Những chiến sỹ Điện Biên trên quê hương cách mạng Cao Bằng (kỳ 2)

Kỳ 2: Tự hào chiến sỹ Điện Biên anh hùng

Những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi về xóm Bản Thang, xã Minh Long (Hạ Lang) gặp gỡ, trò chuyện cùng người chiến sỹ Điện Biên năm xưa La Văn Sùng. Năm nay đã bước sang tuổi 91, song những câu chuyện của người lính đầu bạc về chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa vẫn rất liền mạch, dẫu không còn tròn vành, rõ chữ. Dường như từng chi tiết, từng trận đánh của một thời tuổi trẻ ông cùng đồng đội chiến đấu, quyết chiến quyết thắng vẫn luôn cuộn trào, tuôn chảy như mạch suối nguồn.

Sống mãi ký ức Điện Biên

Câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu từ ngày chàng trai trẻ La Văn Sùng, sinh năm 1933, với nhiệt huyết trào dâng và tình yêu Tổ quốc bất diệt xung phong lên đường làm nghĩa vụ để bảo vệ quê hương, đất nước.

Sinh ra và lớn lên tại xã Đàm Thủy (Trùng Khánh), chứng kiến cảnh quê hương bị giặc dày xéo, sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Khi tuổi xuân phơi phới, chàng trai trẻ La Văn Sùng lên đường tòng quân, năm 1951, được phân công về đơn vị Đại đội 89 đóng quân tại địa phương Cao Bằng. Ông Sùng nhớ lại: Khi toàn quân ta đang gấp rút chuẩn bị cho trận quyết chiến Điện Biên Phủ, tháng 4/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký quyết định thành lập Trung đoàn Pháo cao xạ 367. Lúc này, ông được chuyển về Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367 và được cử sang Tân Dương (Trung Quốc) học về không quân. Nhưng do quân đội ta chưa có đủ điều kiện xây dựng không quân nên ông chuyển sang học về phòng không. Cuối năm 1953, Trung đoàn được lệnh hành quân về nước, tập kết tại tỉnh Tuyên Quang, chuẩn bị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tiếp tục hành quân về hướng Tây Bắc. Trung đoàn có nhiệm vụ bảo vệ lựu pháo, Tiểu đoàn 394 được lệnh để lại xe cơ giới, kéo pháo bằng sức người vào lòng chảo Mường Thanh. Để kéo được pháo vào trận địa, ông cùng đồng đội phải kéo qua những chặng đường khó khăn, hiểm trở, luồn rừng, men suối, đường đèo hẹp và dốc, một bên là vực thẳm, máy bay và pháo binh địch thường xuyên đánh phá rất ác liệt, chỉ cần sơ suất nhỏ là văng xuống vực.

Trải qua năm tháng, nhiều kỷ vật đã thất lạc, những gì còn lại luôn được ông Sùng gìn giữ như một báu vật.

Nhớ lại những năm tháng gian khổ mà tự hào, ông Sùng xúc động: “Vì đảm bảo bí mật, mọi hoạt động đều diễn ra trong đêm, chúng tôi cử người dẫn đầu đoàn kéo pháo mặc chiếc áo màu trắng làm hoa tiêu. Lúc ấy có mệt, thèm ngủ vô cùng, có người bị thương nhưng đoàn quân chưa bao giờ dừng lại. Chúng tôi ý thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ nên luôn giữ tinh thần, ý thức và kỷ luật cao nhất. Bởi phía trước là mặt trận đang vào hồi khốc liệt, ở đó có đồng chí, đồng đội đang chờ được tiếp viện vũ khí, đạn dược để chiến đấu”. Nhìn ánh mắt sáng, giọng kể hào sảng, tôi hiểu đó là những kỷ niệm không thể nào quên của ông mỗi khi nhớ lại những năm tháng gian khổ nhưng rất đỗi tự hào của mình.

Mỗi khẩu pháo nặng hơn 2 tấn cùng nhiều đạn dược rất nặng nề, nhưng là những thứ mà chiến trường đang rất cần, vì vậy, đối với những người lính, nhiệm vụ giữ và bảo vệ an toàn cho pháo phải được ưu tiên số một. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, sau 9 ngày đêm gian khổ, từng khẩu pháo được những người lính pháo binh đưa vào trận địa. Tiểu đoàn 394, 383 bố trí thế trận phòng không khống chế quân địch.

Để đảm bảo cho chiến dịch Điện Biên Phủ chắc thắng, ngày 25/01/1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã phải thay đổi phương án tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển hướng sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Các đơn vị được lệnh kéo pháo ra khỏi trận địa cũ, di chuyển đến trận địa mới. Dù vất vả, Tiểu đoàn 394 đã cùng các lực lượng hoàn thành nhiệm vụ đưa pháo tập kết ra khu vực an toàn. Với địa hình hiểm trở, pháo của ta phân tán ra các trận địa mới trên các điểm cao tạo thành vòng cung bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, để bắn trực tiếp vào các mục tiêu dưới lòng chảo. Nằm cách các cứ điểm của thực dân Pháp không xa, những nòng pháo đã sẵn sàng, chờ hiệu lệnh tấn công, trở thành “Pháo đài bất khả xâm phạm” trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Trong suốt 56 ngày đêm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 367 đã bắn rơi 52 máy bay, bắn hỏng 117 chiếc khác, tạo điều kiện thuận lợi cho binh chủng ở các tuyến hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và giành thắng lợi vĩ đại “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành nỗi khiếp đảm của quân Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ.

