Những chiến sĩ giữ bình yên nơi biên giới trên sông

Giữa biển nước mênh mông của sông Sài Gòn và sông Nhà Bè, những cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh vẫn ngày đêm túc trực để bảo vệ bình yên cho vùng trời, vùng biên giới trên sông của Thành phố.

Cuộc sống của người lính quân hàm xanh tại các cửa sông luôn gắn liền với các con nước.

Chúng tôi có dịp ghé thăm các trạm kiểm soát trên sông Sài Gòn, sông Nhà Bè của lực lượng Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh để hiểu hơn về nhiệm vụ và cuộc sống của các chiến sĩ quân hàm xanh nơi đây đã ngày đêm túc trực canh giữ vùng trời, vùng cửa sông của TP Hồ Chí Minh.

Sau khoảng 30 phút di chuyển trên sông Nhà Bè để đến với Trạm kiểm soát số 2 (thuộc Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Mỹ) dưới thời tiết oi bức, nóng nực, chúng tôi gặp Thiếu tá Đỗ Văn Chính, nhân viên kiểm tra của trạm. Anh cho biết, các anh đã quá quen với cảnh sông nước và đặc thù sẵn sàng nhận nhiệm vụ dù đó là ngày hay đêm. Tuy nhiên, khác với người lính biên phòng ở trên đất liền, nhiệm vụ của người lính biên phòng tại các cửa sông có phần vất vả hơn.

"Với đặc thù trên sông nên nhiệm vụ cũng khó khăn hơn khi ở đất liền. Ví dụ như chúng tôi luôn sống trong cảnh lênh đênh trên sông nước nên việc thiếu nước sinh hoạt và điện là chuyện hàng ngày. Khó khăn thứ hai là thời tiết. Một ngày sống trên sông nước sẽ có rất nhiều cảm nhận về thời tiết, nếu không quen sẽ rất khó chịu và khó hoàn thành nhiệm vụ. Buổi sáng có thể là thời tiết mát mẻ dễ chịu nhưng đến buổi chiều thời tiết sẽ khiến con người rất khó chịu, oi bức, còn buổi đêm thì sống chung với côn trùng, muỗi… Chưa kể là những ngày dông bão thì thời tiết càng khắc nghiệt hơn vì nước dưới sông liên tục tràn lên thuyền, có thể nhấn chìm thuyền bất kể khi nào… Cuộc sống vất vả là vậy nhưng do đã quen với nắng gió trên sông nước và kiên định với mục tiêu bảo vệ vững chắc vùng biên của TP Hồ Chí Minh nên dù có khó khăn ra sao chúng tôi cũng cố gắng vượt qua", thiếu tá Đỗ Văn Chính nói.

Theo Thiếu tá Đỗ Văn Chính, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ của trạm còn phải phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các lực lượng để đấu tranh, ngăn chặn các tàu thuyền nước ngoài xâm nhập trái phép vào vùng cửa sông của TP Hồ Chí Minh. Các chiến sĩ tại trạm còn luôn tích cực chủ động trong huấn luyện, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu khi có sự cố xảy ra trên sông.

Trung tá Nguyễn Văn Hiệu, Chính trị viên Trạm Biên phòng cảng Phú Mỹ cũng cho biết, đối với Bộ đội biên phòng nói chung và bộ đội biên phòng cửa khẩu cảng Phú Mỹ nói riêng, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trên sông, trên địa bàn cảng. Vì vậy, dù khó khăn, vất vả ra sao, các chiến sĩ Bộ đội biên phòng tại các trạm kiểm soát vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ này.

“Để đảm bảo hoàn thành công tác bảo vệ đường biên trên sông, các chiến sĩ biên phòng nơi đây phải dầm mình trong nước, vượt qua mưa gió, chưa kể là phải sống chung với điều kiện thiếu thốn về vật chất như thiếu điện, nước sinh hoạt… Đây cũng là cuộc sống bình thường đối với người lính biên phòng.

