanh âm vùng biên' của nhà thơ Nguyễn Xuân Việt. Đây là tập thơ thứ tư của anh, sau các tập Để nhớ một thời, 2017; Tình thơ, 2018; Mắt nhớ, 2020. Tập thơ Thanh âm vùng biênvới 65 thi phẩm được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 10/2023.

Tập thơ “Thanh âm vùng biên” của nhà thơ Nguyễn Xuân Việt.

Thơ ca được viết nên bởi những người lính luôn có sự cuốn hút bởi hiện thực, chất đời cùng với khí chất hào hoa, lịch lãm mà cũng không thiếu phần lãng mạn, say đắm. Thanh âm vùng biên của nhà thơ Nguyễn Xuân Việt là một tập thơ như vậy.

Những bài thơ mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa anh hùng ca đã cho chúng ta sống lại cảm thức ấy, một cảm thức đã lâu thơ ca Việt đương đại chưa có lại:Chúng tôi đi giữa ngàn trùng/ đêm âm u không nhìn rõ lối/ đường hành quân vời vợi/ trên đầu ngan ngát gió mây. Chúng ta có thể hiểu hiện thực này theo nghĩa rất rộng, bởi trong câu chuyện của người viết ta sẽ gặp những cái nhìn, những cảm nhận rất riêng. Nhưng chính trong nét riêng ấy sẽ mở ra cái vời vợi, cái khôn cùng đóng góp vào cảm hứng chung của dân tộc trong những năm tháng lịch sử đau thương ấy.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Việt tại buổi ra mắt sách. Anh sinh năm 1954, quê Nghi Lộc, Nghệ An, hiện sống ở Hà Nội, là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.

Đó là tâm trạng của người lính trước sự vời vợi của thiên nhiên tạo nên cảm giác cô đơn đan xennhững nỗi nhớ trong bối cảnh chiến tranh “chẳng biết ngày mai thế nào”. Nhưng như vậy không có nghĩa là người lính yếu đuối, ngã lòng. Thơ ca luôn cất lên tiếng nói cao đẹp nhất của tâm hồn người nghệ sĩ, đó cũng là những cảm xúc thật nhất được thơ ca ghi lại và đồng điệu với con người. Đã có những phút người lính thoảng buồn vì muôn nỗi nhưng đó cũng là sự biện giải để người đọc có thể thấu thị được rõ hơn một lý tưởng chưa bao giờ là cũ trong tâm thức những chàng trai đất Việt: Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi/ Nào có sá chi đâu ngày trở về/ Ra đi ra đi bảo tồn sông núi/ Ra đi ra đi thà chết chớ lui (Phan Huỳnh Điểu). Sự từng trải của cuộc đời là một kinh nghiệm quý báu và vô giá. Đó là chất men, là hương liệu để nhà thơ chưng cất nên thơ. Nhưng để đem được đời vào thơ, để trong thơ cuộc đời được hiện diện đầy đủ vẻ đẹp và góc cạnh thì lại cần một tâm hồn tinh tế để cảm nhận, một cái nhìn đa diện để thấu hiểu. Nhà thơ Nguyễn Xuân Việt đã hội tụ những tố chất đó trong đời thơ của mình.

Các vị đại biểu, khách quý, các văn nghệ sĩ đến tham dự buổi ra mắt sách của nhà thơ Nguyễn Xuân Việt.

Tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Thanh Tâm đã chia sẻ: Thanh âm vùng biên mang cảm hứng sử thi bi tráng. Cảm hững này vọng bay lên từ mạch lõi là tư tưởng thương yêu và kính ngưỡng mà tác giả dành cho Tổ quốc, người lính. Không dừng lại ở cảm hứng sử thi lãng mạn như văn chương nghệ thuật thời trước (1945-1975), khía cạnh bi tráng đã làm đầy đủ hơn cái nhìn về quá khứ gian lao, hào hùng cùng những hi sinh thầm lặng mà cao cả của những thế hệ chiến sĩ vệ quốc Việt Nam.

