Những 'chiến binh' truy tìm SARS-CoV-2

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đầy cam go, quyết liệt hiện nay, chúng ta tri ân những y, bác sĩ đang ngày đêm trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19; cảm phục lực lượng truy vết các trường hợp nghi nhiễm và những kỹ thuật viên xét nghiệm Realtime - PCR. Họ là những 'chiến binh' thầm lặng, luôn có mặt kịp thời trong cuộc chiến gian nan này.

Từ môi trường làm việc đặc biệt…

Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, cử nhân xét nghiệm Trần Thị Lệ Hà cùng 21 cộng sự của Phòng Xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh mấy tháng nay gần như “3 tại chỗ” với công việc đặc thù. Labo xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp Realtime - PCR phải được an toàn tuyệt đối với môi trường vô trùng và thường xuyên chiếu tia UV nhằm đảm bảo an toàn cho kỹ thuật viên.

Xét nghiệm là công việc đòi hỏi độ chính xác cao. Từ khâu lấy bệnh phẩm, tách chiết vật liệu di truyền, chạy máy, phân loại, thông tin cá nhân, ghi phiếu dịch tễ… tất cả quy trình đều phải thật tỉ mỉ, chuẩn xác. Do đó, những cán bộ được chọn làm xét nghiệm Covid-19 phải là người có kinh nghiệm, vững chuyên môn, tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn sinh học. Trong xét nghiệm cố gắng không để xảy ra bất cứ sai sót nào dù là nhỏ nhất...

Chị Trần Thị Lệ Hà trong Labo xét nghiệm Covid-19

Chị Hà tâm sự: "Chỉ cần lơ là một chút mà bỏ qua hoặc thao tác không chính xác, dù chỉ là một bước nhỏ trong quy trình xét nghiệm cũng sẽ làm sai lệch kết quả, rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tâm lý, sức khỏe bệnh nhân, công tác điều trị và ảnh hưởng lớn đến cả hệ thống công tác phòng, chống dịch Covid-19”.

…đến những rủi ro không mong muốn

Rất nhiều người yêu mến gọi đội ngũ xét nghiệm Covid-19 là những “chiến binh PCR”. Bởi vì, họ chính là người đưa ra quyết định các mẫu thử dương tính hay âm tính nhờ vào kỹ thuật xét nghiệm Realtime - PCR. Kỹ thuật viên xét nghiệm phải có khả năng sử dụng thành thạo những trang thiết bị tự động hóa để thực hiện các xét nghiệm, phân tích và nhận định kết quả. Công việc này đòi hỏi chuyên môn cao trong việc sử dụng hệ thống máy móc… Kỹ thuật xét nghiệm phải tuân theo quy tắc nghiêm ngặt về quy trình, vì chỉ một sơ suất nhỏ sẽ ảnh hưởng kết quả xét nghiệm và độ chính xác luôn được tuân thủ hàng đầu.

“Mọi người chỉ nhìn thấy kỹ thuật viên xét nghiệm là công việc ổn định, nhẹ nhàng mà ít ai biết rằng nghề này cũng có rất nhiều rủi ro. Công việc thường xuyên phải tiếp xúc với bệnh phẩm chứa vi khuẩn và bệnh dịch, thậm chí cả các loại chất thải, dịch tiết… Ngoài yếu tố môi trường, yếu tố sinh học cũng là một nguy cơ tiềm ẩn đối với các nhân viên xét nghiệm chúng tôi. Bởi vi khuẩn nói chung mà đặc biệt là SARS-CoV-2 có nguy cơ lây lan rất cao nên chúng tôi chỉ có thể bảo vệ mình bằng thực hiện chuẩn mực các quy tắc an toàn nghề nghiệp” - cử nhân Trần Thị Xuân, một “chiến binh PCR” tại CDC tỉnh bày tỏ.

Họ làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ bị nhiễm bệnh; các dạng phơi nhiễm thường là do kim đâm khi làm các thủ thuật lấy máu xét nghiệm hoặc tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc mẫu bệnh phẩm của người bệnh bị vỡ đâm vào tay… Mặc dù đã có các phương tiện bảo hộ nhưng ai dám chắc có thể bảo đảm an toàn 100%? Bởi vậy, công việc của những người làm xét nghiệm đòi hỏi phải có sự tập trung, tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Niềm tự hào nghề nghiệp

Nhiều tháng nay, cử nhân xét nghiệm Trần Ngọc Trọng gần như không rời khỏi máy xét nghiệm RT-PCR. Chiếc máy có công suất 94 mẫu/lần xét nghiệm đã giúp anh Trọng và đồng nghiệp kịp thời khẳng định kết quả các mẫu bệnh phẩm, làm cơ sở để Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh và các địa phương đưa ra những phương án ứng phó phù hợp. “Với máy xét nghiệm tự động này, chúng tôi tiết kiệm được thời gian, công sức. Vì thế, chúng tôi nâng niu chiếc máy như một cộng sự tin cậy của mình” - anh Trọng chia sẻ.

Cảm thông và tự hào biết bao các kỹ thuật viên Realtime - PCR. Bất kể ngày đêm, họ vẫn làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi lượng bệnh phẩm nhiều, khoa xét nghiệm phải huy động toàn bộ lực lượng làm việc 2 đến 3 ngày liên tục cả ngày lẫn đêm nhằm đảm bảo cho kết quả nhanh nhất phục vụ công tác truy vết, khoanh vùng, khống chế dịch... Rất nhiều người đã phải gác lại tình riêng để lo cho sự an nguy, sức khỏe của cộng đồng. Nhiều tháng rồi họ không thể về chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho chồng con hay ở bên cạnh chăm sóc cha già, mẹ yếu… Vậy nhưng, phía sau lớp khẩu trang in hằn lên mặt, những bộ quần áo bảo hộ nóng bức luôn là nụ cười, sự nhiệt huyết, tận tâm với công việc của những cán bộ làm xét nghiệm. Họ lạc quan, yêu đời, không ngừng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ và luôn vững niềm tin chiến thắng đại dịch.

Hưng Cát

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/127342/nhung-chien-binh-truy-tim-sars-cov-2