Những bước chạy đà quý 1-2024

Ngày 30-1, Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM trực thuộc UBND TP ra mắt. Đây được xem là động thái hoàn thiện bộ máy và tổ chức vận hành một cách chuyên nghiệp cho mục tiêu chuyển đổi số. Cùng với hoạt động nổi trội và hiệu quả của thương mại điện tử trên nền tảng mạng xã hội gần đây, đỉnh điểm là mùa mua sắm tết, chuyển đổi số đã thật sự từng bước gắn với kinh tế số - tiêu dùng số - xã hội số và đây sẽ là một trong những hướng đi chủ đạo của TPHCM năm 2024.

Nếu chuyển đổi số là bước đi nhanh thì chuyển đổi xanh, với tính chất và mục tiêu phát triển bền vững, lại đang được chuẩn bị vừa quyết liệt vừa mang tính căn cơ, cụ thể qua “đơn hàng 2 trong 1” trên địa bàn Cần Giờ, đảm bảo phát triển theo hướng tăng trưởng xanh đi cùng khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên tín dụng carbon từ huyện đảo này. Rõ ràng, hoạt động của 2 nền tảng “số” và “xanh” sẽ mang lại những chuyển đổi thực cho tăng trưởng thành phố năm 2024 trong bối cảnh sức phục hồi kinh tế cả nước còn yếu và chậm.

Vẫn bám sát 3 trụ cột của động lực tăng trưởng nhưng ở bình diện quốc gia lẫn thành phố, tốc độ giải ngân đầu tư công và tác động từ nó trong năm nay vẫn chậm. Ở lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, cơ hội “sáng cửa” không nhiều khi phụ thuộc vào sự phục hồi thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc cũng như ảnh hưởng không nhỏ lên các nhóm doanh nghiệp FDI lớn bởi 3 biểu thuế: thuế của Mỹ và EU về chống lẫn tránh xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc, EU đánh thuế carbon và thuế tối thiểu toàn cầu. Chưa kể các “điểm nghẽn” về nợ xấu ngân hàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp vẫn lơ lửng.

Thực tế toàn cảnh nói trên đã được lãnh đạo thành phố nhận diện từ sớm và có giải pháp hành động kích thích tổng cầu từ quý cuối năm 2023 để tạo lực “gối đầu” cho quý 1 và duy trì mức tăng trong 2 quý đầu năm 2024. Thành phố xác định việc duy trì nền kinh tế ở trạng thái tiêu dùng trong lúc này là rất quan trọng. Khi lãi suất thấp, đầu tư hạn hẹp thì hành vi trong nền kinh tế sẽ thiên về tiêu dùng, do đó cần lái tiêu dùng vào các sản phẩm nội địa, hàng Việt chất lượng, nhất là trên nền tảng thương mại điện tử mà thành phố đang có nhiều ưu thế.

Tất nhiên, đầu tư công luôn là giải pháp tất yếu cho cả việc tháo nghẽn vật lý - thông qua đầu tư, phát triển hạ tầng, giao thông đô thị; tháo nghẽn chính sách - bằng việc phối hợp đầu tư công tư. Tuy nhiên, cần giải ngay bài toán về vốn, trong đó các phương án vốn trình sắp tới nên có cấu phần hiệu ứng vốn và “phép tính” của Ngân hàng Nhà nước tại TPHCM. Vì quy mô vốn rất lớn, trong thời gian ngắn, ngân hàng nào sẽ được tham gia giải ngân, nếu giải quyết không ổn có thể “khủng hoảng” vốn ở những hình thức khác.

Thành phố cũng có thể xem xét chuẩn bị một số kịch bản quản trị rủi ro trước tình hình bất định của kinh tế toàn cầu, dòng nợ xấu và tới kỳ hạn của lô trái phiếu “khủng”. Chỉ tính riêng việc để duy trì được lãi suất thấp như hiện nay, sẽ kéo được tới bao giờ; hay các gói hỗ trợ thuế sẽ qua hết được quý 2? Trong trường hợp bất khả thi, ứng phó cho nguồn vốn và các dòng tiền trên thị trường sẽ phải được tính toán như thế nào.

Vì vậy, 2024 sẽ tiếp tục là năm của khơi thông sức mạnh nội lực, thúc đẩy tiêu dùng nội địa nhưng trên nền tảng chuyển đổi mô hình tăng trưởng - tức đi sâu, tạo lan tỏa rộng với sàn thương mại điện tử và những “biến thể” của nó phù hợp với nhu cầu của xu hướng xanh và số. Đây là ưu thế của thành phố, nên tận dụng thời điểm, đẩy mạnh xu hướng tiêu dùng trên nền tảng công nghệ, gia tăng chất lượng hàng hóa, hoàn thiện chuỗi kho bãi, bảo quản, phân phối, giao nhận để tạo sức cạnh tranh, hướng tới một “nền kinh tế livestream” ở thành phố.

Vấn đề sau cùng và cũng là mục tiêu có ý nghĩa bền vững nhất chính là những “đòn bẩy” kinh tế, các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thương mại dịch vụ… đều hướng tới việc “trích lập” một nguồn dự phòng cho chính sách an sinh xã hội của thành phố, trước khi và trong khi đi tới mục đích an dân - vì dân.

NGUYỄN QUÂN CÁT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-buoc-chay-da-quy-1-2024-post725220.html