Những chiếc xe 'vừa đi vừa đẩy'

Lang thang trên mạng, bỗng bắt gặp một hình ảnh thật thân quen từ xưa: một chiếc xe com-măng-ca đít vuông. Phía sau xe, lỉnh kỉnh mấy túi lèn chặt măng khô, mộc nhĩ, một bu gà, một rọ tre nhốt hai chú lợn con.

Phía trước là một con dốc đất đỏ bụi bặm, ven đường là một quán nước mái tranh, lủng lẳng vài nải chuối, một bó mía còn nguyên ngọn dựa xiêu vẹo vào bức tường đất loang lổ vôi màu xám xịt. Con xe kiểu dáng như vậy, năm mươi năm trước, đã được cánh phóng viên chiến trường chúng tôi tặng cho một cái tên: xe ô tô “vừa đi vừa đẩy”.

Đỉnh Pha Thí năm 1968.

Sau một tiếng nổ, đất đá, cây cối, văng tung tóe, một dải đường đất đỏ lộ ra giữa cánh rừng đại ngàn. Lá cờ đỏ hiệu lệnh thông xe phất lên. Ba chiếc xe com-măng-ca ì ạch vượt dốc.

Đoàn làm phim chúng tôi đi ghi hình những đơn vị đặc công của tình nguyện quân Việt Nam đang cùng các đơn vị bạn Pa Thét Lào mở đường lên núi Pha Thí. Trên đỉnh cao 1.200m, tại vị trí chiến lược này, quân đội Mỹ đã đặt một trạm không lưu nhằm điều phối máy bay ném bom trên toàn Đông Dương. Giữa một khu rừng nguyên sinh, mọi liên lạc đến trạm của quân đội Mỹ đều dựa vào máy bay trực thăng.

Bộ Tư lệnh tình nguyện quân 559 quyết định mở một con đường cho xe cơ giới tiến vào Pha Thí. Phá rừng đến đâu, xe vượt dốc đến đấy. Mặc cho máy bay trinh sát Mỹ quần nát bầu trời, những chiếc xe ngụy trang kín mít vẫn nhích lên từng bước một. Những lùm cây di động.

Tối hôm trước, đoàn làm phim với ba lái xe dày kinh nghiệm chiến trường, hai đạo diễn Pháp, ba quay phim, một phiên dịch, chúng tôi đã bàn nhiều phương án. Nếu có thương vong thì ai sẽ thay ai, ai ở lại hiện trường, ai sẽ rút về v.v.. Anh đạo diễn người Pháp Jean Pierre Sergent đứng lên: “Tôi đã nhiều năm đi làm phim ở nhiều nước có chiến tranh, đã tự mình lái xe băng qua các chiến trường, nên lần này xin tình nguyện lái một xe thay đồng chí Ngọc”. Ngọc im lặng ngồi nghe. Anh là người chịu trách nhiệm chiếc xe thứ ba, một lái xe đã cùng đoàn làm phim chúng tôi vượt phà Bến Thủy, phà Quán Hầu, dốc đèo đá Đẻo, từng chia sẻ những giây phút nguy hiểm dưới thời bom đạn Vĩnh Linh năm 1967.

Lên xe ô tô “vừa đi vừa đẩy” com-măng-ca đít vuông. Ảnh: TLTG

Lên xe ô tô “vừa đi vừa đẩy” com-măng-ca đít vuông. Ảnh: TLTG

Sáng hôm sau, Jean Pierre lái chiếc xe thứ ba, có Ngọc ngồi cạnh. Khi hai chiếc “vừa đi vừa đẩy” lăn bánh trước, chàng đạo diễn Pháp mỉm cười, đưa bàn tay trái lên phẩy phẩy: “Bon voyage” (Đi bình yên nhé).

