Những câu hỏi chưa được giải đáp về chương trình phổ thông

Nếu nói về các mục tiêu đào tạo con người toàn diện của chương trình phổ thông mới thì chỉ có thể nói duy nhất một từ là 'hoàn hảo'. Để đạt được tất cả các mục tiêu chương trình đã đưa ra một loạt các môn học mới cho tất cả các cấp và bố trí thời lượng học tương ứng.

Câu hỏi đầu tiên là phân bổ thời lượng học cho nhiều môn như vậy có ảnh hưởng đến việc truyền đạt các kiến thức cơ bản cho học sinh hay không trong các môn học truyền thống như Tiếng Việt, Toán, và các môn khoa học tự nhiên và xã hội khác.

UNESCO có đưa ra thời lượng học chuẩn cho học sinh phổ thông các nước. Thời lượng học chuẩn này có thể hiểu đơn giản là số tiết học cần thiết cho việc giảng dạy trên lớp. Hiện nay Việt Nam mới đạt khoảng 65% thời lượng này do học sinh chúng ta chỉ học một buổi ở trường. So sánh với quy định số giờ học trên lớp của Bộ giáo dục các nước Hàn Quốc và Thái Lan thì thấy như sau:

- Ở cấp Tiểu học, ta chỉ bằng khoảng 60% so với Hàn Quốc, 85% so với Thái Lan.

- Ở cấp Trung học cơ sở, ta chỉ bằng 33% so với Hàn Quốc, 80% so với Thái Lan.

- Ở cấp Trung học phổ thông, ta chỉ bằng 30% so với Hàn Quốc, 48% so với Thái Lan.

Những con số này chỉ là ước lượng, nhưng phản ánh rõ ràng tình hình học sinh chúng ta học ít như thế nào so với thế giới.

Nhiều năm qua, chương trình phổ thông đã giảm thời lượng học kiến thức cơ bản với cùng lý do dành cho các môn rèn luyện kỹ năng. Việc này đáng lẽ ra phải được thực hiện thông qua việc thiết kế hợp lý nội dung giảng dạy như tránh việc dạy trùng lắp kiến thức. Nhưng người ta lại cắt đi một số nội dung cần thiết trong việc truyền đạt kiến thức và rèn luyện tư duy cho học sinh. Hậu quả là học sinh hiện nay nắm rất lơ mơ các kiến thức cơ bản và khả năng suy luận đang ngày càng kém đi. Các giảng viên lâu năm ở các trường đại học đều có chung nhận định là trình độ đầu vào của sinh viên đang suy giảm dần. Kéo theo đó là việc suy giảm nội dung giảng dạy ở bậc đại học cho phù hợp làm cho chất lượng của cả hệ thống giáo dục đi xuống.

Để giải quyết trình trạng này, chúng ta phải dành một thời lượng học thích đáng cho các môn học kiến thức truyền thống và tích hợp việc rèn luyện một số kỹ năng vào trong việc học các môn này. Rất tiếc là Chương trình phổ thông mới lại tiếp tục cắt giảm thời lượng học các môn học truyền thống để đưa thêm vào những môn học rèn luyện kỹ năng. Hệ quả là thời lượng học kiến thức các môn học truyền thống giảm đi đến mức báo động.

Để thấy điều này chúng ta chỉ cần so sánh số tiết học ở các lớp trong môn Toán của Chương trình với số tiết học quy đổi của Hàn Quốc và Thái Lan:

Môn Toán là môn học quan trọng nhất cho việc rèn luyện tư duy của học sinh. Kiến thức Toán đang thâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực khoa học. Thế mà số tiết học Toán của chúng ta lại thua kém các nước quanh ta.

Với thời lượng học như thế này thì chúng ta có thể thấy học sinh chúng ta không được trang bị đẩy đủ kiến thức cần thiết để đi vào đời. Vì vậy mà bằng tốt nghiệp trung học phổ thông của chúng ta không được thế giới công nhận. Vì vậy mà năng suất lao động phổ thông của chúng ta vào loại thấp nhất trong vùng, thua xa Thái Lan.

Câu hỏi tiếp theo là liệu các môn học mới của Chương trình có thực sự nâng cao một số kỹ năng hay không. Liệu trình độ giáo viên và cơ sở vật chất của chúng ta có đáp ứng được việc giảng dạy các môn này hay không. Nếu duy ý chí thì đây sẽ chỉ là những môn học vô bổ không có nội dung thiết thực, lãng phí thời lượng học trên lớp của học sinh.

