Những công nhân thầm lặng

Những công nhân làm công việc thầm lặng, thầm lặng đến mức người ta xem đó như là một tồn tại hiển nhiên, tuy nhiên những đóng góp của họ lại mang đến những giá trị to lớn cho cuộc sống này.

Kỷ niệm 138 năm ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 - 1/5/2024)

Chị Loan đã gắn bó 20 năm với công việc. Ảnh: Việt Hải

Ngày đêm làm sạch đẹp cho những con phố

Chiều tối muộn 26/4, trong khi từng dòng người và xe hối hả rời khỏi Thủ đô Hà Nội để chuẩn bị cho một kỳ nghỉ lễ thì ngay góc phố cạnh Hồ Gươm, một công nhân vẫn đang âm thầm thu gom rác, những giọt mồ hôi thấm đẫm bờ vai. Nữ công nhân đó là chị Ninh Thị Loan - Tổ Môi trường xung quanh Hồ Gươm (thuộc Chi nhánh Hoàn Kiếm), Hà Nội. Đã ở tuổi ngũ tuần, nhưng đã từ rất lâu rồi, ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày lễ cũng như ngày thường tiếng chổi của chị chưa bao giờ ngưng nhịp trên từng con phố.

20 năm gắn bó với nghề, cũng từng ấy năm chị Loan gắn liền với rác, với nắng mưa, với đường phố và bụi bặm. Hành trình của chị không dừng chân ở những văn phòng máy lạnh, không phải là những trung tâm thương mại sang trọng… mà văn phòng làm việc của chị là những con phố, điều hòa là những bóng cây. Từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc công việc, chị không dừng chân, không ngơi tay, vì phải quét dọn, lượm nhặt tất cả, thậm chí gom nhặt cả sự ‘vô ý’ của người dân để giữ cho các con phố Thủ đô luôn được sạch đẹp, văn minh.

Nói về ngày nghỉ lễ, về những chuyến đi chơi xa, chị Loan cho biết: “Khi đã chọn nghề này thì phải xác định, ngày người khác làm việc, mình cũng làm việc, ngày người khác đi chơi lễ, mình lại càng làm việc nhiều hơn. Với những công nhân vệ sinh môi trường như chúng tôi thì đừng nói là những chuyến đi chơi xa, chỉ là những bữa ăn quay quần với gia đình vào ngày nghỉ lễ cũng là một thứ gì đó rất xa xỉ”.

Theo chị Loan, công việc chính của chị và những chị em cùng tổ vệ sinh ở khu vực Hồ Gươm là quét sạch lòng đường, vỉa hè và thu gom rác thải quanh khu vực phố đi bộ. Nếu chỉ nhìn bằng ánh mắt thoáng qua, có lẽ ai cũng nghĩ công việc ấy khá dễ dàng. Nhưng chỉ có khi ngồi nghe những người công nhân vệ sinh môi trường như chi Loan chia sẻ mới có thể cảm nhận hết được những vất vả, nặng nhọc trong cái nghề này.

“Cái nghề này vất vả lắm, nói như các cụ là nghề chọn mình, cũng vì miếng cơm manh áo của cả gia đình nên phải bươn chải để mưu sinh thôi. Thời gian đầu vào nghề thì cũng chưa quen đâu, vất vả lắm chứ, vừa phải thức khuya dậy sớm, lại làm việc bất kể nắng mưa, gió rét… nhiều lúc muốn nghỉ, tìm công việc khác nhưng không hiểu sao lại gắn bó đến tận bây giờ” - chị Loan chia sẻ.

Theo chị Loan, 20 năm đi làm chị chứng kiến đủ những đắng cay của nghề. Những vất vả, những nắng mưa hay những khi phải đẩy chiếc xe rác cao quá đầu người… cũng không mệt bằng khi vô tình chứng kiến nhưng ánh mắt ái ngại của người đi đường, hay sự vô ý thức của một bộ phận người trẻ trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường…

Quả thật, có đồng hành, có sẻ chia mới thấy cảm phục hơn những đóng góp thầm lặng của chị Loan hay của những công nhân vệ sinh môi trường khác. Ngày qua ngày, những công nhân vệ sinh như chị Loan vẫn như những chú ong thợ miệt mài với công việc của mình, đôi khi mệt quá, họ dừng lại một lát cười nói cùng nhau… rồi lại tiếp tục thu gom rác trên những con phố đã quá đỗi thân quen.

