Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ ngày 1/12/2023

Từ tháng 12/2023, một loạt chính sách mới sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành. Đây là những chính sách quan trọng góp phần vào công cuộc cải cách thể chế hành chính quốc gia.

1. Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 11/2023/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2023 quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước.

Theo nội dung Điều 3 Quyết định về "Mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo" thì từ ngày 1/12/2023 các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên thì phải thực hiện báo cáo với Ngân hàng Nhà nước.

Giao dịch từ 400 triệu đồng phải thực hiện báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Vietnam+

2. Mức thu lệ phí cấp giấy phép lái xe online mới

Thông tư 63/2023/TT-BTC vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành dựa trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về phí, lệ phí. Thông tư được ban hành nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Theo đó, sửa đổi quy định tại Điều 3 Thông tư 37/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng lại như sau:

- Mức thu phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 37/2023/TT-BTC.

- Trường hợp tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe (quốc gia và quốc tế) theo hình thức trực tuyến:

+ Kể từ ngày 1/12/2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, áp dụng mức thu lệ phí là 115.000 đồng/lần cấp.

+ Kể từ ngày 1/1/2026 trở đi, áp dụng mức thu lệ phí quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 37/2023/TT-BTC.

Mức thu lệ phí cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe (quốc gia và quốc tế) khi nộp hồ sơ online là 115.000 đồng/lần cấp, có hiệu lực từ ngày 1/12/2023.

3. Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học bị bãi bỏ

Ngày 15/6/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Như vậy, chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ đại học sẽ không còn được thực hiện.

Còn lại với các khóa đã tuyển sinh Chương trình đào tạo chất lượng cao theo Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học trước ngày 1/12/2023 được tiếp tục thực hiện cho đến hết khóa học.

Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2023.

4. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 09/2023/TT-BXD sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.

Theo đó, hồ sơ thiết kế xây dựng đã hoàn thành thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, trước ngày 1/12/2023, tiếp tục được thực hiện theo hồ sơ thiết kế đã thẩm duyệt.

Hồ sơ thiết kế xây dựng đã có văn bản góp ý trả lời về thiết kế phòng cháy chữa cháy tại bước thiết kế cơ sở của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy, trước ngày 1/12/2023, tiếp tục được thực hiện thẩm duyệt thiết kế theo văn bản góp ý trả lời.

Hồ sơ thiết kế xây dựng chưa được góp ý và thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kể từ ngày 1/12/2023, thì phải tuân thủ các quy định của QCVN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD.

Thông tư 09/2023/TT-BXD sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2023.

5. Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giáo dục nghề nghiệp

Thông tư 12/2023/TT-BLĐTBXH quy định về Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp sẽ có hiệu lực từ ngày 15/12/2023.

Theo Thông tư mới, thời gian của chương trình bồi dưỡng:

- Tổng thời gian là 6 tuần x 5 ngày/tuần x 8 giờ/ngày = 240 giờ; trong đó: Lý thuyết: 96 giờ; thực hành, bài tập, thảo luận: 132 giờ; kiểm tra: 12 giờ;

- Một giờ học lý thuyết là 45 phút. Một giờ học thực hành/tích hợp/thảo luận là 60 phút. Một giờ kiểm tra là 60 phút.

Chương trình bồi dưỡng gồm 11 chuyên đề, được cấu trúc thành 3 phần:

+ Phần I: Kiến thức chung về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (gồm 3 chuyên đề bắt buộc).

+ Phần II: Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (gồm 6 chuyên đề bắt buộc và 2 chuyên đề tự chọn).

+ Phần III: Tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch.

6. Điểm mới về vị trí việc làm của giáo viên, viên chức trong trường học

Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 16/12/2023. Nội dung Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT có nhiều điểm mới về vị trí việc làm của giáo viên.

Theo Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT, vị trí việc làm "giáo vụ" cũng được xác định ở cấp học tiểu học, trung học cơ sở. (Thay vì chỉ có vị trí việc làm "giáo vụ" ở cấp trung học phổ thông và trường chuyên biệt, việc này nhằm giảm áp lực một số công việc quản lý hành chính đối với học sinh của giáo viên cấp tiểu học, trung học cơ sở).

Nhiều chính sách mới liên quan đến ngành giáo dục bắt đầu có hiệu lực từ tháng 12/2023. Ảnh: Quang Phúc

7. Định mức số lượng giáo viên mầm non công lập

Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 16/12/2023.

Theo nội dung Thông tư, định mức giáo viên mầm non công lập được quy định như sau:

(4.1) Đối với nhóm trẻ: Cứ 15 trẻ em/nhóm trẻ từ 03 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi; 20 trẻ em/nhóm trẻ từ 13 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi; 25 trẻ em/nhóm trẻ từ 25 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi được bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ;

(4.2) Đối với lớp mẫu giáo: Cứ 25 trẻ em/lớp từ 3 tuổi đến 4 tuổi; 30 trẻ em/lớp từ 4 tuổi đến 5 tuổi; 35 trẻ em/lớp từ 5 tuổi đến 6 tuổi được bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp;

- Những cơ sở giáo dục mầm non không đủ số trẻ để bố trí theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo quy định tại điểm (4.1), điểm (4.2) hoặc sau khi bố trí nhóm trẻ, lớp mẫu giáo theo quy định tại điểm (4.1), (4.2) còn dư số trẻ thì định mức giáo viên mầm non sẽ tính trên số trẻ bình quân theo từng độ tuổi của từng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo như sau: Cứ 06 trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi hoặc 08 trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi hoặc 10 trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi, 11 trẻ từ 3 đến 4 tuổi hoặc 14 trẻ từ 4 đến 5 tuổi hoặc 16 trẻ từ 5 đến 6 tuổi thì được bố trí thêm 1,0 giáo viên;

- Đối với nhóm trẻ ghép, lớp mẫu giáo ghép theo Điều lệ trường mầm non thì được bố trí định mức giáo viên theo quy định tại điểm (4.1), (4.2);

- Đối với điểm trường chỉ có 1 nhóm trẻ hoặc 1 lớp mẫu giáo không đủ số trẻ để bố trí theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo quy định điểm (4.1), (4.2) thì được bố trí 2,0 giáo viên/nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo.

8. Hệ số lương viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật được thay đổi

Theo nội dung Thông tư 21/2023/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập, viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89 quy định tại Bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 16/12/2023.

Cùng đó, theo Thông tư liên tịch 19/2016/TTLT-BGDĐT-BNV (hết hiệu lực từ ngày 16/12/2023) quy định: Chức danh nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật hạng IV (mã số V.07.06.16) quy định tại Thông tư liên tịch này được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B (từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06) theo quy định tại Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP.

Tháng 12/2023, loạt chính sách mới về vị trí việc làm công chức, viên chức của một số ngành như: Y tế, Thanh tra, Xây dựng... cũng sẽ có hiệu lực. Vị trí việc làm này sẽ là cơ sở để xây dựng bảng lương mới khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Thảo Vân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-chinh-sach-quan-trong-co-hieu-luc-tu-ngay-1-12-2023-post274119.html