Con đường mới mở nhầy nhụa đất sét, ngổn ngang đá tảng, gốc cây bật rễ. Một bên sừng sững vách núi, một bên thăm thẳm vực sâu, những chiếc xe già nua, cọc cạch oằn mình vượt con dốc trơn trợt, nhích dần, nhích dần dưới tiếng gầm rú của máy bay trinh sát Mỹ. Từ tảng sáng cho đến lúc xế chiều, hai xe chúng tôi mới chỉ vượt được đoạn đường gần 5 cây số. Hai chiếc xe khét lẹt mùi máy liên tục bị thắng gấp được kéo qua bên đường, phủ kín lá ngụy trang, chuẩn bị cho đợt leo dốc ngày mai.

Chờ chiếc xe thứ ba. Hai mươi phút, rồi năm mươi phút. Không thấy tăm hơi. Bỗng có tiếng reo: “Đây rồi”. Một bóng người lầm lũi hiện dần phía đầu dốc. Anh chàng Jean Pierre, hùng hùng hổ hổ lúc sáng sớm, nay bộ tóc xoăn dính bết vào trán, mặt đỏ gay, quần áo xộc xệch, đang loạng choạng dò từng bước, tay huơ huơ một mảnh tròn màu đen. Ngoảnh mặt ra phía sau, anh hổn hển: “Ngọ...c, Ng...ọc” rồi ngã khuỵu xuống. Chưa kịp hỏi han, anh đã gục đầu rồi lăn ra ngáy pho pho, cánh tay phải còn vướng vào cái vòng tròn màu đen. Cậu Tảo, người lái chiếc xe đi đầu, đến gần: “Bỏ mẹ! Chiếc vô lăng của xe Ngọc. Gãy làm đôi rồi”.

Chưa đến hai mươi phút sau, chiếc xe thứ ba nhích dần lên. Ngọc, mặt tái xanh, quần áo, đầu tóc bê bết mồ hôi, lái xe vào góc ngụy trang, tay run run châm một điếu thuốc.

“Thằng chả liên tục dận ga rồi đạp phanh, nhưng bánh xe sít chặt đất sét không nhích lên được, hắn ta quay tít cái vô lăng, miệng chửi thề như điên, gầm lên, múa tay lái ra tứ phía. Thế là cắc, cắc, cái vô lăng gãy gục. Anh ta nhảy xuống xe, tay vẫn ôm chiếc tay lái gãy và cứ thế, lò dò đi bộ, miệng lẩm bẩm những gì có trời biết. Tôi phải nhờ công binh bạn cho mượn và thay cái vô lăng khác…”.

Đến gần thấy chàng Jean Pierre vẫn vô tư ngáy, Ngọc lắc đầu: “Cái thằng…”.

Sau ba ngày sống cùng và quay phim một đơn vị đặc công đang ẩn giữa lưng chừng núi, ba chiếc xe rời Pa Thí. Xuống chân dốc, tháo trả cho tổ công binh bạn chiếc vô lăng, chúng tôi chen chúc trong hai xe còn lại.

Chiếc xe của Ngọc đành cô độc nằm lại, chịu đựng nắng mưa và sự quên lãng hoàn toàn giữa cánh rừng Lào heo hút.

Hơn năm mươi tư năm đã qua, xe ơi!

*

Bảy năm sau. Ngày 21 tháng 3 năm 1975.

Từ tờ mờ sáng, mười người trong đoàn làm phim chúng tôi cố chèn nhau vào một chiếc xe cùng loại “vừa đi vừa đẩy”. Nhưng không hề có một lời phàn nàn cho chuyến đi đặc biệt này.

Hai ngày trước, anh Huỳnh Văn Tiểng, Giám đốc Đài Truyền hình, hồ hởi tập họp anh chị em Phòng Sáng tác lại: “Chiến dịch Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn quyết định. Cần phải tức tốc lên đường mới có được những thước phim lịch sử, nhưng hiện nay, cơ quan ta còn phải có thời gian để thu xếp việc hậu cần. Vậy anh chị em nào tự lo được xe, xăng... thì Đài sẽ ưu tiên cho lên đường Nam tiến sớm”.

