Những con chim sơn ca của núi rừng Trị Thiên

Nhìn lại 'sứ mệnh lịch sử' của Đoàn Văn công Quân giải phóng Trị Thiên, có thể thấy rằng, đây là đoàn văn công đầu tiên và duy nhất vào chiến trường Trị Thiên thời bấy giờ; là một đoàn văn công có quy mô lớn, quy tụ đông đảo cán bộ, diễn viên, nhân viên tài năng. Trải qua 12 năm (1964 - 1976) phục vụ bộ đội và Nhân dân trên khắp chiến trường Trị Thiên, cán bộ, diễn viên, nhân viên đoàn đã có nhiều cống hiến xuất sắc trên mặt trận tư tưởng, văn hóa.

 Một tiết mục biểu diễn của Đoàn Văn công Quân giải phóng Trị Thiên -Ảnh: T.L

Một tiết mục biểu diễn của Đoàn Văn công Quân giải phóng Trị Thiên -Ảnh: T.L

Giữa năm 1964, theo quyết định của Tổng cục chính trị, Đoàn Văn công Quân giải phóng Trị Thiên được thành lập gồm 16 thành viên (10 nam, 6 nữ) do đồng chí Nguyễn Thế Linh làm trưởng đoàn, đồng chí Thanh Huyền là chính trị viên. Sau gần 4 tháng tập trung về Hà Nội rèn luyện sức khỏe, làm công tác chuẩn bị, ngày 23/12/1964, đoàn bí mật hành quân vào Nam.

Theo ca sĩ Bích Lộc - 1 trong 6 nữ văn công đầu tiên của đoàn, từ 16 thành viên năm 1964, đoàn nhiều lần được bổ sung quân số, lúc cao nhất lên đến 80 người. Một số người được đào tạo bài bản trong các trường nghệ thuật; có người được điều về từ Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, Nhạc viện Hà Nội, Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Đoàn Văn công Quân khu 4…Các tên tuổi lớn không thể không nhắc đến là đoàn trưởng Nguyễn Thế Linh, nhạc sĩ Thuận Yến, Phương Nam; nhà thơ, nhà viết kịch Phạm Ngọc Cảnh, Thanh Hải, Thanh Huyền... Các sáng tác của họ được viết ra từ trong chiến tranh, từ cả sự hy sinh, máu, nước mắt của bản thân và đồng đội. Chính chiến tranh đã tôi rèn nên phẩm chất, khơi dậy tài năng của các nghệ sĩ, làm niềm cảm hứng vô tận để họ cho ra đời những tác phẩm xuất sắc.

Vừa vào chiến trường, nhạc sĩ Thuận Yến cho ra đời hàng loạt tác phẩm gây tiếng vang, không những chỉ đoàn biểu diễn, mà còn được bộ đội và Nhân dân khắp các chiến trường yêu thích. Bài hát "Mỗi bước ta đi" (1965), "Hát mừng quê ta giải phóng" (1965), "Bài ca nữ tiếp vận" (1966)… đã làm náo nức, sục sôi tinh thần, ý chí cách mạng tiến công của quân và dân ta. Nhạc sĩ Thuận Yến được xem là người có ca khúc viết về Bác Hồ nhiều và hay nhất. Ông đã được tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật (năm 2001); được xét tặng và trao giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2017) khi đã an nghỉ nơi chín suối. Vợ ông - nghệ sĩ đàn tranh Thanh Hương nói: "Nếu không có những năm tháng bám chiến trường, bám bộ đội, bám Nhân dân, sẽ không xuất hiện những tên tuổi lớn. Ngay cả Thuận Yến cũng không thể có trải nghiệm và cảm hứng để sáng tác nên những tác phẩm để đời và càng không bao giờ có giải thưởng Hồ Chí Minh".

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở hẻm đường La Thành (Hà Nội), nghệ sĩ Thanh Hương hào hứng ngâm cho chúng tôi nghe một vài câu thơ trong bài thơ "Người cầm súng" của Thanh Huyền: "Tôi viết bài thơ trước giờ nổ súng/Nghe giọt sương rơi trên cành lá rụng/Nơi chiến hào quê mẹ, quê cha/Máu của người thân đỏ đất phù sa/… Tôi viết bài thơ trước giờ nổ súng/Trăng trên đầu đã xuất kích trước trời trong/Súng cắm lê rồi tôi chờ lệnh xung phong".

Người nghệ sĩ ngày nào giờ đã 79 tuổi song chất giọng vẫn rất ngọt ngào. Bằng đôi mắt lấp lánh sáng ngời niềm tin và đầy tự hào, bà cho hay: "Đây là một trong rất nhiều tác phẩm hay được ngâm và diễn không biết bao nhiêu lần; cùng với các tác phẩm khác đã góp phần nâng bước chiến sĩ, gieo vào lòng biết bao người về niềm tin vào thắng lợi của cuộc cách mạng chính nghĩa; in sâu vào tâm hồn của bao thế hệ về một thời không thể nào quên".

Cũng theo nghệ sĩ Thanh Hương, hàng trăm tác phẩm đặc sắc của nghệ sĩ, diễn viên đoàn đều được ra đời vào giai đoạn này. Từ trong chiến trường ác liệt, các chiến sĩ đoàn văn công vừa hành quân, vừa phục vụ, vừa sáng tác hàng trăm tác phẩm, hàng ngàn buổi biểu diễn, phục vụ hàng vạn chiến sĩ và đồng bào. Ca sĩ Thu Hồng (82 tuổi) từng là đơn ca chính của đoàn ngày mới thành lập. Bồi hồi nhớ lại những năm tháng trên chiến trường Trị Thiên, bà khoe: "Ngày đó đoàn hội tụ rất nhiều tài năng, những giọng hát dân ca như Khánh Thiệm, Phương Hoa; tài năng múa như biên đạo Đình Đạt, Nguyễn Hân, Thu Hiền, Mạc Hạnh; tài năng ca hát có Thu Sen, Thu Lưỡng, Kim Anh, Bích Lộc. Đội múa, đội ca, đội dân ca - kịch, đội nhạc... đều là những gương mặt tài năng, đem đến những buổi biểu diễn đặc sắc được bộ đội, Nhân dân yêu mến.

Với những cống hiến to lớn, đoàn được tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều bằng khen của quân khu, chiến dịch, trận đánh. Đặc biệt, ngày 29/4/2021, đoàn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân".

Thiếu tướng Võ Văn Chót, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4, từng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên, nhiều lần được đoàn biểu diễn phục vụ khẳng định: “Hơn 11 năm vào chiến trường Trị Thiên, đoàn đã phục vụ các chiến dịch lớn như xuân Mậu Thân 1968; là lực lượng văn công xung kích duy nhất vào Huế; phục vụ Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Quảng Trị 1972 và mùa xuân 1975. Với nhiều đóng góp to lớn, đoàn rất xứng đáng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Năm 1976, Đoàn Văn công Quân giải phóng Trị Thiên giải thể vì đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình nhưng những chiến công trên mặt trận tư tưởng, văn hóa và ký ức về một thời hào hùng, oanh liệt của đoàn sẽ còn được nhắc mãi. Những ai đã từng nghe, từng xem đoàn biểu diễn sẽ nhớ mãi về những con chim sơn ca của núi rừng Trị Thiên" với dấu chân in khắp dải đất chiến trường.

Vũ Hoàng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=166800&title=nhung-con-chim-son-ca-cua-nui-rung-tri-thien