Những chiếc xe tăng vô dụng của Romania trong Thế chiến 2

Xe tăng R-1 là một loại xe tăng hạng nhẹ do Tiệp Khắc sản xuất theo đơn hàng của Romania để sử dụng trong các đơn vị kị binh Romania.

Xe tăng hạng nhẹ R-1 là phiên bản xuất khẩu cho thị trường Romania của xe tăng AH-IV Tiệp Khắc. Trong giai đoạn từ 1936 tới 1939, đã có 36 chiếc R-1 được sản xuất; trong đó 35 chiếc được sản xuất tại ČKD, Tiệp Khắc, còn 1 chiếc cuối cùng được sản xuất tại Malaxa, Romania.

Khi mới ra đời, xe tăng R-1 được đánh giá vượt trội hơn các xe tăng khác cùng loại (như Panzer I). Tuy nhiên, khi Thế chiến II bùng nổ, nó trở nên lỗi thời và không còn đáp ứng được nhu cầu trên chiến trường.

Năm 1941, Romania tham gia lực lượng phe Trục tấn công Liên Xô. Những chiếc xe tăng hạng nhẹ R-1 được biên chế vào các lữ đoàn kị binh Romania 1, 5, 6, 7, 8, 9, với mỗi lữ đoàn là 1 trung đội trinh sát từ 4-6 chiếc, trong đội hình Cụm Tập đoàn quân Nam của Đức, tấn công Odessa, Krym, Ukraine, Stalingrad.

Với thiết kế lạc hậu khi chỉ có súng máy và không có pháo, lớp giáp mỏng, dễ bị xuyên thủng chỉ bằng súng trường chống tăng, các xe tăng hạng nhẹ R-1 gần như vô hại với xe tăng Xô Viết.

Chúng chỉ có hiệu quả khá hạn chế trong nhiệm vụ trinh sát hay đối đầu với bộ binh không có yểm trợ. Tính tới tháng 1/1943, chỉ còn lại 2 chiếc R-1 còn có thể hoạt động được trong biên chế quân đội Romania.

Tới tháng 11/1943, quân đội Romania định phục chế lại xác 14 chiếc R-1 đã bị Hồng Quân bắn hỏng và trang bị thêm cho chúng pháo chống tăng 45mm thu được của Liên Xô, tuy nhiên kế hoạch đã bị hủy bỏ do hiệu quả không cao.

Tháng 8/1944, Romania đổi phe, tham gia phe Đồng Minh và chống lại Đức. 11 chiếc R-1 được phục hồi và tham gia cùng Hồng Quân chống lại quân Đức tại mặt trận Hungary, Tiệp Khắc.

Về thông số kỹ thuật, R-1 có khối lượng là 3,9 tấn, có chiều dài 3,2m, chiều rộng 1,73m, cao 1,67m. Khoảng sáng gầm xe là 32cm. Kíp chiến đấu trên xe là 2 người. Giáp xe phía trước 12mm, 8mm giáp bên, 5mm giáp sau, 5mm sàn, 5mm nóc, 12mm toàn tháp pháo. Tầm hoạt động 170km. Tốc độ tối đa 45km/h trên đường trường, 20km/h việt dã.

Trang bị của xe gồm hai súng máy. Súng chính là súng máy hạng nặng 35 mm được lắp trong tháp pháo. Vũ khí phụ là một khẩu súng máy hạng nhẹ được lắp ở bên phải của thân xe có cỡ nòng là 7,92 mm với 3.700 viên đạn.

Một báo cáo của Romania từ tháng 3/1938 cho biết rằng phương tiện trinh sát sắp được mua thực sự phải có súng 37 mm làm vũ khí chính và có giáp đủ mạnh để chống lại súng trường chống tăng cỡ nòng nhỏ hơn 15 mm, tuy nhiên R-1 không sở hữu những tính năng này.

Chiếc xe có kíp lái gồm hai người, có các của quan sát và bệ lắp súng khác so với phiên bản AH-IV-P xuất khẩu cho Iran. Xe có thể xuyên thủng những bức tường gạch dày 300 mm và quật ngã cây cối có đường kính 250 mm. R-1 không có radio, điều này đã hạn chế hiệu quả của nó trong vai trò trinh sát.

Trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, R-1 đã hoạt động trong biên chế các đơn vị kỵ binh Romania, sau khi Romania tham gia cuộc xâm lược Liên Xô với tư cách là thành viên phe Trục vào năm 1941.

Tuy nhiên trong suốt cuộc chiến, những chiếc xe tăng R-1 không đóng góp được thành tích gì khả quan. Những chiếc xe tăng R-1 bị tiêu diệt một cách dễ dàng bởi các khẩu súng trường chống tăng Liên Xô và lép vế trước những chiếc T-34.

Tất cả những chiếc R-1 còn sót lại cũng đã bị phá huy hết sau cuộc chiến. Hiện nay, còn tồn tại một bản sao R-1 với tỷ lệ 1: 1. Nó được xây dựng từ năm 2006 đến 2013 tại Séc với sự hỗ trợ của Bảo tàng Quân sự Lichkov và hiện đang được sử dụng tại các sự kiện kỷ niệm. Nguồn ảnh: Pinterest.

Quang Hưng

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/nhung-chiec-xe-tang-vo-dung-cua-romania-trong-the-chien-2-1650521.html