Những cánh thư báo mừng chiến thắng

Những trang thư viết cho đồng đội, người thân trước trận đánh quyết định như tiếp thêm sức mạnh, sự kiên cường, quả cảm cho những người lính, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'.

“17.6.1953. Em, Anh đã nhận được của em hai lá thư. Thư ngày 15.4 em viết sau ngày đơn vị anh chiến thắng trận đầu tiên của chiến dịch một ngày (trận Nà Noong ngày 14.4) và đến tay anh sau trận chiến thắng Mường Khoa 12 tiếng (trận Mường Khoa đêm 17, rạng 18.5, còn lá thư sau không đề ngày (có lẽ em viết đầu tháng 5), anh nhận được khi về tới nơi trú quân (8.6). Cả hai thư đến vừa đúng lúc. Anh vui nhiều khi đọc được những dòng chữ thân yêu ở những nơi xa xôi này. Trong cái vui phấn khởi chung của đơn vị chiến thắng, có cái vui về tình cảm của mình, anh thấy mình cũng được hưởng hạnh phúc hơn các bạn xung quanh nhiều…”

Thư viết từ chiến trường cho người vợ thân yêu luôn được người lính Vũ Lăng bắt đầu như thế. Thượng tướng Vũ Lăng (1921 - 1988) nguyên là Tư lệnh Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên), nguyên Giám đốc Học viện Lục quân Đà Lạt. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Vũ Lăng là vị tướng trận góp mặt trong nhiều chiến dịch lớn với Tây Bắc, Lê Hồng Phong, Hà Nam Ninh, Sông Thao, Biên Giới... Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 đã lập chiến công vang dội trong tiến công đồi C1.

Những lá thư thời chiến. Ảnh: Đại tá Đặng Vương Hưng

Ít ai biết, trong những ngày “hành quân liên miên đuổi giặc, đi cả ngày cả đêm trung bình từ 34 - 45 cây số (có ngày tới 62 cây số) leo những đèo cao ngút ngàn hàng 20 cây và dưới trời nắng như thiêu người”, người lính ấy vẫn hướng về quê nhà, không quên báo tin mừng chiến thắng. Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, người trực tiếp sưu tầm những lá thư của Thượng tướng Vũ Lăng cũng không khỏi bất ngờ khi cho biết, phải mất thời gian khá dài ông mới có được trong tay những lá thư này.

“Nguồn thư do thân nhân các gia đình chuyển cho chúng tôi rất nhiều, song đại diện cho thế hệ kháng chiến chống Pháp lại vô cùng ít ỏi. Phần vì điều kiện văn hóa, lịch sử, đời sống kinh tế khó khăn, người viết thư rất hiếm, việc lưu trữ còn hạn chế”. Do đó, theo Đại tá Đặng Vương Hưng, kiểu dạng thư như của Thượng tướng Vũ Lăng là đáng quý vô cùng. Dù chỉ một vài lá thư nhưng cũng thấy được sự kiên cường, trung trinh của người lính với quê hương, đất nước trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ở đây là chiến dịch Điện Biên Phủ. Những lá thư mà người lính năm xưa khi đặt bút viết không ngờ rằng, mấy mươi năm sau chúng được in thành sách và họ trở thành tác giả.

“22.10.1953. Em… Ngày mai, ngày kia cục diện sẽ thay đổi. Bộ đội và anh tin tưởng mãnh liệt vào cuộc chiến đấu gay go ác liệt sắp tới này, cái niềm tin tất thắng dựa trên một cơ sở thực tế giữa chúng ta và kẻ thù làm cho mọi người phấn khởi vô cùng.

Viết cho em lúc này anh có cảm tưởng như lá thư của một chiến sĩ viết trước giờ phút xung phong để một mất một còn với kẻ thù, giành lại hạnh phúc cho mình, cho gia đình mình, cho Tổ quốc và cho cả nhân loại…”

Vốn là vị tướng trận, tính nóng như “hổ lửa” nhưng Vũ Lăng rất ham làm thơ. Những lá thư ông viết gửi vợ khi đi chiến dịch thể hiện tình cảm nồng nàn, sâu sắc đồng thời cũng cho thấy ở ông một tâm hồn rất lãng mạn.

