Những câu hỏi về vi-rút Ebola

Bệnh do vi-rút Ebola là một bệnh nặng, thường gây chết người, với tỷ lệ tử vong lên đến 90%. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể và các mô của người hoặc động vật nhiễm bệnh. Trong vụ dịch, những người có nguy cơ cao bị lây nhiễm là nhân viên y tế, các thành viên gia đình và những người có tiếp xúc gần với người bị bệnh và người bệnh đã qua đời.

Bệnh do vi-rút Ebola có thể được kiểm soát thông qua việc sử dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân tại các phòng khám và bệnh viện, nơi tụ họp đông người và tại gia đình. Dưới đây là lời giải đáp cho những câu hỏi thường gặp về căn bệnh này.

1. Bệnh do vi-rút Ebola là gì?

Bệnh do vi-rút Ebola trước đây còn gọi là sốt xuất huyết do vi-rút Ebola. Bệnh thường gây chết người, với tỷ lệ tử vong lên đến 90%. Bệnh xảy ra ở người và động vật linh trưởng như khỉ, khỉ đột và tinh tinh.

Bệnh do vi-rút Ebola xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1976 trong hai vụ bùng phát xảy ra đồng thời, một vụ tại một ngôi làng gần sông Ebola thuộc nước Cộng hòa dân chủ Công-gô và vụ kia tại một vùng hẻo lánh ở Sudan. Nguồn gốc của vi-rút hiện vẫn chưa rõ, nhưng dựa trên bằng chứng hiện có thì loài dơi Pteropodidae được có khả năng là vật chủ của vi-rút Ebola.

2. Con người bị nhiễm vi-rút bằng cách nào?

Tại ổ dịch hiện nay ở Tây Phi, đa số các trường hợp mắc ở người là kết quả của sự lây truyền từ người bệnh sang người lành.

Nhiễm vi-rút xảy ra do tiếp xúc trực tiếp với da hoặc niêm mạc bị xây xước chảy máu, các chất dịch cơ thể hoặc chất tiết (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người bị nhiễm. Người khỏe mạnh có thể nhiễm vi-rút nếu da hoặc niêm mạc xây xước bị tiếp xúc với môi trường bị nhiễm các chất dịch chứa vi-rút của người bệnh Ebola, chẳng hạn như quần áo bẩn, khăn trải giường, hoặc bơm kim tiêm đã sử dụng.

Hơn 100 nhân viên y tế đã bị phơi nhiễm vi-rút Ebola trong khi chăm sóc cho bệnh nhân. Điều này xảy ra là do các nhân viên y tế này không mang các trang bị phòng hộ cá nhân hoặc áp dụng không đúng cách những biện pháp phòng chống và kiểm soát nhiễm trùng khi chăm sóc cho bệnh nhân. Các cơ sở y tế ở mọi cấp, từ bệnh viện, trạm y tế và phòng khám... nên thông báo những thông tin tóm tắt về bệnh, cách lây truyền bệnh và các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nhiễm vi-rút theo khuyến nghị.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không khuyên các gia đình và cộng đồng thực hiện vệc chăm sóc tại nhà cho những người có các triệu chứng của bệnh do virut Ebola. Thay vào đó, hãy đưa người bệnh đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế có các bác sĩ và y tá, đủ điều kiện và trang thiết bị để điều trị.

Sự lây truyền bệnh đã xảy ra tại cộng đồng trong đám tang và quá trình chôn cất. Tại lễ an táng, việc tiếp xúc trực tiếp với tử thi của những người đưa tang có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc lây truyền vi-rút Ebola. Do đó, những người khâm liệm tử thi phải sử dụng quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang và thi hài người bệnh phải được an táng ngay lập tức.