Lòng khép chặt trước những chia ly chính là cách để người quân tử nhẹ bước hải hồ như thơ Nguyễn Đình Thi:Người ra đi đầu không ngoảnh lại; hay thơ Thâm Tâm:Mẹ thà coi như chiếc lá bay/ Chị thà coi như là hạt bụi/ Em thà coi như hơi rượu say... Còn Nguyễn Xuân Việt viết: Mẹ giờ này đang ở nơi đâu/ dưới hầm sâu hay nơi sơ tán… Em thân yêu!/ Ngày ta chia tay nhau… Giữa các nhà thơ luôn có sự liên tài, ở đây Nguyễn Xuân Việt đã có sự giao thoa, tiếp nối với các tiền bối xưa nhằm khẳng quyết ý chí và tình cảm là hai yếu tố làm nên quân tử và thi sĩ trong một con người chính danh của mọi thời đại.

Đọc Nguyễn Xuân Việt để thấy rằng nhà thơ luôn gợi dẫn ta khám phá, tìm ra những vẻ đẹp khuất lấp hay những gì ẩn sâu, hiện diện trong đời sống, trong nhiệm vụ của những người lính bằng những hình ảnh và ngôn ngữ đẹp đẽ, sinh động. Nhà thơ không cố gắng để làm một điều gì lớn lao mà những câu thơ trực cảm, thốt thiên và đầy mĩ cảm cứ thế hiện diện theo cảm xúc:Có những chặng tuần tra/ núi rừng như họa/ mây núi ôm nhau/ nghiêng ngả sắc màu/ tiếng chim ca ngỡ tiếng sáo diều/ tiếng suối chảy ngỡ là điệu nhạc. Một không gian đầy chất nhạc, chất thơ, chất họa trong đôi mắt thi sĩ, người lính Nguyễn Xuân Việt. Qua đây, chất hào hoa, lãng mạn của anh được khắc họa rõ nét.

Nguyễn Xuân Việt luôn ý thức về sự hiện tồn của thơ ca. Thơ ca sẽ giúp anh lưu lại những vẻ đẹp, lý tưởng, tình cảm và mọi giá trị ở lại. Đó là sức mạnh của nghệ thuật ngôn từ để chúng ta thêm thấu hiểu, đồng cảm với những người lính đã ra đi cho dẫu biết họ đi sẽ để lại một khoảng trời trống vắng ở phía sau: Họ là những người lính/ ra đi từ mảnh đất nghèo/ bỏ lại đằng sau… khoảng trời trống vắng. Những câu thơ tạo cho chúng ta rất nhiều liên tưởng và cảm xúc mà không cần phải làm lên gân hay tô vẽ. Điều quan trọng là ở ý ở lời, ở điều mà người thi sĩ muốn gửi gắm, muốn chia sẻ qua thơ. Giá trị của thơ lớn đến đâu là do người viết cấp giá trị cho nó. Cũng từ cuộc hành quân “bỏ lại đằng sau” ấy, những khoảnh khắc không quên của cuộc đời người lính Nguyễn Xuân Việt cũng chính là những khoảnh khắc đẹp đẽ, đáng nhớ trong lòng bạn đọc.

Mọi miền biên cương đẹp đẽ và đau thương, gian khó và thiêng liêng đã hiện lên trong những áng thơ trữ tình đằm gợi mà cũng hết sực sục sôi. Thơ Nguyễn Xuân Việt không đơn thuần là những câu tả cảnh bởi đằm sâu trong lớp ngôn từ chính là những lớp trầm tích văn hóa và lịch sử của dân tộc ta suốt bốn ngàn năm qua. Thơ anh vừa nói lên được không khí vùng biên cương vừa nói lên được cái sâu xa, cái lớn lao, cái vĩ đại của đất nước, dân tộc mình và những người lính: Tôi ở trong này. Biên giới Tây Nam/ Tiếng súng chưa im/ Lửa căm hờn chưa ngớt/ Anh ở ngoài kia. Biên cương phía Bắc/ Giặc tràn vào. Tiếng súng lại gầm vang/ Thêm một lần… Đất nước gánh gian lao/ Lịch sử đặt trên vai người lính(Trận tuyến ở hai đầu). Bên cạnh sự nghiền ngẫm của tư duy, sự nhuần nhuyễn của ngôn ngữ thì người viết còn phải đi đến tận cùng những trải nghiệm của thơ ca để bóc tách, gọt giũa, trau chuốt để có được những câu thơ ấy.Sự thăng hoa của ngòi bút đã mang đến một phong cách thơ, một phẩm cách của nhà thơ mà chỉ có những lao động nghệ thuật miệt mài, những nỗ lực học hỏi không ngừng mới có được.

