Những bước chân thầm lặng vì sự bình yên

Trong quá trình tác nghiệp, nhóm PV nội chính của báo Pháp Luật TP.HCM chứng kiến nhiều câu chuyện giản dị của chiến sĩ công an bên lề các sự kiện. Những chuyện ấy khiến chúng tôi xúc động, ấm lòng…

(Xin chia sẻ những này với danh nghĩa đại diện là “tôi”). Sau khi gửi tuyến bài về những tấm gương chiến sĩ Công an nhân dân cho tòa soạn, tôi nhận được phản hồi: Một số bài không đầy đủ thông tin do không có hoặc có nhưng rất hạn chế phần trả lời phỏng vấn nhân vật được nêu gương. Tôi phải giải thích: Những nhân vật này khi được hỏi đều không biết trả lời báo chí nên đành chịu vậy.

Đó là trường hợp Trung tá Đỗ Bách Tùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH số 1, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng. Khi vụ sạt lở xảy ra vào lúc 2 giờ 30 sáng 29-6 ở hẻm 36 đường Hoàng Hoa Thám, TP Đà Lạt khiến nhiều người thương vong, Đỗ Bách Tùng đang nghỉ phép. Nhận được tin, anh lập tức đến hiện trường bờ kè taluy đúc bằng bê tông của một công trình xây dựng bị sạt trượt khiến đất đá đổ xuống trong khi nhiều người đang ngủ say. Anh cùng đồng đội vừa động viên các nạn nhân đang kêu cứu vừa hối hả đào bới, đưa được ba người ra ngoài.

Trước đó, Đỗ Bách Tùng và đồng đội đã cứu được 41 người bị kẹt tại khu vực sản xuất rau, hoa vào rạng sáng 8-8-2019 khi một cơn lũ đột ngột tràn về cuốn trôi cầu bê tông qua suối Đạ Nghịt, tỉnh Lâm Đồng bằng cách dùng dây đưa từng người vượt dòng nước dữ.

Khi được hỏi về những kỷ niệm ấy, Đỗ Bách Tùng chỉ trả lời ngắn gọn đến mức khó đưa được nội dung lên báo...

Cũng trong sự cố sạt bờ kè taluy ở TP Đà Lạt đó, tôi chờ thông tin từ một lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng. Khi công việc gần hoàn tất, anh gọi cho tôi một cuộc vội vàng, không kể có mặt tại hiện trường khi nào, lực lượng cứu hộ phải triển khai ra sao, chỉ bày tỏ: “Thương cho nạn nhân và anh em cứu hộ quá!”. Đây không phải thông tin báo chí như mong đợi mà chỉ là chút trải lòng của người chiến sĩ.

Ngay sau vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc xảy ra khoảng 10 phút, anh đã có mặt tại hiện trường. Các chiến sĩ đi cùng không ai bảo ai đều làm theo người chỉ huy này, hối hả tìm đồng đội đang bị vùi trong đất đá. Đứng ở góc khuất, tôi nhìn thấy mỗi lần nhận được tín hiệu phát hiện thi thể, anh lại thất thần lao tới, có khi vấp ngã dúi dụi.

Công việc của Thiếu tá Cao Minh Tân, cán bộ nhà tạm giữ Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện Châu Thành, Tây Ninh, có lẽ còn trầm lặng hơn thế. Từ khi được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2013, nhà tạm giữ luôn có trên 100 can phạm nhưng chưa từng để xảy ra các trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam thông cung, chết không do bệnh lý, đánh nhau, trốn trại, tự sát, “đại bàng” hoành hành.

Để làm được điều đó, Cao Minh Tân và các quản giáo phải thường xuyên kiểm tra cơ sở pháp lý, nắm bắt tiền án, tiền sự, nhân thân, triệu chứng về , tâm lý để bố trí giam giữ phù hợp. Điều này góp phần đảm bảo việc giam giữ an toàn, tôn trọng quyền con người của can phạm.

Chừng ấy phần nào nói lên công việc âm thầm của những cán bộ nơi đây. Thế mà, khi được hỏi, Cao Minh Tân không chia sẻ được một câu đầy đủ, đúng với trạng thái “làm được mà nói khó quá”.

Họ, những bước chân lặng lẽ trong nhịp sống bận rộn. Đâu đó vẫn còn những phức tạp, trái ngang, oan sai nhưng những bước chân lặng lẽ ấy vẫn từng giây không chỉ bảo vệ pháp luật, bảo đảm sự bình yên cho nhân dân, mà còn gìn giữ lương tri, niềm tin vào lẽ phải, vào tinh thần cống hiến, sẻ chia trong cuộc đời này.

PHẠM CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-buoc-chan-tham-lang-vi-su-binh-yen-post747491.html