Người bệnh vẫn được coi là có thể làm lây truyền bệnh khi máu và chất tiết của họ còn chứa vi-rút. Vì lý do này, người bệnh cần được nhân viên y tế giám sát chặt chẽ và làm các xét nghiệm để đảm bảo cơ thể không còn vi-rút trước khi xuất viện trở về nhà. Khi nhân viên y tế xác định là người bệnh có thể xuất viện, tức là họ không còn mắc bệnh cũng như không có khả năng lây truyền bệnh cho bất cứ ai trong cộng đồng. Nam giới bị bệnh dù đã phục hồi vẫn có thể làm lây lan vi-rút cho bạn tình qua tinh dịch cho tới tận 7 tuần sau. Do đó, bệnh nhân nam nên tránh quan hệ tình dục ít nhất 7 tuần sau khi phục hồi hoặc phải dùng bao cao su nếu có quan hệ tình dục trong thời gian này.

3. Ai có nguy cơ bị bệnh?

Nhân viên y tế có nguy cơ
lây nhiễm rất cao

Trong vụ dịch, những người có nguy cơ cao lây nhiễm là:

- Nhân viên y tế;

- Thành viên gia đình hoặc những người có tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh;

- Những người khâm liệm, an táng có tiếp xúc trực tiếp tử thi.

Cần có thêm những nghiên cứu để xác định xem liệu những người bị giảm miễn dịch hoặc đang mắc các bệnh khác có dễ bị lây nhiễm virut hơn so với người khỏe mạnh hay không.

4. Những dấu hiệu và triệu chứng điển hình của nhiễm vi-rút là gì?

Sốt đột ngột, yếu lả, đau cơ, nhức đầu và đau họng là các dấu hiệu và triệu chứng điển hình. Tiếp sau đó là nôn, tiêu chảy, phát ban, suy thận và suy gan, trong một số trường hợp người bệnh xuất hiện xuất huyết nội tạng và xuất huyết ngoài. Xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu và tiểu cầu giảm, men gan tăng cao.

Trong thời kỳ ủ bệnh (khoảng thời gian từ khi nhiễm vi-rút đến khi bắt đầu có triệu chứng) là từ 2 đến 21 ngày. Bệnh nhân có thể lây truyền bệnh khi họ bắt đầu có các triệu chứng. Bệnh không dễ lây lan trong thời kỳ ủ bệnh.

Có thể khẳng định một người bị bệnh do vi-rút Ebola bằng xét nghiệm.

5. Khi nào cần chăm sóc y tế?

Nếu một người ở khu vực lưu hành bệnh do vi-rút Ebola, hay tiếp xúc với một người nghi ngờ hoặc chắc chắn bị bệnh Ebola, thấy bắt đầu có triệu chứng, thì cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Bất kỳ trường hợp nào nghi ngờ bị bệnh cần được báo ngay cho cơ quan y tế địa phương. Cần nhanh chóng chăm sóc và điều trị để tăng khả năng sống cho người bệnh. Đồng thời, cần bắt đầu thực hiện ngay lập tức các biện pháp kiểm soát sự lây lan của bệnh.

6. Điều trị bệnh bao gồm những gì?

Bệnh nhân bị bệnh nặng cần được chăm sóc hỗ trợ tích cực. Bệnh nhân thường bị mất nước và phải bù nước và các chất điện giải bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho căn bệnh này. Một số bệnh nhân sẽ phục hồi khi điều trị thích hợp.

Để giúp kiểm soát sự lây lan rộng thêm, người bị nghi ngờ hoặc đã xác định có bệnh phải được cách ly với các bệnh nhân khác và cần được nhân viên y tế điều trị tích cực cùng với các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt.

7. Cần làm gì để phòng bệnh?

Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị hoặc vắcxin phòng bệnh do vi-rút Ebola, nhưng một số sản phẩm đang được nghiên cứu và phát triển. Vì vậy, chủ yếu là thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng bệnh.

Trong khi các trường hợp đầu tiên mắc bệnh do vi-rút Ebola là do dùng tay xử lý động vật hoặc xác súc vật bị nhiễm bệnh, thì các trường hợp lây nhiễm thứ phát là do tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch của người bệnh trong quá trình điều trị, chăm sóc hoặc trong khi chôn cất mà không có trang bị phòng hộ phù hợp. Trong vụ dịch này, bệnh hầu như lây truyền từ người này sang người khác. Cần thực hiện một số bước sau để ngăn ngừa nhiễm vi-rút và hạn chế hoặc làm ngừng lây truyền bệnh:

- Hiểu được bản chất của bệnh, cách lây truyền và biện pháp ngăn không cho bệnh lan rộng hơn nữa.

- Tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế.

- Nếu bạn nghi ngờ một người gần gũi hoặc sống trong cộng đồng có bệnh do virut Ebola, hãy khuyến khích và hỗ trợ họ đến cơ sở y tế để được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

- Không nên chăm sóc người bệnh tại nhà, người bệnh và các thành viên gia đình họ nên đến các cơ sở y tế để được chữa trị.

- Khi đến thăm các bệnh nhân trong bệnh viện hoặc chăm sóc người ốm tại nhà, cần rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi chạm vào người bệnh, môi trường xung quanh người bệnh hoặc tiếp xúc với các chất dịch của người bệnh.

- Người tử vong do Ebola cần được khâm liệm hết sức cẩn thận với các phương tiện bảo hộ và chôn cất an toàn ngay lập tức dưới sự giám sát của nhân viên y tế.

Ngoài ra, mỗi người nên giảm tiếp xúc với động vật có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh (dơi quạ, khỉ...) ở các khu vực rừng nhiệt đới vùng bị ảnh hưởng. Nếu bạn nghi ngờ một động vật bị nhiễm vi-rút, không nên tự xử lý. Thịt, tiết của các động vật này phải được nấu chín kỹ trước khi ăn.

8. Nhân viên y tế cần làm gì để bảo vệ bản thân trong khi chăm sóc cho bệnh nhân?

Nhân viên y tế điều trị cho người nghi ngờ hoặc đã được khẳng định bị bệnh do vi-rút Ebola, là những người có nguy cơ nhiễm vi-rút cao hơn so với các nhóm khác. Trong khi diễn ra vụ dịch, cần thực hiện những biện pháp phòng ngừa được dựa trên bằng chứng khoa học nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi-rút và bảo vệ y, bác sĩ cũng như những người làm việc trong ngành y tế.

Có nên cách ly người nghi ngờ nhiễm vi-rút Ebola hoặc đã khẳng định nhiễm hay không?

Cách ly người nghi ngờ nhiễm vi-rút Ebola hoặc đã khẳng định nhiễm bệnh trong phòng riêng là việc làm được khuyến nghị. Khi không có phòng riêng để cách ly, rất cần ấn định một khu vực riêng biệt với các bệnh nhân khác. Tại khu vực này, cũng cần cách ly riêng những trường hợp nghi ngờ bị bệnh với các trường hợp đã khẳng định mắc bệnh. Hạn chế việc tiếp cận khu vực này.

Cách ly bệnh nhân, người nghi ngờ nhiễm bệnh là điều cần thiết

Có nên cho người đến thăm vào khu vực có các trường hợp nghi ngờ hoặc đã khẳng định bị bệnh do vi-rút Ebola không?

Không nên để người đến thăm tiếp cận với người bệnh. Nếu điều này là không thể, thì chỉ nên cho những người thật sự cần thiết, ví dụ như cha mẹ bệnh nhi.

Cần có các phương tiện bảo hộ nào khi chăm sóc cho bệnh nhân?

Ngoài các biện pháp chăm sóc theo chuẩn, nhân viên y tế cần nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng đã được khuyến nghị để tránh tiếp xúc với máu, thể dịch hoặc các vật dụng, môi trường nhiễm vi-rút (như ga trải giường, bơm kim tiêm đã qua sử dụng...).

Tất cả những người thăm nuôi và nhân viên y tế cần nghiêm túc sử dụng các trang bị phòng hộ cá nhân, tối thiểu là gồm: găng tay, áo choàng không thấm nước, giầy/ủng, khẩu trang, kính bảo vệ mắt.

Rửa tay có quan trọng không?

Rửa tay là rất cần thiết và nên được thực hiện như sau:

- Trước khi đeo găng tay và sử dụng các trang bị phòng hộ cá nhân khi đi vào khu vực cách ly;

- Trước bất kỳ thủ thuật vô khuẩn nào thực hiện cho bệnh nhân;

- Sau khi có nguy cơ phơi nhiễm hoặc tiếp xúc với máu hoặc chất dịch của người bệnh;

- Sau khi chạm vào bề mặt hoặc vật dụng bị ô nhiễm;

- Sau khi cởi bỏ các trang bị phòng hộ cá nhân, sau khi rời khỏi khu vực cách ly.

