Những chuyến xe chở quê đi muôn nơi

Sau những chuyến tàu xe rộn ràng từ khắp nẻo đường chở tết về với những làng quê, thì qua ngày mùng, cũng những chuyến xe này, lại chở những người con của xóm làng rời quê để tiếp tục cuộc mưu sinh ở mọi miền của đất nước. Dù về hay đi, chuyến xe nào cũng thật nhiều cảm xúc!

Tại ga Tuy Hòa, một gia đình tiễn người thân quay trở lại TP Hồ Chí Minh học tập, làm việc. Ảnh: THÁI HÀ

Lỉnh kỉnh quà quê của bà, của mẹ

Những ngày sau tết, các ngả đường lớn, ga tàu, bến xe, sân bay lại nhộn nhịp cảnh người dân tay xách, nách mang với tâm trạng rời quê sau kỳ nghỉ lễ bùi ngùi, bịn rịn. Ngoài hành lý thông thường, nhiều món quà quê cũng được các bà, các mẹ tỉ mỉ xếp cẩn thận để con cháu mang vào các thành phố lớn.

Ngô Thị Tuyết Liễu, bạn tôi lấy chồng quê Hải Dương nhưng mấy năm trước hai vợ chồng sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh còn các con sống cùng nhà nội ở miền Bắc. Sau dịch COVID-19, chứng kiến nhiều đồng nghiệp cùng công ty mắc bệnh, trong đó có những đồng nghiệp thân thiết ra đi đột ngột, Liễu và chồng quyết định quay về Bắc sống gần gia đình và chăm sóc, nuôi dạy con.

Việc làm dâu xa xứ không dễ dàng gì; dù vậy, tết nào bạn cũng về quê mẹ ở phường Hòa Xuân Tây (TX Đông Hòa) ăn tết. Lúc thì bạn đi cùng cả gia đình, khi thì dắt theo con. Năm nay, bạn về một mình, chơi với ba mẹ và các em được vài ngày đã tất tả quay trở về với gia đình nhỏ. Thương con gái lấy chồng xa nên tranh thủ lúc Liễu về, nhà có gì, ba mẹ đều vét hết cho con gái.

Trong số đồ bạn tôi mang theo, túi bóng nhỏ nhất là thức ăn, nước uống để ăn dọc đường. Một túi to khác chứa các loại bánh mứt của Phú Yên; trái mít, buồng chuối xanh của vườn nhà và còn có một thùng xốp chứa cá biển, gà vịt đã đông lạnh kỹ để đi quãng đường xa không bị hư. Ngoài những thức bình dân, mẹ Liễu còn chuẩn bị một ít đặc sản Phú Yên được gói kỹ lưỡng mang về tặng sui gia.

“Đường xa xôi, đi cả một ngày đêm mới tới nơi nhưng ba mẹ cứ bảo lên xe bỏ vào thùng xe thì có nặng nhọc gì. Ra đến nhà chồng, có quà mà cho các cháu và ông bà sui. Nếu xe cho mang đi cả tủ lạnh chắc mẹ cũng cho luôn để mang đi quá!”, Liễu nói.

Nhìn con gái từ lúc sửa soạn cho đến lúc ra bến xe, ông Ngô Văn Bình, ba của Liễu cứ tặc lưỡi: “Biết con ở xa làm ăn khấm khá, ổn định, không thiếu thứ gì nhưng vẫn thương con lấy chồng xa, có muốn ăn được miếng cá biển tươi của quê mình cũng khó nên có thứ gì là đều muốn mang hết cho con. Nhà nào cũng vậy, tết nhứt có mua bánh mứt cũng là để cho các con ăn uống, vui chơi. Các con đi là tết cũng hết. Rồi vợ chồng tôi lại trở về với đồng ruộng, chăn nuôi và đợi con về. Mỗi năm con về có một lần, mỗi lần có vài ngày chẳng thể chăm lo cho con nhiều được nên tôi muốn quan tâm con bằng những điều nhỏ như vậy”.

Bắt đầu cho một cuộc mưu sinh mới

Sau những ngày sum vầy ăn tết, vui xuân bên gia đình, cũng như bạn tôi, nhiều người lao động khác ở khắp các miền quê lại hối hả, tất bật lên đường ra Bắc vào Nam mang theo bao quyết tâm, hy vọng vào một năm làm việc hiệu quả để những mùa đoàn viên sau thêm ấm no, sung túc. Trong số những người rời đi, có nhiều bạn trẻ quay lại trường để tiếp tục học tập và cũng có những người chọn con đường xa quê để mưu sinh, lập nghiệp. Mà con đường mưu sinh bộn bề, vất vả sẽ không được thảnh thơi như mấy ngày tết ở quê nhà.

Năm nay, vợ chồng anh Nguyễn Văn Ba và chị Lâm Thị Thúy Kiều từ TP Hồ Chí Minh về quê chồng ở xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) ăn tết từ 27 âm lịch. Việc bán quán cơm khấm khá nên chỉ trong 3 năm, anh chị đã mua được căn nhà nhỏ ở thành phố. Năm rồi, việc buôn bán khó khăn hơn. Trong một năm, chị Kiều phải đổi mặt bằng cửa hàng hai lần mà khách cũng thưa vắng. Vào lại thành phố lần này, chị Kiều biết khó khăn sẽ còn rất nhiều nhưng cũng mong rằng sẽ có một năm làm ăn khởi sắc hơn.

Cùng tâm trạng, gia đình nhỏ của anh Nguyễn Văn Tư cũng bắt đầu khởi hành lên Đắk Lắk từ mùng 5 tết. Trước đó, gia đình anh đã có một kỳ nghỉ trọn vẹn ở quê của anh, xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) từ 28 tết. Sau mấy ngày tết cùng đại gia đình, anh cùng vợ con quay trở lại nơi làm việc với nghề lái xe máy xúc, vợ làm công nhân để tiếp tục “cày cuốc” cho năm mới, cũng là để con trai ổn định trước khi trở lại trường.

Sáng 20/2 (11 tháng Giêng), trên chuyến tàu SE14 từ TP Hồ Chí Minh về TP Tuy Hòa thưa vắng người, không có hành khách nào xuống bến khi tàu vào ga. Trong khu chờ, chỉ có một số gia đình ăn tết muộn đang đợi tàu để quay lại TP Hồ Chí Minh bắt đầu cho một năm mưu sinh mới. Dù biết những ngày phía trước sẽ có nhiều nỗi lo cơm áo gạo tiền nhưng gạt đi tất cả, họ tràn trề hy vọng vào những ngày lao động sắp tới sẽ mang đến hạnh phúc, đủ đầy và sự đoàn tụ sum họp vào những năm sau của gia đình mình trên mảnh đất quê hương.

Cuộc đời chúng ta sẽ có biết bao nhiêu chuyến đi, chuyến đi nào cũng sẽ có những lý do riêng của nó và chẳng chuyến đi nào giống chuyến đi nào. Nhưng ngẫm ra, có lẽ các chuyến đi đều cho chúng ta cơ hội để quay về. Và càng đi xa, cảm xúc trở về càng đặc biệt. Đi thật xa hình như cuối cùng chỉ để trở về, trọn vẹn, đủ đầy hơn.

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/313588/nhung-chuyen-xe-cho-que-di-muon-noi.html