Ví dụ như chúng ta sẽ dạy gì trong môn “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo”. Không thể có một giáo trình rập khuôn cho việc dạy “sáng tạo” được vì như vậy còn gì là “sáng tạo” nữa. Nếu nhìn vào Chương trình thì đây là các hoạt động ngoại khóa, tại sao lại đưa vào hoạt động chính khóa. Có thể thấy rõ sự lúng túng của Chương trình khi mô tả môn học này một cách rất chung chung như “học sinh được đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp; được tư vấn để rèn luyện phẩm chất cơ bản của người lao động cũng như sự thích ứng với nghề nghiệp mai sau”. Đây giống như một khẩu hiệu hơn là một môn học.

Tương tự như vậy, làm thế nào có thể coi môn “tự học có hướng dẫn” là “hoạt động tự học trên lớp của học sinh tiểu học với sự giúp đỡ, hướng dẫn của giáo viên nhằm góp phần hình thành và phát triển năng lực tự học cho học sinh, giảm tối đa việc học ở nhà”. Việc này không khác gì việc “học thêm”. Tại sao lại phải tự học trên lớp mà không tự học ở nhà trong lúc thời lượng học trên lớp của chúng ta quá ít so với mặt bằng thế giới.

Khả năng sáng tạo và kỹ năng tự học là rất quan trọng, nhưng điều đó không có nghĩa là phải tạo ra các môn học để dạy các năng lực này. Đúng ra phải lồng việc rèn luyện những năng lực này vào trong việc giảng dạy các môn học truyền thống.

Chương trình mới cũng đưa vào nhiều môn công nghệ như “Thế giới công nghệ”, “Tìm hiểu công nghệ”, “Công nghệ và hướng nghiệp”, “Thiết kế công nghệ”. Điều này có thực sự cần thiết hay không? Ngày xưa, xe đạp và sau này là xe máy là biểu hiện công nghệ cao đối với xã hội, nhưng điều ấy không có nghĩa là học sinh phải học sử dụng hay thiết kế những thứ này. Những sản phẩm công nghệ cũng liên tục thay đổi theo thời gian. Đúng đắn nhất là học sinh phải học những nguyên lý khoa học làm cho những thứ này hoạt động. Những nguyên lý khoa học này đều có thể đưa vào các môn khoa học truyền thống, hơn là tách ra thành các môn công nghệ riêng biệt trong tình hình chúng ta đang thiếu giờ học trên lớp một cách nghiêm trọng. Thực tế cho thấy việc giảng dạy môn Công nghệ hiện nay rất qua loa, mang nặng tính hình thức.

Một số môn học về Nghệ thuật hay Tin học nên đưa vào Chương trình ở những mức độ nhất định. Chúng ta chỉ nên dạy những kiến thức sơ đẳng về những môn này. Việc học tập sâu hơn nên dành cho những học sinh có năng khiếu trong những nhóm học ngoại khóa vì việc học sâu hơn những môn này cần giáo viên giỏi và cơ sở vật chất đầy đủ. Môn Nghệ thuật chỉ nên dạy các kiến thức sơ đẳng nhất về mỹ thuật và âm nhac trong cấp tiểu học (lớp 1-5). Môn Tin học chỉ nên dạy nguyên lý hoạt động máy tính và ngôn ngữ lập trình. Những kiến thức này chỉ đủ để dạy cho cấp trung học cơ sở (lớp 6-9). Không nên học sâu hơn về “Khoa học máy tính” và “Tin học ứng dụng” ở cấp trung học phổ thông vì những kiến thức này chỉ phù hợp đối với việc giảng dạy đại học.

Chúng ta cũng nên mạnh dạn bỏ môn “Giáo dục quốc phòng và an ninh” để có thêm thời lượng học kiến thức cơ bản. Có lẽ Việt Nam là nước duy nhất có môn học này trong lúc đất nước chúng ta đang an bình như các nước khác. Hãy học theo Hàn Quốc là một đất nước luôn luôn ở trong tình trạng báo động chiến tranh, nhưng họ đã bỏ các tiết học về quốc phòng từ năm 1997.

Đây mới chỉ là một số thắc mắc về Chương trình phổ thông mới.

Chắc chắn sẽ còn nhiều câu hỏi nữa về việc Chương trình này có phù hợp với trình độ giáo viên và cơ sở vật chất hiện nay hay không. Nếu được thực hiện thì Chương trình mới sẽ là một cuộc cách mạng thực sự trong giáo dục, ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội cũng như đến việc phát triển nhân lực sau này. Một việc trọng đại như vậy không thể chỉ lấy ý kiến đóng góp trong chưa đầy một tháng. Vì vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo nên mở rộng thời gian đóng góp ý kiến cho Chương trình phổ thông cho đến hết tháng 5/2017.

GS Ngô Việt Trung (Viện Toán học)

Các ý kiến trao đổi về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, mời các bạn gửi theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn/ Cảm ơn các bạn.

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/nhung-cau-hoi-chua-duoc-giai-dap-ve-chuong-trinh-pho-thong-368230.html