Những bước chân không mỏi

Có một nghề mà vất vả nhọc nhằn luôn theo cùng năm tháng, ẩn sâu trong những hy sinh thầm lặng, đó là nghề dạy học ở vùng cao. Dù nắng hay mưa, trời đông giá rét, gác lại những bộn bề lo toan cuộc sống, những thầy, cô giáo vùng cao vẫn miệt mài vượt núi, băng rừng, quyết bám trường, bám lớp, yêu thương học trò như những đứa con của mình.

Phóng sự của Phương Thảo

Niềm vui đến trường của cô và trò phân trường Đán Mẩy, xã Nam Mẫu (Ba Bể)

Nam Mẫu nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể, nơi được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp, với khu du lịch nổi tiếng hồ Ba Bể. Thế nhưng, Nam Mẫu cũng là một trong những xã có nhiều thôn vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Ba Bể. Nếu như Pác Ngòi, Cốc Tộc, Bó Lù là những thôn vùng thấp của xã, thì Bản Cám, Đán Mẩy, Nà Nghè, Khau Qua, Nặm Dài là những thôn vùng cao hội đủ tất cả khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội, trong đó có giáo dục đào tạo. Sự học của những đứa trẻ vùng cao nơi đây gập ghềnh như chính con đường lên các thôn bản này vậy. Nơi đó lặng lẽ có những thầy cô giáo sớm tối không quản ngại khó khăn cùng học trò say sưa bên trang sách.

Đường đến các thôn vùng cao của Nam Mẫu bao năm vẫn gian nan, vất vả. Để đến các thôn này, phương tiện duy nhất chỉ là xe máy, nếu gặp những hôm trời mưa thì chỉ có cách đi bộ. Những con đường nhỏ đến điểm trường đôi khi chỉ vừa bánh xe, men theo bờ ruộng, nhiều khi cheo leo trên vách núi, vực sâu, dốc cao. Cảm giác thật ái ngại cho những người lần đầu đến với nơi đây.

Con đường tới phân trường của các thầy cô giáo ở phân trường Đán Mẩy, Nà Nghè, Khau Qua, xã Nam Mẫu (Ba Bể)

6h sáng mùa đông ở đây trời còn nhá nhem chưa nhìn rõ mặt người, sương rơi lạnh buốt, tạm biệt cô con gái nhỏ mới tròn 3 tuổi khi còn đang say giấc, cô giáo Nguyễn Thị Thùy khoác thêm áo mưa, đi ủng, đeo ba lô, dắt xe ra cửa bắt đầu một hành trình lên bản với học trò. Là giáo viên dạy môn Tiếng Anh của Trường Tiểu học và THCS Nam Mẫu, năm học này thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh lớp 3 ở đây bắt buộc phải học môn Tiếng Anh, nên cô Thùy được nhà trường cử lên dạy học ở Điểm trường Đán Mẩy, Khau Qua. Cả Trường Tiểu học và THCS Nam Mẫu chỉ có mình cô Thùy đảm nhiệm giảng dạy môn Tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 9. Vậy là cô phải sắp xếp làm sao bảo đảm 27 tiết dạy trong tuần cho tất cả các lớp, trong đó dành một ngày thứ Ba để lên điểm trường lẻ. Ngoài ra cô Thùy còn thực hiện nhiệm vụ trực bán trú 1 buổi/tuần ở trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Thùy đến với các học trò ở phân trường Đán Mẩy và Khau Qua dạy môn Tiếng Anh cho học sinh lớp 3 thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới

Cô Thùy tâm sự: Nhà tôi ở xã Nam Cường (Chợ Đồn), nhưng dạy ở Nam Mẫu. Hằng ngày, nếu đến trường chính chỉ khoảng 5-6km, nhưng lên điểm trường thì xa hơn 35km. Buổi sáng tôi xuất phát từ xã Nam Cường phải vòng qua xã Xuân Lạc, giáp với xã Đà Vị của tỉnh Tuyên Quang rồi mới đến điểm trường. Vì phụ trách dạy môn Tiếng Anh ở 2 điểm trường cùng cung đường, nên buổi sáng tôi dạy ở Điểm trường Đán Mẩy. Sau 4 tiết dạy, hơn 11h, tôi chia tay học sinh ở đây rồi tất bật phóng xe máy 8km qua những đoạn dốc đá dựng đứng sang Điểm trường Khau Qua. Hơn 12h trưa mới đến Khau Qua. Vội vã ăn tạm bát cơm do các đồng nghiệp phần cho, nghỉ ngơi một lúc là đã đến giờ vào lớp. Khi trời tắt nắng lại vội vàng quay về nhà, đến tối tôi chuẩn bị giáo án cho ngày hôm sau ở trường chính. Quãng đường cả đi lẫn về khoảng 70km. Nếu ở lại điểm trường thì không có ai dạy học sinh ở trường chính tiết học ngày mai.

Thương học trò nghèo, bữa ăn thiếu thốn, các thầy cô ở phân trường lại san sẻ phần thức ăn bữa trưa của mình cho học trò

Là một giáo viên trẻ, năng lực chuyên môn tốt, luôn đạt giáo viên dạy giỏi các cấp, những năm gần đây, cô Thùy đều có học sinh đạt giải trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Tiếng Anh, có nhiều đóng góp trong công tác Đoàn. Năm học 2020-2021, cô được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý giảng dạy và học tập” và Bằng khen của Tỉnh đoàn tuyên dương Nhà giáo trẻ tiêu biểu tỉnh Bắc Kạn năm 2021.