Do tính chất công việc hoạt động chủ yếu sông nước nên việc di chuyển tuần tra cũng gặp không ít khó khăn, nhất là vào những tháng có mưa to, dông bão và khó khăn nhất là khi đi tuần tra vào ban đêm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, được sự quan tâm của lãnh đạo cấp trên, của tổ chức, hậu phương là những nguồn động viên to lớn để các chiến sĩ biên phòng hoàn thành nhiệm tốt các nhiệm vụ được giao. Vì vậy, những năm qua, các chiến sĩ Bộ đội biên phòng cửa khẩu cảng Phú Mỹ không ngừng rèn luyện, vững vàng nơi “đầu sóng ngọn gió” để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ các cửa khẩu cảng của Thành phố, góp phần xây dựng lực lượng Bộ đội biên phòng TP Hồ Chí Minh vững mạnh toàn diện”, Trung tá Nguyễn Văn Hiệu cho biết thêm.

Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày tại khu vực cửa khẩu cảng, trung bình có 70 - 80 lượt tàu cùng hàng trăm phương tiện thủy nội địa ra vào, neo đậu. Trên cảng, hàng ngàn phương tiện vận tải đường bộ, với hàng chục ngàn container vận chuyển và 7.000 - 8.000 lượt người xuất nhập cảnh. Yêu cầu đặt ra đối với các chiến sĩ biên phòng tại các trạm kiểm soát trên sông là các đơn vị phải làm nhanh thủ tục cho mỗi chuyến tàu cập, rời cảng nhưng phải chặt chẽ, không để sót lọt tội phạm, vi phạm.

Báo Tin tức xin gửi đến độc giả những hình ảnh về công việc, cuộc sống của người lính biên phòng tại các cửa khẩu trên sông tại TP Hồ Chí Minh:

Từ đất liền đến Trạm kiểm soát số 2 mất khoảng 30 phút di chuyển trên sông Nhà Bè.

Trạm kiểm soát số 2 của Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Mỹ.

Tại trạm kiểm soát này, hàng ngày người dân đều phải tuân thủ nghiêm việc khai báo khi lên xuống tàu.

Việc khai báo của người dân giúp đơn vị làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh tại cửa khẩu cảng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển.

Tại các trạm kiểm soát, ngoài việc thực hiện khai báo cho người dân khi lên xuống tàu, thuyền cập cảng Phú Mỹ, hàng ngày các chiến sĩ biên phòng TP Hồ Chí Minh còn thực hiện nhiệm vụ tuần tra dọc 12 km cửa sông Sài Gòn, sông Nhà Bè.

Trước khi đi tuần tra dọc các cửa sông, các chiến sĩ biên phòng TP Hồ Chí Minh đều phải trang bị áo phao cho mình và đồng đội để phòng tránh các sự cố xảy ra.

Theo Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh, năm 2022, Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh đã thực hiện kiểm soát hơn 11.000 lượt tàu nội địa đi/đến cùng hơn 200.000 thuyền viên và 50 triệu tấn hàng hóa; kiểm soát hơn 180.000 lượt người lên tàu làm việc, hơn 5.000 lượt phương tiện thủy cập cảng với hơn 21.000 lượt người.

Sau giờ làm việc, các chiến sĩ Biên phòng tại cửa sông Nhà Bè lại trở lại với công việc cơm nước hàng ngày.

Các công việc cơm nước hàng ngày được các chiến sĩ biên phòng thay ca thực hiện để đảm bảo quân số khi trực chốt.

Vì cuộc sống hàng ngày lênh đênh trên sông nước nên sách, báo được xem như những người bạn của các chiến sĩ biên phòng TP Hồ Chí Minh.

Chùm ảnh, clip: Mạnh Linh - Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/anh/nhung-chien-si-giu-binh-yen-noi-bien-gioi-tren-song-20230330051553966.htm