Những chiến sỹ Điện Biên trên quê hương cách mạng Cao Bằng (kỳ 7)

Kỳ 7: Gặp người lái xe trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Về xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh vào những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm đến nhà cựu chiến binh Công Văn Chức, người chiến sĩ lái xe vận chuyển lương thực, đạn dược… trên những tuyến đường rực lửa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Năm nay, bước sang tuổi 91 tuổi, sức khỏe suy giảm theo thời gian, tuy nhiên, những ký ức về chiến trường Điện Biên năm xưa khi băng đèo vượt suối, lướt qua bom đạn kẻ thù đưa những chuyến hàng an toàn ra tiền tuyến vẫn vẹn nguyên trong ông.

Đảm bảo những chuyến hàng an toàn ra tiền tuyến

Sinh ra và lớn lên tại xóm Bản Hang, xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh. Năm 1951, khi tròn 18 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc ông lên đường nhập ngũ và được biên chế tại Binh trạm khu Việt Bắc đóng tại Bắc Kạn. Sau đó ông được cử đi học tại Trung Quốc một thời gian; tháng 11/1952, ông trở về nước biên chế tại đơn vị C16 D13 E84 F351 thuộc Cục vận tải. Sau nhiều năm chiến đấu, tham gia chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc, đầu năm 1954, ông cùng đồng đội nhận lệnh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ - chiến dịch ác liệt nhất mà ông tham gia.

Ông Chức bồi hồi khi xem lại các kỷ vật của chiến trường.

Ông Chức chia sẻ: Đơn vị có 12 chiếc xe tải CA10, khi Bộ Chỉ huy chiến dịch thay đổi phương án tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển hướng sang “Đánh chắc, tiến chắc”, chúng tôi được lệnh vận chuyển pháo, súng đạn, thuốc men, đạn dược từ Lạng Sơn lên Sơn La rồi qua Điện Biên. Ngày đó, cung đường vận chuyển khó khăn, nhiều dốc đá hiểm trở, để đến điển tập kết đúng thời gian, chúng tôi phải lái xe suốt đêm, ngày, có hôm mưa lớn, đường trơn trượt, nhiều xe đã bị lật và hỏng nặng. Tuy nhiên, có sự giúp sức của thanh niên xung phong tại các tuyến đường, nên đoàn xe nhanh chóng tiến sát tới Điện Biên mà không thiếu xe nào.

Trên đường vào chiến dịch đoạn qua Đèo Pha Đin còn được gọi là Dốc Pha Đin, điểm nối liền hai tỉnh Sơn La và Điện Biên nằm trên Quốc lộ 6, có chiều dài 32 km - nơi quân Pháp đánh phá ác liệt nhất. Đây được mệnh danh là “tọa độ lửa”, “túi bom”, mỗi ngày quân Pháp cho máy bay tuần tiễn khu vực đèo hàng chục lần, thả hàng trăm quả bom, có ngày bị địch ném xuống 160 quả bom napan, bom nổ chậm… trung bình mỗi ngày chịu 16 tấn các loại bom đạn địch thả xuống hòng hủy diệt tuyến đường quan trọng này. Tại đây, hàng vạn lượt dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong đã không tiếc máu xương, sẵn sàng hi sinh để thông trọn con đường nối liền hậu phương, tiền tuyến. Và cũng tại đây nhiều đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Kể đến đây, đôi mắt đã nhòa của người cựu chiến binh già đong đầy những giọt nước mắt nhớ về những đồng đội đã hy sinh.