Qua lời kể chậm rãi của ông Sùng, những câu chuyện lịch sử mà chúng tôi được nghe lại có một sức hút rất riêng. Đó là những câu chuyện mắt thấy, tai nghe của người lính trực tiếp nếm trải. Ông chia sẻ: “Chính sức mạnh và ý chí cứng hơn cả lửa thép của những người chiến sỹ đã hòa vào sức mạnh của khối đại đoàn kết làm nên bức thành đồng vững chắc trên những tuyến đường đầy đạn bom. Vì vậy, dù kẻ thù có mạnh đến mấy, vũ khí có tối tân đến mấy cũng không thắng nổi sức mạnh Việt Nam. Tôi nhớ mãi cảnh quân Pháp ra đầu hàng và các chiến sỹ của ta đều hô vang “Hoan hô chiến thắng Điện Biên”, tiếng hô vang dội khắp chiến trường”.

Giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Kiên trung với cách mạng là thế, dũng cảm trước quân thù là vậy, nhưng ông Sùng luôn đau đáu về hình ảnh bi thương khi những đồng đội của mình ngã xuống. Không bia cắm, không một nén hương, nhiều đồng đội của ông hiện vẫn còn nằm đâu đó dưới từng lớp đất, trong khe suối, yên nghỉ mãi mãi với màu xanh trùng điệp của núi rừng Điện Biên.

Ông Sùng chia sẻ với phóng viên về tấm huân chương duy nhất còn giữ lại được.

Ông bộc bạch: “Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm ấy, tôi đã chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh ngay trước mắt. Nhiều đồng chí, viên đạn vừa bắn ra khỏi nòng súng, chưa kịp rút xuống hào đã hy sinh anh dũng. Trước lúc ra đi, các anh không nói được gì, đưa mắt nhìn đồng đội gửi gắm niềm tin tất thắng. Ngã xuống vì Tổ quốc, vì hòa bình đất nước, nhân dân. Đó là cái chết vinh quang nhất mà tôi từng chứng kiến”, ánh mắt ông trùng xuống, bùi ngùi kể lại. Chính vì vậy, những khoảng lặng hiếm có trong cuộc chiến, những năm tháng vất vả “nếm mật nằm gai”, tình đồng chí giữa “mưa bom bão đạn” giúp ông cùng đồng đội trân trọng hơn giá trị của cuộc sống hòa bình.

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1962, ông phục viên trở về quê hương, lập gia đình và tham gia sản xuất, chiến đấu tại địa phương. Trong quá trình tham gia quân ngũ, ông được trao tặng nhiều phần thưởng quý giá nhưng đều đã bị thất lạc do chiến tranh. Hành trang và kỷ vật của một thời hào hùng duy nhất còn lại là tấm Huân chương kháng chiến đã ố vàng, được ông nâng niu như báu vật. Đây mãi là những ký ức đẹp đẽ trong lòng người lính Cụ Hồ.

Trở về cuộc sống đời thường, người chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa La Văn Sùng luôn giữ vững và phát huy phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông luôn gương mẫu đi đầu trong vận động gia đình và nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Viết tiếp bản hùng ca bất diệt, người lính cựu binh ngày ngày vẫn động viên các thế hệ cháu con phát huy truyền thống cách mạng, tích cực lao động, cống hiến sức người, sức của, xây dựng quê hương, đất nước.

Chia tay ông trong cái nắng nhạt của buổi chiều tà, lòng tôi cứ miên man nhớ về những câu thơ ông đọc:

“Ờ đã chín năm rồi đấy nhỉ!

Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ

Bắp chân, đầu gối vẫn săn gân

Ngẩng đầu lên, trong sáng tuyệt trần”

Thật không dễ để ghi lại đầy đủ hành trình đầy gian khó và những hy sinh to lớn của những chiến sỹ đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ vang dội năm xưa. Dẫu thời gian có phôi pha, những hồi ức đẹp về những ngày tháng lịch sử năm ấy mãi vẹn nguyên trong tâm trí mỗi người. Và chúng tôi - thế hệ trẻ hôm nay, luôn tự hào và biết ơn về lớp lớp cha ông đi trước, những người đã góp phần làm nên bản hùng ca bất hủ, đã cống hiến, hy sinh xương máu của mình để đất nước nở hoa, kết trái ngọt lành.

Kỳ 1: Vinh quang người chiến sỹ Trung đoàn Pháo cao xạ 367

Minh Ánh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nhung-chien-sy-dien-bien-tren-que-huong-cach-mang-cao-bang-ky-2-3168646.html