Những chuyện bi hài trong ngôi nhà 'khổ nhất phố cổ'

Hơn 30 năm hai vợ chồng ông Hải và hai đứa con phải sinh sống tạm bợ trong căn nhà nằm chênh vênh trên nóc nhà vệ sinh tập thể. Ở không gian chật hẹp đó, hàng tá những câu chuyện bi hài xảy ra với gia đình ông.

Bình thường, chẳng mấy ai để ý đến những con ngõ trên phố cổ bởi ánh mắt họ đã bị hút vào sự hào nhoáng, tấp nập của các cửa hiệu, nhà hàng, khách sạn…

Nhưng đi sâu vào những con ngõ tối hun hút là một thế giới khác biệt hẳn với cái lung linh mặt phố. Nơi đây diễn ra hàng tá những câu chuyện dở khóc, dở cười.

Con ngõ 107 Hàng Bạc sâu hun hút, tối thăm thẳm hẹp chỉ đủ một người đi.

Phóng viên An ninh tiền tệ tìm đến con ngõ 107 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Con ngõ hẹp chỉ đủ một người đi, chúng tôi phải bật đèn pin từ điện thoại để soi đường đi. Len vào được một đoạn thì lập tức phải lùi ra để nhường đường cho một người từ trong ngõ đi ra. Hai ba lần như thế chúng tôi mới vào thăm được căn nhà của ông Nguyễn Phùng Hải ở cuối ngõ.

Có lẽ, căn nhà này được xếp vào một trong những căn nhà khổ nhất... phố cổ. Gọi là nhà nhưng đây thực chất là căn xép nhỏ, được ông Hải chắp ghép tạm bằng những miếng tôn cũ và cơi nới ngay trên nóc nhà vệ sinh tập thể. Dù có diện tích vỏn vẹn 12m2 thế nhưng hơn 30 năm qua, đây chính là nơi tá túc, sinh hoạt của vợ chồng ông và hai người con, một trai, một gái.

Căn nhà được chắp ghép tạm bợ bằng những tấm tôn cũ, nằm chênh vênh trên nóc nhà vệ sinh tập thể.

Đón chúng tôi bằng nét mặt ái ngại, ông nói: “Mỗi lần có khách đến đều phải báo trước, tôi có thời gian chuẩn bị, xếp sắp đồ đạc và đặc biệt xích con chó lại, không nó sủa vang khắp nhà”.

Để vào được căn nhà của ông, chúng tôi phải leo lên một chiếc cầu thang dốc đứng, bắt chéo ngay gần nhà vệ sinh. Những câu chuyện vừa bi, vừa hài nảy sinh từ cuộc sống trên nóc nhà vệ sinh của gia đình ông.

“Ở phố cổ này, nhiều chuyện lắm, mỗi nhà là mỗi câu chuyện dở khóc dở cười. Như nhà tôi, đến bữa ăn, giấc ngủ cũng chưa một ngày thấy thoải mái” ông Hải kể.

Chỉ rộng chừng 12m2, từ cửa cho đến bên trong căn nhà, đâu đâu cũng chất đầy các đồ đạc từ nồi xoong, bát đĩa cho đến quần áo, quạt điện…

Trước đây, cả ngõ 107 chỉ có một mình nhà ông sinh sống gồm 8 anh em. Về sau, khi các anh em lập gia đình, bố mẹ ông chia nhỏ đất cho mỗi thành viên. Hiện nay, tại con ngõ 107 Hàng Bạc có 6 hộ gia đình sinh sống. Sống trên nóc nhà vệ sinh, cuộc sống sinh hoạt gia đình ám ảnh bởi mùi hôi thối. Trước đây, Hà Nội vẫn còn kiểu hố xí hai ngăn để thùng nên cả nhà ông Hải lúc nào cũng bốc mùi hôi thối quanh năm.