Điều độ chạy tàu, công việc nhiều áp lực

Những ngày này, công việc của anh Nguyễn Duy Sỹ (49 tuổi) tại ga Hà Nội như bận rộn hơn. Phụ trách công việc điều độ chạy tàu hay nói theo thuật ngữ ngành đường sắt là điều độ viên, suốt 12 tiếng trong ca làm việc của mình, anh Sỹ luôn phải theo dõi biểu đồ chạy tàu, chỉ huy việc khắc phục sự cố chạy tàu, ra Lệnh cảnh báo tốc độ tới các đơn vị liên quan, đình chỉ chạy tàu trên tuyến đường sắt phụ trách nếu thấy nguy cơ đe dọa mất an toàn cho các đoàn tàu.

Anh Nguyễn Duy Sỹ luôn duy trì niềm yêu nghề, tận tâm, tận tụy với công việc. Ảnh: Hải Yến

21 năm phục vụ trong ngành đường sắt, hơn 10 năm làm công việc của một điều độ viên, anh Sỹ hiểu rõ nhưng chuyến tàu như chính lòng bàn tay của mình. Theo anh Sỹ, nghề của anh đi làm khá đơn giản, chỉ cần mang theo một hộp bút (bút đỏ, bút xanh, bút chì…) thước kẻ và một viên tẩy. Tuy dụng cụ làm việc đơn giản là vậy nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để làm công việc vừa nhàm chán vừa áp lực này.

Anh Sỹ cho biết: “Hoạt động của đường sắt khá đặc thù, vì thời gian của mỗi chuyến tàu đã được tính toán rất chính xác nên khi có những sự cố, tai nạn phải được xử lý rất nhanh. Nhiều khi, điều độ viên chỉ có vài chục dây để đưa ra quyết định khắc phục sự cố. Thế nên, làm công việc này tuy nhàm chán nhưng đầy áp lực, luôn phải tập trung cao độ vì chỉ cần lơ đãng một chút là xảy ra tai nạn ngay”.

Theo anh Sỹ thì mỗi ca làm việc, anh đối mặt với khối lượng lớn thông tin để đảm bảo kế hoạch tổ chức chạy tàu, tránh vượt tàu khách, tàu hàng; chỉ huy các đơn vị hiện trường thực hiện tác nghiệp đón, trả khách, dồn dịch, cắt móc toa xe, dồn cấp xe xếp, xe dỡ tàu hàng… theo biểu đồ chạy tàu kế hoạch. Ngày thường đã vậy, ngày lễ càng áp lực hơn khi mà để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, ngành đường sắt phải tăng chuyến. Hành khách tang, hàng hóa tăng… cũng là lúc áp lực của những điều độ viên như anh lại tăng thêm. Các lịch trình phải được tính toán đến từng chi tiết nhỏ để làm sao cho đoàn tàu được đi đến nơi, về đến chốn.

“Làm nghề này sợ nhất là những ngày mưa bão, đường sắt bị sạt lở. Những lúc đó thì bộ phận điều độ viên của chúng tôi phải cập nhật tình hình liên tục, làm sao công tác vận hành của các đoàn tàu luôn được đảm bảo, vừa không ảnh hưởng đến hành khách mà vừa phải đảm bảo an toàn cho hành khách” - anh Sỹ chia sẻ. Dù đã gắn bó với công việc này hơn 10 năm nhưng với anh Sỹ thì 12 giờ làm việc ấy là khoảng thời gian cực kỳ căng thẳng, thấp thỏm vì các sự cố chạy tàu. Chỉ cần tàu chậm so với lịch trình, chưa thấy ga báo tàu qua là điều độ viên phải gọi hỏi ga, hỏi trưởng tàu ngay để sẵn sàng phản ứng nhanh. Thế nên, vì đặc thù công việc nên để đảm bảo được sự tỉnh táo, các điều độ viên như anh Sỹ sẽ được nghỉ ngơi từ 24 đến 48 tiếng trước khi bắt đầu ca làm việc tiếp theo.

Thái Phương-Hải Yến

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhung-cong-nhan-tham-lang-378810.html