Những cây cỏ dùng làm thuốc giảm đau từ thời cổ đại

Theo các nhà khảo cổ học, tổ tiên của chúng ta đã biết sử dụng các phương thuốc giảm đau hiệu quả từ cây cỏ.

Cây kỳ nham

Ảnh: Listverse.

Cây kỳ nham (henbane) được sử dụng như một loại thuốc gây mê từ thời cổ đại. Loại cây này có chứa atropine (dùng làm thuốc giãn cơ) và scopolamine (dùng để ngăn ngừa nôn mửa, gây buồn ngủ). Cây kỳ nham được dùng làm thuốc giảm đau từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Ở Thổ Nhĩ Kỳ cổ đại, henbane được gọi là beng, chế thành thuốc viên hoặc hun khói dùng làm thuốc giảm đau răng, đau tai, khử trùng miệng.

Châm cứu

Châm cứu bắt nguồn từ thời đại đồ đá với những cách chữa bệnh đơn giản như dùng gai, que nhọn, xương thú, đá nhọn để châm vào một điểm trên da để giảm đau. Lâu dần, qua kinh nghiệm thực tiễn, người ta xác định được các điểm cần tác động khi muốn chữa chứng bệnh nào đó. Quyển sách được coi là xưa nhất về châm cứu là cuốn “Nội kinh linh khu” viết cách đây gần 3000 năm (770-221 trước Công nguyên).

Ảnh: Listverse.

Tại Châu Âu, ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, phương Tây đã biết đến châm cứu nhưng phương pháp này không thể phát triển được ở đây. Tuy nhiên, khoa học hiện đại chứng minh châm cứu có hiệu quả giảm đau, gây tê như morphin.

Cây khoai ma (mandragora)

Đây là một trong những thuốc gây mê đầu tiên làm cho người bệnh bất tỉnh. Bác sĩ người Hy Lạp Dioscorides (49-90 sau CN) đã viết về tác dụng của rượu mandragora. Loại rượu được nấu từ cây khoai ma gây ra giấc ngủ sâu giúp các bệnh nhân trải qua phẫu thuật mà không cảm thấy đau đớn. Dioscorides mô tả giấc ngủ này giống như là gây tê.

Ảnh: Listverse.

Đến thế kỷ 13, ở Italia, các thầy thuốc đã giới thiệu việc sử dụng miếng bọt biển ngâm trong dung dịch hòa tan mandragora, để lên mũi của bệnh nhân nhằm gây mê ngủ. Cách này giúp bệnh nhân không còn cảm giác đau đớn.

>>>Mời độc giả xem video: Làm sao giảm đau khớp mùa lạnh? (nguồn: VTC):

Cà độc dược

Mặc dù đây là một cây trồng độc hại nhưng nó được dùng làm thuốc giảm đau phổ biến trong thời cổ xưa. Cà độc dược chứa nhiều alcaloid, chủ yếu là scopolamine (chất gây ảo giác mạnh) có tác dụng ngăn suyễn, giảm ho, chống đau, chống co giật.

Ảnh: Listverse.

Loại cây này được xếp vào bảng có độc tính cao, thành phần alcaloid có khả năng hủy phó giao cảm, tạo ảo giác mạnh, gây mê sảng, hoang mang khiến con người không phân biệt được thực tế và ảo giác. Dùng cà độc dược liều cao, đặc biệt là hoa và lá có thể dẫn đến ngộ độc, mê sảng kéo dài, mất trí nhớ, thậm chí tử vong.

Mặc dù cà độc có hiệu quả trong việc làm giảm đau của bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật cổ nhưng nó cũng dẫn đến tử vong nếu được sử dụng không đúng cách.

Ethylene

Theo ghi nhận trong sử sách, loại khí ethylene được sử dụng bởi nữ tu sĩ có tên là Pythia. Bà được mệnh danh là nhà tiên tri của Delphi và tu luyện tại đền thờ thần Apollo, Hy Lạp cổ đại. Tương truyền bà hít khí này vào sẽ có sức mạnh dự báo tương lai. Kể từ đó, khí này được sử dụng rộng rãi bởi các nhà tiên tri khác.

Năm 1930, ethylene được ca ngợi như một thuốc gây mê toàn thân mới. Nó sẽ thay thế chloroform - chất gây tác động hậu phẫu nghiêm trọng như tử vong đột ngột, buồn nôn sau phẫu thuật.

Cây cải cần thuộc họ diên hồ (Corydalis)

Ảnh: Listverse.

Ở Trung Quốc cổ đại, củ và rễ cây corydalis được đào lên đun sôi trong dấm và dùng để giảm đau đầu, đau lưng. Là họ hàng của cây anh túc (thuốc phiện), cây corydalis chủ yếu phát triển ở miền Trung Trung Quốc. Theo các nhà khoa học hiện đại, loại cây này có tác dụng giảm đau vì nó chứa dehydrocorybulbine (DHCB) - có tác dụng giảm đau mà không gây nhờn thuốc.

Vỏ cây liễu (willow)

Ảnh: Listverse.

Trong nhiều thế kỷ, vỏ cây liễu được sử dụng như một chất giúp giảm đau hiệu quả, đặc biệt là vỏ cây liễu trắng. Ebers Papyrus - một tập hợp các văn bản y khoa từ năm 1500 trước Công nguyên mô tả việc sử dụng vỏ cây liễu như loại thuốc giảm đau. Người Trung Quốc và Hy Lạp cổ đại cũng sử dụng vỏ cây liễu cho mục đích này.

Nghiên cứu hiện đại cho thấy vỏ cây liễu là thuốc giảm đau hiệu quả vì chứa salicin, một chất tương tự như aspirin nhưng sử dụng vỏ cây liễu ở liều thấp hiệu quả hơn aspirin. Do tính hiệu quả cao, phương pháp này vẫn được sử dụng hàng thế kỷ nay trong giảm đau do đau đầu, đau lưng và viêm xương khớp.

Thảo Nguyên (theo Listverse)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/nhung-cay-co-dung-lam-thuoc-giam-dau-tu-thoi-co-dai-950934.html