Một điều quan trọng cần lưu ý là không rửa tay sau khi cởi bỏ các trang bị phòng hộ cá nhân sẽ làm giảm hoặc mất đi lợi ích của việc sử dụng trang bị phòng hộ cá nhân.

Có thể dùng dung dịch sát khuẩn tay có cồn hoặc xà phòng và nước sạch để rửa tay. Luôn luôn rửa tay với xà phòng và nước sạch khi thấy tay bẩn. Nên để dung dịch sát khuẩn tay có cồn tại mỗi điểm chăm sóc (cửa ra vào và trong khu vực cách ly); cần bố trí luôn luôn có sẵn vòi nước sạch, xà phòng và khăn lau dùng một lần.

Những biện pháp phòng ngừa khác cần áp dụng tại các cơ sở y tế:

Các biện pháp phòng ngừa quan trọng khác là thủ thuật tiêm và mở tĩnh mạch an toàn, bao gồm cả quản lý an toàn các vật dụng sắc nhọn, làm sạch môi trường thường xuyên và nghiêm ngặt, khử trùng các bề mặt và thiết bị, quản lý ga trải giường bẩn và chất thải của người bệnh.

Ngoài ra, cần phải đảm bảo an toàn quá trình xét nghiệm bệnh phẩm lấy từ các trường hợp nghi ngờ hoặc đã được khẳng định bị bệnh do vi-rút Ebola, cũng như xử lý an toàn tử thi, mẫu bệnh phẩm khám nghiệm tử thi hoặc vật dụng khi khâm liệm, chôn cất. Bất kỳ nhân viên y tế nào thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bệnh nhân bị nghi ngờ hoặc đã được khẳng định bị bệnh do vi-rút Ebola nên sử dụng trang bị phòng hộ cá nhân thích hợp và thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo khuyến nghị của WHO.

9. Những tin đồn rằng một số loại thực phẩm có thể ngăn ngừa hoặc chữa khỏi nhiễm vi-rút Ebola liệu có đúng không?

WHO khuyến cáo rằng người dân nên xin tư vấn về bệnh do vi-rút Ebola từ các nhân viên y tế. Trong khi không có thuốc đặc hiệu điều trị Ebola, thì biện pháp điều trị tốt nhất là điều trị hỗ trợ tích cực tại bệnh viện do các nhân viên y tế thực hiện.

10. Du lịch trong vụ dịch có an toàn không?

Trong vụ dịch, WHO thường xuyên đánh giá tình hình y tế công cộng và khuyến cáo hạn chế du lịch hoặc thương mại nếu cần thiết và có thể thông báo cho nhà chức trách của từng quốc gia thực hiện việc hạn chế này.

Du khách cần luôn luôn thận trọng đối với sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, song nguy cơ lây nhiễm cho du khách là rất thấp vì việc lây truyền từ người này sang người khác là do tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch hoặc chất tiết từ cơ thể của bệnh nhân bị nhiễm bệnh.

WHO đưa ra lời khuyên chung về việc du lịch:

- Du khách nên tránh mọi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.

- Nhân viên y tế đi đến các khu vực bị ảnh hưởng cần nghiêm chỉnh tuân thủ các hướng dẫn kiểm soát lây nhiễm theo khuyến nghị của WHO.

- Bất kỳ ai sống trong khu vực có các trường hợp mắc bệnh mới được thông báo, cần biết các triệu chứng của bệnh và đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu đầu tiên của bệnh.

- Với những du khách vừa trở về từ các khu vực bị ảnh hưởng phải nhập viện với các triệu chứng tương thích, bác sĩ điều trị nên xem xét khả năng bị bệnh do vi-rút Ebola

Minh Khôi – Theo TT Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/sot-xuat-huyet/nhung-cau-hoi-ve-vi-rut-ebola-96879.html