Những chiếc xe âm thầm phục vụ và cũng lặng lẽ ra đi. Ảnh: TLTG

Những chiếc xe âm thầm phục vụ và cũng lặng lẽ ra đi. Ảnh: TLTG

Hơn một tháng nay náo nức tin tức, sau cuộc họp, tôi lao xuống bộ phận vận tải. Năm chiếc com-măng-ca đít vuông xếp hàng dài, thờ ơ với thời cuộc, những con ngựa chiến về già nằm im lìm dưới nắng. Tảo, chú lái xe thân quen nhất, ghé tai tôi: “Trong năm chiếc, chỉ hai cụ này là còn chạy ngắc ngoải được thôi. Xí phần ngay đi”. Nịnh hót, hứa hẹn, nằn nì mãi mới được cái gật đầu miễn cưỡng của Hưng, phụ trách tàu ngựa về hưu này. Đã được cậu Tảo lái xe, đã rước được một “cụ vừa đi vừa đẩy” rời đàn, lại lo chạy xăng.

Sực nhớ đến anh Phan Tử Quang, cựu thủ lĩnh Đoàn Học sinh Cứu quốc trường Khải Định năm 1946, nay là Cục trưởng Cục Xăng dầu. Đành liều gõ cửa nhà anh lúc mười giờ đêm. Anh vẫn còn nhớ cô nữ sinh nhiệt tình hăng hái hoạt động năm xưa. Thế là đoàn làm phim phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh đã gặp may với một giấy thượng khẩn cấp 100 lít xăng và 1 phiếu ưu tiên cho phép nhận xăng ở các trạm xăng lưu động từ Hà Nội đến Quảng Bình.

Sáng hôm sau, năm quay phim, một thu thanh, một nhạc sĩ, một biên tập kiêm đạo diễn cùng lỉnh kỉnh đồ đạc cố chèn nhau trong chiếc xe ọp ẹp, long tróc sơn, gãy cả hai càng gạt mưa. Đã vậy, phía sau là một thùng phuy 100 lít xăng được buộc chặt với tuyên bố xanh rờn của “nài ngựa” Tảo: “Cấm hút thuốc trong xe. Tàn thuốc bay ra, bắt vào xăng là tất cả đi tong”.

Khi đến trước cửa Phòng Tổ chức cán bộ để nhận tiền và giấy đi đường thì anh Cầm, trưởng phòng đã đón với một nụ cười tươi tắn (điều cực kỳ hiếm thấy ở ông này): “Tôi cầm cả giấy tờ, tiền bạc đây rồi. Tôi sẽ cùng đi với các anh chị vì... tôi là người Huế”. Đành chấp nhận, chỉ thương chiếc xe oằn mình chở thêm một vị vừa chẵn một chục.

Từ 21.3 cho đến sáng 1.5.1975, chiếc xe đã đưa chúng tôi vượt hàng ngàn cây số từ Huế, vào Đà Nẵng, rồi Nha Trang, và dừng lại sáng 1.5 tại Sài Gòn. Xe không một lần hỏng hóc. Chỉ được chú Tảo cho một lần tân trang. Khi vượt đèo Hải Vân còn vương vãi quân trang, quân dụng, súng ống, Tảo xuýt xoa trước cảnh hàng trăm xe jeep Mỹ bị vứt ngổn ngang trên đường. “Tuyệt quá”, anh ta reo lên, rời buồng lái, tay cầm hai túi vải, nhảy lên vài chiếc và loay hoay tháo tháo vặn vặn... Cầm một túi căng chật bù lon, đinh vít, Tảo vỗ vỗ vào đầu chiếc xe của mình: “Yên trí nhé, phen này tân trang toàn bộ cho chú mày nhé”.

Sau này, khi chúng tôi vào quay cảnh dinh Độc Lập, chiếc xe cũ kỹ vô danh của chúng tôi đã khiêm tốn nép mình bên cạnh những chiếc xe tăng oai phong còn nguyên vết bùn lầy. Và xe cũng thường dừng lại ở một góc đường phố Sài Gòn để chúng tôi ghi hình một cô gái đang đứng trên bục giao thông, mái tóc dài, đôi má rám nắng, hai tay điệu đàng điều khiển giao thông. Hay cảnh hai thiếu nữ áo dài tha thướt đang khệ nệ khiêng một giỏ rác trong nắng trưa oi nồng.