Thư gửi vợ ngày 22.2.1953, ông viết: “Gởi em cả mấy bông hoa đào hái ở một bản vắng một chiều hành quân. Những bông hoa nở trên hố bom, hố đại bác, hớn hở đón một mùa xuân chiến thắng, biểu hiện sức đấu tranh của dân tộc ta, mỗi ngày một mạnh lên, bom đạn của kẻ thù không thể nào ngăn cản nổi. Thôi khuya rồi. Chúc em ngủ ngon giấc. Kéo chăn len hồng lên tận má cho ấm nhé!... Hôn em”.

Còn trong lá thư đề ngày 17.6.1953, ông biên: “Hôm nay viết thư cho em trên dọc đường hành quân khi dừng lại nghỉ ở một bản trên đường. Trong mùi thơm ngát của hoa cau buổi sớm, nhớ đến nụ cười, đôi mắt, tiếng nói thân yêu của những ngày nào tháng 6 năm ngoái ở chợ Chu. Nhớ căn nhà lá xinh xinh bên dòng suối trong mát, những bữa cơm rau dền, những đêm trăng chênh chếch chiếu qua khung cửa sổ…”.

Kéo pháo, sơn mài của Dương Hướng Minh, 1957. Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Đại tá Đặng Vương Hưng cho biết thêm, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đến ngày chiến thắng, nhiều người lính vẫn không quên làm nhiệm vụ, âm thầm và lặng lẽ. Ông kể, cuối năm 2008, Đại tá Đỗ Sâm, nguyên là sĩ quan pháo binh từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã chuyển tới ông tập bản thảo “Người điệp báo Thành Sơn”. Đó là tác phẩm viết về cuộc đời và những chiến công thầm lặng của điệp báo viên Đào Thiện Thùy, đồng thời cũng là bố vợ của Đại tá Đỗ Sâm.

Trong “Người điệp báo Thành Sơn”, có một số tư liệu quý, đó là những bức thư liên lạc nghiệp vụ tuyệt mật một thời, được điệp báo viên Đào Thiện Thùy (mang bí danh Chị Nguyên) sử dụng để gửi báo cáo và tiếp nhận mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên, mà trực tiếp là Tổ điệp báo Công an tỉnh Sơn Tây.

Thư viết: “Lê Nhượng. Sơn Tây, ngày 6.5.1954. Chị Nguyên! Tình hình hiện nay có nhiều chuyển biến có lợi cho ta. Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, địch thiệt hại nặng ở khắp các chiến trường khác. Yêu cầu: Báo cáo cụ thể về tình hình hoang mang dao động của địch, triệu chứng địch rút diễn biến thế nào? Âm mưu của địch hiện nay ở Sơn Tây sau khi chúng rút? Nếu địch rút thì chị cứ yên tâm theo nhiệm vụ cũ. Liên lạc ngay từ bây giờ để sau này không bị gián đoạn…”

Những dòng thư có thể được viết vội trong lúc nghỉ chân giữa chặng hành quân, trước khi vào trận chiến, có những lá thư hết sức đặc biệt khi cả người viết và người nhận đều dùng mật danh; nội dung trao đổi trong thư được diễn đạt bằng mật mã, hoặc ngôn ngữ tiếng lóng mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu... “Nhưng đó là cảm xúc, nỗi lòng, là nhiệm vụ thiêng liêng được bộc lộ trong những khoảnh khắc và bối cảnh tự nhiên nhất, chân thật nhất, ý nghĩa nhất bởi vậy mà nó rất thật, rất đời, rất sinh động và cuốn hút đến lạ kỳ”, Đại tá Đặng Vương Hưng nói.

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/nhung-canh-thu-bao-mung-chien-thang-i326926/