Nhớ lại thời đó, ông Hải cám cảnh kể, đến bữa ăn, nhiều khi bưng bát cơm lên lại phải bỏ xuống bởi không thể nuốt nổi. Mùi hôi thối ám cả vào quần áo, đồ dùng cá nhân. Trời mưa còn đỡ những hôm trời nồm, nắng gắt cả nhà như một cái hầm, bức bối, ngột ngạt không thở được. Sau này, mọi người góp tiền sửa sang thành nhà vệ sinh tự hoại nên không gian sống thoáng đãng hơn.

Căn nhà có duy nhất chiếc cửa sổ đón ánh nắng vào nhà.

Sáng sớm, mọi người trong con ngõ 107 Hàng Bạc phải “đặt lịch” vào nhà vệ sinh. Có những hôm có việc đột xuất phải xếp hàng dài chờ đợi thậm chí cáu gắt với nhau. “Giờ đây, người làm công việc nhà nước một giờ, người làm ở các công ty tư nhân một giờ khác, nên việc giục giã, chờ đợi nhau đi vệ sinh cũng đỡ hơn trước đây”, ông Hải cười.

Bà Sâm tranh thủ nấu nướng trước khi mọi người đi làm về.

Người trẻ đi làm, còn những người già ở nhà tranh thủ nấu nướng, tắm rửa từ sớm để đến khi tới giờ tan tầm, mọi người về không phải chờ đợi. Chúng tôi đến nhà ông lúc 3 giờ chiều, thấy bà Nguyễn Thị Sâm (vợ ông Hải) đang cặm cụi nấu ăn cho bữa tối.

“Nấu cơm từ giờ này, nhưng đếm 7 giờ gia đình tôi mới ăn tối. Giờ này mọi người đi làm, còn có chỗ để nấu nướng, chứ chốc nữa mọi người về, người tắm, người đi vệ sinh… không có chỗ để nấu đâu” bà Sâm kể.

Những tấm xốp lợp chống nóng cũng là nơi tích nước khiến muỗi sinh sôi nảy nở dễ bùng phát thành ổ dịch sốt xuất huyết.

Khoảng sân nhỏ la liệt những chiếc thùng phi, chum, thùng, chậu dự trữ nước. Ở đây liên tục xảy ra tình trạng mất nước. Nhiều hôm ông bà phải thức đến 1, 2 giờ sáng để hứng nước. Những hôm mất nước không dám rửa mặt, rửa chân tay mà để dành nước để dội nhà vệ sinh chứ không mùi nồng nặc.

Căn nhà của ông Hải thu gọn vừa đúng một ánh nhìn. Nó ẩm thấp, gạch xây đã cũ mèm, những vệt sơn tường loang lổ, chẳng có gì giá trị ngoài chiếc ti vi và đầu thu kỹ thuật số được tặng trong diện hộ nghèo.

Khoảng sân nhỏ la liệt thùng phi, chum sành dự trữ nước cho những ngày mất nước.

Ông Hải kể: “Tôi và con trai người dài hơn thì nằm giường, còn vợ tôi với con gái người ngắn hơn thì tấm gỗ kê bên ngoài. Nắng thì nóng bức, căn nhà hầm hập, tôi đã phải dùng tấm xốp lợp thêm một lớp chống nóng nhưng vẫn không ăn thua. Trời mưa thì dột tứ tung, chẳng xô chậu nào hứng cho hết”.

Thậm chí thỉnh thoảng, đang ngủ hai vợ chồng thì giật mình thức dậy vì tiếng rầm rầm trên nóc nhà. Nhà hàng xóm cao hơn, họ cứ tiện tay vứt chai lọ, rác rưởi xuống.

Căn nhà tối om, ngày cũng như đêm, chỉ có đúng một ô cửa sổ đón ánh sáng vào nhà. Chuột chạy lục xục khắp nhà giữa ban ngày như chốn không người. Ông bảo, người phố cổ mà, phải quen với việc chuột bọ ngang nhiên “hoành hành”.

Khổ là vậy nhưng ông Hải vẫn chậc lưỡi: “Quen rồi”.

Mạnh Long - Dương Nga

Nguồn ANTT: http://antt.vn/nhung-chuyen-bi-hai-trong-ngoi-nha-kho-nhat-pho-co-205848.htm