Những chặng đường lịch sử vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, luôn làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, của dân tộc, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Được ra đời từ nhiều tổ chức tiền thân, đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của cách mạng Việt Nam.

Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ban hành Chỉ thị về thành lập Hội Phản đế đồng minh - tổ chức tiền thân đầu tiên của MTTQ Việt Nam. Hội Phản đế đồng minh đã tuyên truyền vận động nhân dân dấy lên cao trào phản đế mạnh mẽ trong cả nước, với đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh.

Người dân Thủ đô trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc cấp Thành phố năm 2023.

Trong những năm 1936 - 1940, Mặt trận Dân chủ Đông Dương và Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế ra đời đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân chống đế quốc và bè lũ tay sai, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, dân trí và dân quyền.

Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam là quá trình hình thành, hoàn thiện và phát triển về lý luận, phong trào và tổ chức. Dưới ngọn cờ của các tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, nhân dân ta đã đoàn kết tiến hành các phong trào đấu tranh cách mạng, mà sự ra đời của Mặt trận Việt Minh ngày 19/5/1941 là bước trưởng thành vượt bậc của Mặt trận về cả đường lối, tổ chức và hoạt động, làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám (năm 1945) lịch sử, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2/9/1945), mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc: Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Để đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của Mặt trận Dân tộc thống nhất, ngày 29/5/1946, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) được thành lập - đây là bước phát triển mới của Mặt trận Dân tộc thống nhất. Thực hiện Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt đã ra sức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia kháng chiến, sát cánh bên nhau, đẩy mạnh mọi hoạt động, xây dựng tổ chức, phát triển lực lượng nhằm mục tiêu chung là kháng chiến thắng lợi, giành độc lập dân tộc. Việc thống nhất Việt Minh và Liên Việt trở thành yêu cầu khách quan của kháng chiến và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nhằm củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Ngày 3/3/1951, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt hợp nhất thành Mặt trận Liên Việt đã động viên sức mạnh toàn dân, toàn quân tập trung sức người, sức của đẩy mạnh cuộc kháng chiến với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến” làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đến thắng lợi.

Thời kỳ 1955 - 1975, cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng hậu phương lớn Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Cả ba tổ chức: MTTQ Việt Nam (10/9/1955), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960), Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam (20/4/1968) cùng nhau phối hợp chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, tập hợp và phát huy đến mức cao nhất sức mạnh đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), từ ngày 31/1- 4/2/1977 tại thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam quyết định hợp nhất 3 tổ chức: MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên chung là MTTQ Việt Nam. Đại hội đã thông qua chương trình chính trị và điều lệ mới nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong Nhân dân, phát huy nhiệt tình cách mạng và tinh thần làm chủ, động viên nhân dân hăng hái tham gia xây dựng và củng cố chính quyền, xây dựng Hiến pháp chung của cả nước; tổ chức bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục thiên tai, phát triển kinh tế...

Ôn lại lịch sử truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam trong những năm qua là dịp để chúng ta tiếp tục kế thừa và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là nhân tố cơ bản để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, vững bước đi lên Chủ nghĩa xã hội.

K.Quyên

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhung-chang-duong-lich-su-ve-vang-cua-mat-tran-to-quoc-viet-nam-164223.html