Bên cạnh việc biểu đạt những sự hi sinh lớn lao của người lính, những hào hùng trầm thiêng của biên cương thơ Nguyễn Xuân Việt cũng đầy mềm mại, mộng mơ như những tình ca người lính, những tình khúc biên cương: đêm khuya lạnh/ bếp hồng tàn lửa/ lính biên phòng xuống bậc cầu thang/ chia tay nàng, chàng cứ xốn xang/ mai trăng lên… hẹn nàng lại đến. Những bài thơ trữ tình của anh rất đỗi nồng nàn, tròn đầy, đắm đuối, si mê làm nên một nét khác biệt, độc đáo và giàu thanh sắc, âm điệu cho tập thơ.

Tháng Ba mùa hoa gạo/ rực đỏ trời biên cương/… Thôi nhé, em đừng buồn/ lính mà em… là thế/ nợ em “chừng có thể”/ đợi anh về, đợi anh!Như vậy để thấy, với thi nhân, vẻ đẹp của tình yêu người lính không mang tính cá nhân chủ nghĩa, mà anh lồng ghép trong đó bóng dáng của quê hương làng mạc cũng như quan niệm cái đẹp chỉ hiện hữu khi con người hòa nhập với thiên nhiên. Cái đẹp luôn đến từ đời thường, và hiện ra theo cách mà nhà thơ nhìn vào sự vật.

Nguyễn Xuân Việt giàu nội lực và ý thức nghệ thuật trong những câu thơ. Mỗi câu thơ của anh mang một vóc dáng, hình hài riêng, ẩn chứa trong đó những câu chuyện, những tự sự sâu xa: Giữa biên cương/ Đất trời sương gió/ Đi tìm mày/ Cây cỏ cũng nôn nao/ …/ Tao may mắn hơn mày/ Được hàn lại vết đau/ Được biết những điều… Mày chưa kịp biết(Sao mày không về). Câu thơ Được biết những điều… Mày chưa kịp biết có lẽ là câu thơ khiến không ít người đọc phải thổn thức, ngậm ngùi và cũng là câu thơ khiến chúng ta phải “gai người”. Những câu thơ không miêu tả trực tiếp về chiến tranh với bom rơi đạn nổ nhưng lại là câu thơ chứa đựng toàn bộ cái khắc nghiệt, khốc liệt, vô nhân tính của chiến tranh. Chỉ có nghệ thuật thơ ca mới làm được điều đó. Cảm thức chia xa trong thơ Nguyễn Xuân Việt ấn tượng và làm nên giọng điệu của thơ. Nhà thơ đã trình hiện mình bằng sự nhạy cảm, tinh tế của tâm hồn cùng với sự phản biện đối với những đại tự sự khi đã có độ lùi của thời gian.Thơ đã trao cho nhà thơ quyền năng tìm đến sự vĩnh hằng. Tôi tin, với Thanh âm vùng biên Nguyễn Xuân Việt đã tạo ra được cõi thơ vĩnh hằng cho riêng mình, và tạo ra những cột mốc thiêng liêng của biên cương theo một cách riêng khác.

Nhìn lại đường thơ đã đi qua với những dấu ấn còn lưu lại của nhà thơ Nguyễn Xuân Việt tôi tin rằng đó là một chặng đường đặc biệt ý nghĩa với nhà thơ và những người yêu thơ của anh.Chúng ta có quyền mong chờ, hi vọng vào chặng đường nghệ thuật tiếp theo của anh.

Hoài Phương

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-cot-moc-trong-tho-a22338.html