Dưới bóng gốc me trên đường Trần Quý Cáp, khi đã tắt nắng, con chiến mã già nua mệt mỏi luôn được một đám đông dừng lại, tò mò vây quanh. Tảo luôn được mời chụp ảnh chung bên con xe lạ mắt với người Sài Gòn. Dù ở Đài Truyền hình Sài Gòn lúc bấy giờ sẵn có nhiều loại xe bóng bẩy hiện đại nhưng Tảo không yêu cầu đổi xe khác. “Vừa đi vừa đẩy” thân quen đã đưa đoàn làm phim đi quay ở Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Cần Thơ, Tây Ninh trong những ngày đầu đất nước ngừng tiếng súng.

Năm 1977, bộ phim Khi tiếng súng vừa tắt dài 52 phút được chiếu tại Liên hoan Phim quốc tế Leipzig, đấy là nhờ công lao không ít của con chiến mã trung thành này.

Hai tháng sau, an toàn đưa đoàn làm phim và hàng ngàn thước phim trở ra Hà Nội, chiếc xe lại trở về lặng lẽ nằm bên cạnh những bạn già của mình dưới mái tôn dọc theo trạm để xe 58 Quán Sứ.

*

Xem lại những thước phim, những bức ảnh cũ trong cuộc đời làm phim của mình, cảm động nhớ lại chiếc xe cọc cạch, khung xe tróc lở này. Nhiều chiếc thương tích đầy mình đã phải nằm lại mãi mãi trên một cung đường Trường Sơn hay bên cạnh những chiếc cầu phao ở phà Bến Thủy, Quán Hầu, Gianh, chi chít hố bom và mảnh đạn...

Nhận được một email của Jean Pierre Sergent gửi từ Paris: “Đã trên tám mươi tuổi rồi, tôi dự định sẽ sang thăm Việt Nam vào năm tới. Và nhờ các bạn cho tôi trở lại những chiến trường xưa”, tôi đã trả lời anh: “Nhân dịp này sẽ gắng tìm và mời những bạn lái xe dũng cảm như Ngọc, Tảo, Tuân, Chân cùng đi và nhất là sẽ tìm và tân trang lại một chiếc xe “vừa đi vừa đẩy” của thời chiến tranh.

Xe “vừa đi vừa đẩy” là bạn đường tận tụy đồng chia sẻ hiểm nguy với phóng viên chiến trường. Ảnh: TLTG

Xe “vừa đi vừa đẩy” là bạn đường tận tụy đồng chia sẻ hiểm nguy với phóng viên chiến trường. Ảnh: TLTG

Chúng ta sẽ quây quần bên nhau trong chiếc xe ấy, cùng trở về những đoạn đường xưa, cùng nâng ly nhắc lại những kỷ niệm và không quên tưởng nhớ những người bạn đồng hành dũng cảm, trung thành tận tụy, những chiếc xe âm thầm phục vụ và cũng lặng lẽ ra đi”.

Jean Pierre đã nhanh chóng trả lời: “Tôi muốn có đôi cánh để bay về bên các bạn. Xin tặng các bạn của tôi một câu thơ của Lamartine:

Hỡi những vật vô tri vô giác kia ơi
Phải chăng các bạn cũng có một linh hồn
Đã gắn bó với chúng tôi,
Và làm chúng tôi thêm yêu thương bạn…”

Riêng tôi nghĩ, chiếc xe đạp đã được trang trọng đặt trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Giá mà trong một công viên hay bảo tàng nào đó, bên cạnh những chiếc xe tăng rực rỡ chiến công, sẽ có mặt một chiếc xe “vừa đi vừa đẩy”, một bạn đường tận tụy trong những tháng ngày đồng chia sẻ hiểm nguy với phóng viên chiến trường. Sẽ an lòng hơn biết mấy vì chúng ta không bỏ quên “người đồng chí” nghĩa tình ấy.

Xuân Phượng (Đạo diễn, nhà làm phim, nhà văn, nhà sưu tập hội họa)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nhung-chiec-xe-vua-di-vua-day-38075.html