Vận chuyển không biết bao nhiêu chuyến hàng, nhưng có một chuyến làm ông nhớ nhất: Hôm đó trời sáng, không có sương mù, đơn vị được lệnh của Bộ Tổng tư lệnh chiến dịch gấp rút vận chuyển đạn dược đi qua Đèo Pha Đin ngay lập tức, tiếp viện cho tiền tuyến đang diễn ra ác liệt. Biết là nguy hiểm khi phải di chuyển vào ban ngày, nhưng lúc đó ở tiền tuyến quân ta đang bao vây sân bay Mường Thanh chuẩn bị đánh chiếm. Bộ đội chủ lực đang cần bổ sung đạn dược và lương thực, chúng tôi quyết vượt đèo; quân tư trang, xăng dầu được chuẩn bị đầy đủ, ngụy trang xe bằng lá cây… Đúng 6 giờ sáng, đoàn xe bắt đầu xuất phát, chân đèo lởm chởm đá núi, hố bom lồi lõm vừa được thanh niên xung phong dọn dẹp, thông đường sau trận đánh phá ngày hôm qua của quân địch. Rất nhanh, chỉ 1 giờ đồng hồ đoàn xe đã gần lên đến đỉnh đèo, vừa lên đến đỉnh đèo, cuối chân trời xuất hiện 3 chiếc máy bay của địch đang lao tới bắt đạn và thả bom vào đoàn xe của chúng tôi. Ngay lập tức 4 chiếc đi đầu bị bắn trúng, 1 chiếc trúng bom ngay thùng xe làm đạn dược phát nổ gây tắc đường. Chúng tôi lập tức di chuyển áp xe vào vách đá bên đường rồi tiến hành dập lửa, cứu đồng đội bị thương vào nơi an toàn. Sau 15 phút quần thảo và bắn phá, máy bay địch rút, tiểu đội chúng tôi có 2 người bị thương, 3 xe hư hỏng, 1 xe bị cháy rụi, may mắn không ai hy sinh. Nhưng cách đó 100 m, tại lán trại của đội thanh niên xung phong có 2 cô gái đã anh dũng hy sinh khi còn rất trẻ, máu và thịt của họ đã hòa lẫn với đất, đá nơi Đèo Pha Đin. Nước mắt chúng tôi rơi nhạt nhòa, máu trong người tôi như sôi lên sùng sục vì lòng căm thù giặc Pháp, ý chí quyết tâm tiêu diệt giặc càng thêm mãnh liệt, thôi thúc chúng tôi tiếp tục tiến về phía trước, nơi những đồng chí, đồng đội đang chiến đấu cùng quân thù. Với khẩu hiệu “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng quân xâm lược”, những hy sinh, mất mát đó đã không uổng phí, hàng trăm tấn, vũ khí, lương thực đã kịp thời được đưa ra tiền tuyến, góp phần không nhỏ tạo nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Tự hào chiến sỹ Điện Biên

Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu, hy sinh, gian khổ, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc với thắng lợi hoàn toàn thuộc về nhân dân Việt Nam, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược (1945 - 1954) ở Đông Dương, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Chức cùng các đồng đội tiếp tục chiến đấu, vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn cho các mặt trận khác. Với niềm tự hào là người chiến sĩ Điện Biên, ông luôn hăng hái, quyết tâm chiến đấu với quân địch đến cùng.

Năm 1970, ông nhận công tác tại Công ty ô tô Việt Bắc, Công ty ô tô Cao Bằng, Ty giao thông Cao Bằng. Dù ở bất kỳ công việc nào, ông cũng luôn hoàn thành tốt nhất công việc được giao và được cơ quan khen thưởng, đồng nghiệp tin yêu, kính trọng. Với những công lao và đóng góp của mình, ông Chức được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương chiến sỹ vẻ vang; Huy chương Chiến thắng; Huy chương Chiến sỹ giải phóng… và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Năm 1982, vì lý do sức khỏe ông về nghỉ chế độ, với sự tín nhiệm của bà con, ông tiếp tục đóng góp công sức cùng bà con xây dựng quê hương. Với bản chất người lính Điện Biên năm xưa từng xông pha nơi lửa đạn hiểm nguy, không có khó khăn nào làm ông nản chí. Trong lao động và sản xuất, ông luôn tìm tòi, học hỏi và sáng tạo các kỹ thuật nông nghiệp để áp dụng vào sản xuất, không những phát triển kinh tế cho gia đình mà còn giúp nhiều gia đình cùng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ chuyển đổi kinh tế. Ông là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu học tập và tự hào.

Kỳ 1: Vinh quang người chiến sỹ Trung đoàn Pháo cao xạ 367

Kỳ 2: Tự hào chiến sỹ Điện Biên anh hùng

Kỳ 3: Nhớ về một thời hoa lửa

Kỳ 4: Tự hào được giúp việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến trường Điện Biên

Kỳ 5: Người góp phần làm “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”

Kỳ 6: Thanh xuân gửi trọn chiến trường Điện Biên

Thế Hiển

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nhung-chien-sy-dien-bien-tren-que-huong-cach-mang-cao-bang-ky-7-3168753.html