Những cánh rừng FSC

Toàn tỉnh hiện có hơn 35.300 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, đứng thứ 2 toàn quốc. Trên những cánh rừng FSC người ta cảm nhận được sự khác biệt về môi trường, không còn rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật không vứt bừa bãi trong rừng nữa, ý thức của người trồng rừng trong bảo vệ môi trường được nâng lên, tình trạng đốt thực bì trước khi trồng cây cũng giảm hẳn.

Quy trình trồng, chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn FSC được hướng dẫn cụ thể với chủ rừng. Họ thuộc làu từng công đoạn, cách trồng rừng từ đào hố, đặt cây giống, bón phân, bảo vệ, theo dõi, đo đếm quá trình phát triển của cây cho đến tuổi khai thác, tiêu thụ sản phẩm. Trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế giúp những rừng cây phát triển nhanh hơn so với cách trồng tự do trước kia. Người dân đã chú trọng trồng rừng gỗ lớn, độ tuổi khai thác từ 7 - 10 năm, nhờ đó giá trị từ gỗ mang lại cao hơn hẳn trước kia, gấp 2 lần so với rừng cây gỗ nhỏ, đây là điều mà người trồng rừng hướng đến. Trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC đang trở thành xu thế toàn cầu, được tỉnh ta tổ chức thực hiện hiệu quả.

Người dân thôn Trung Sơn, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) chăm sóc rừng keo5 năm tuổi trồng theo tiêu chuẩn FSC.

Trồng rừng không khó, nhưng trồng rừng được cấp chứng chỉ FSC lại không phải là dễ, bởi vấn đề cốt lõi nằm ở ý thức của mỗi người dân tham gia trồng rừng. Người trồng rừng phải tuân thủ 10 nguyên tắc, 56 chỉ tiêu của FSC đánh giá về trồng rừng sản xuất. Từ những việc làm nhỏ nhất như xử lý thực bì, vì đây là hoạt động phát quang, thu dọn các loại cỏ, cây, dây leo, chặt gọn cành không cần thiết ở trên rừng. Ông Đỗ Tiến Lư, thôn Đa Năng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) cho biết, trước kia việc xử lý thực bì của gia đình sau mỗi vụ thu hoạch chủ yếu áp dụng phương pháp dùng lửa đốt. Phương pháp này tiện lợi, ít mất công sức và thời gian. Tuy nhiên, sau khi được tập huấn về tiêu chuẩn rừng quốc tế việc đốt thực bì không tốt cho môi trường, gây nguy cơ cháy rừng, đồng thời còn phá vỡ cấu trúc đất, ảnh hưởng hệ sinh thái động, thực vật trong đất và gây ô nhiễm môi trường không khí… Để phát triển rừng bền vững và mang lại nhiều giá trị cho cuộc sống từ rừng cần phải chuyển đổi sang phương pháp xử lý thực bì an toàn hơn như trực tiếp làm cỏ, phát vén thực bì. Đổi lại sau khoảng 1 - 2 năm lớp thực bì đó sẽ hoai mục, tạo độ tơi, xốp cho đất nên cây sẽ sinh trưởng phát triển nhanh hơn. Việc sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật phải có nguồn gốc sinh học, không sử dụng thuốc có nguồn gốc hóa học; rác thải nhựa sau khi sử dụng được thu gom đảm bảo tiêu chuẩn xanh - sạch - an toàn để bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.

Ông Lư Khoe: “Gia đình tôi vừa khai thác hơn 2 ha rừng keo trồng theo tiêu chuẩn FSC, thu lãi 160 triệu đồng, cao hơn khoảng 30 triệu đồng so với trồng thông thường. Rừng trồng được cấp chứng chỉ sẽ cho sản lượng gỗ cao hơn rừng thường từ 10 - 15%. Giá bán gỗ từ rừng được cấp chứng chỉ cũng tăng từ 15 - 20% nên gia đình rất phấn khởi vì lợi cả đôi đường”.

Khu rừng trồng tại xã Phú Thịnh (Yên Sơn). Ảnh: Cảnh Trực

Khu rừng trồng tại xã Phú Thịnh (Yên Sơn). Ảnh: Cảnh Trực

Anh Trần Văn Khiết, đại diện chủ rừng tại thôn Đa Năng, xã Tú Thịnh cho biết, thôn Đa Năng có hơn 189 ha rừng sản xuất được cấp chứng chỉ FSC được chia làm 3 nhóm hộ, trung bình mỗi nhóm từ 30 - 40 hộ có rừng liền kề, nhóm trưởng (chủ rừng) chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật từ trồng, chăm sóc đến khai thác rừng cho các thành viên trong nhóm, giám sát việc thực hiện các nguyên tắc theo chứng chỉ FSC như việc khai thác rừng, nhóm khai thác phải được trang bị đầy đủ bảo hộ được cấp để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình khai thác.

Chỉ tay về những cánh rừng keo xanh ngát phía sau nhà ông Ma Công Chu, thôn Trung Sơn, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) chia sẻ, hơn 29,6 ha rừng keo của gia đình đã được cấp chứng chỉ FSC. Năm 2018, qua tuyên truyền, vận động của Ban đại diện Cấp chứng chỉ rừng FSC xã Tân Mỹ, gia đình đã tham gia ngay. Ông Chu cho biết, đầu năm 2020, gia đình bán 3,7 ha rừng keo FSC thu lãi hơn 200 triệu đồng. Hiện gia đình đang làm thủ tục để Công ty cổ phần Woodsland hỗ trợ thêm cho gia đình 80.000 đồng/m3.

Đồng chí Ma Phúc Khứu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa cho biết, chứng chỉ FSC có vai trò quan trọng trong quản lý, bảo vệ rừng và nâng cao giá trị sản phẩm gỗ. Khi quản lý rừng theo FSC, trình độ của người quản lý và các bên liên quan thực hiện sản xuất lâm nghiệp được nâng cao, trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với người trồng rừng cũng được nâng lên. Vì vậy, huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, các xã và chủ rừng tập trung nghiên cứu, lập kế hoạch triển khai quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC cho các diện tích rừng trên địa bàn. Hiện nay, rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC của các hộ dân trên địa bàn xã phát triển nhanh, rừng keo 5 năm tuổi phát triển tương đương với rừng keo 7 năm tuổi được trồng theo cách thông thường, sản lượng gỗ cũng tăng từ 10 -15%. Qua đó, thu nhập của các hộ trồng rừng được nâng cao, đặc biệt là bảo vệ được môi trường. Huyện Chiêm Hóa đã có 6.480,7 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Trong số đó, hơn 5.514 ha rừng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa đã được cấp chứng chỉ FSC từ năm 2016, còn lại 966,7 ha rừng của người dân 2 xã Tân Mỹ và Hùng Mỹ được cấp chứng chỉ FSC vào năm 2018.

Công tác quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC đáp ứng các yêu cầu của thị trường về nguồn gốc, xuất xứ gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản lớn trên địa bàn. Đây là cơ hội lớn để người dân làm giàu từ rừng...

Cao Huy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/nhung-canh-rung-fsc-140468.html