Giảng dạy ở một ngôi trường nằm ngay giữa khu du lịch, có nhiều du khách nước ngoài, cô Thùy và học sinh ở trường đã biết khai thác lợi thế để học tập tốt môn Tiếng Anh. Học sinh ở trường chính, có nhiều cha mẹ làm nhà nghỉ, homestay nên cô Thùy hướng dẫn các em tăng cường giao tiếp với người nước ngoài. Trên lớp, cô cũng tận dụng tối đa thời gian để giao tiếp với học sinh bằng Tiếng Anh. Vì vậy, trình độ học Tiếng Anh của học sinh ở đây khá tốt. Mặc dù có cơ hội để làm việc ở những môi trường điều kiện tốt hơn, nhưng với Thùy, những ánh mắt thơ ngây, tâm hồn trong trẻo của học sinh khao khát được học tập nơi đây như sợi dây vô hình níu giữ chân mình không muốn rời xa, nguyện sẽ gắn bó dài lâu.

Cũng hoàn cảnh con nhỏ, chồng công tác xa nhà, cô giáo Nông Thị Bắc, giáo viên ở Điểm trường Khau Qua đã hơn 01 năm gắn bó với điểm trường này. Nhà cô ở ngay trung tâm xã Nam Mẫu. Cô chia sẻ: Lần đầu tiên có quyết định đi điểm trường, hôm đó trời mưa mất nửa buổi mới lên đến nơi, mệt lả, vừa run vừa sợ, tôi đã khóc rưng rức bởi đường tới đây quá khó khăn. Đoạn qua bờ ruộng trơn tuột, muốn đi qua chỉ có cách xuống dắt xe, nhờ người đằng sau đẩy hộ. Bùn bám khắp nơi, lại phải xuống suối rửa bớt mới đi tiếp được. Có chỗ gồ lên như “sống dao”, chệch bánh xe, không ghì nổi tay lái, cả người và xe đổ kềnh, chỉ gang tấc là rơi xuống vực. Mãi cũng quen, ngày hai lượt đi lại, tôi đã thuộc từng con dốc, chỗ hiểm nguy mà tránh, hay gốc cây, tảng đá ở cung đường này.

Bắc khôi hài: “Nếu có ngã thì nặng lắm chỉ gãy chân tay thôi chị ạ, chứ không nặng nếu như đâm nhau ở ngoài đường lớn đâu”.

Chồng cô Bắc cũng là giáo viên, công tác tại huyện Pác Nặm, xa nhà cuối tuần mới về. Việc chăm sóc, đưa đón các con đi học chỉ mình Bắc. Chính vì thế, cô không ở tại điểm trường mà quyết định đi về trong ngày, cả đi lẫn về một ngày hơn 30km đường rừng. Sáng nào cũng vậy, từ 6h, cô Bắc đèo các con đến lớp cho kịp giờ mẹ lên điểm trường. Mùa đông, bước chân ra khỏi cửa, trời vẫn mù sương, rét run, khổ nhất là các con còn nhỏ, dù đã mặc thêm áo ấm dày đến đâu cũng không đỡ nổi cái lạnh giá buổi sáng sớm ở vùng núi cao này. Khi mẹ đến điểm trường, con trai lớn của Bắc, năm nay học lớp 6 luôn bày trò, chơi với em ở sân trường cho khi đến giờ vào lớp, anh đưa em vào với các cô giáo ở lớp mầm non. Chiều tan học đợi mẹ muộn mới đón về nhà. Nhiều lúc con ốm vẫn phải cho con đi học. Bởi nếu con nghỉ, mình nghỉ thì lớp trên đó học sinh lại phải nghỉ, đôi lúc Bắc cảm thấy như có lỗi với các con mình. Bắc tâm sự: “Có nhiều người thấy mình vất vả, khuyên nên nghỉ dạy về làm dịch vụ du lịch (gia đình Bắc có căn nhà sàn ngay gần hồ Ba Bể đang kinh doanh homestay), thu nhập tốt hơn nhiều. Nhưng cô chỉ cười nói rằng: Nghề đứng trên bục giảng đã ở trong tim, gắn bó với mình, trải qua nhiều chặng đường từ ngày đầu tiên bước chân lên huyện vùng cao Pác Nặm giảng dạy ở điểm trường, giờ đây lại về với học sinh ở bản, đó chính là một phần cuộc sống của mình rồi, không thể rời xa cho dù có khó khăn, vất vả đến đâu”.

Con đường tới các phân trường ở đây vào những ngày trời mưa to lầy lội giáo viên và học sinh vất vả cực nhọc vô cùng. Mong ước Nhà nước đầu tư con đường

Điểm trường Đán Mẩy, Khau Qua, Nà Nghè (Nam Mẫu) có khoảng hơn 20 thầy cô giáo “cắm bản”. Trung bình mỗi thầy cô thay nhau đi điểm trường 3 - 4 năm, quay về trường chính rồi lại đi điểm trường. Nhiều người đã có thâm niên cắm bản, như cô giáo Lục Thị Lan, hiện đang giảng dạy ở Điểm trường Khau Qua, với 26 năm trong nghề thì có tới 20 năm bám bản vùng cao. Tuổi thanh xuân của cô Lan gắn với núi rừng nơi đây. Những năm trước đây, khi con đường mòn lên bản Khau Qua chưa đi được xe máy, đi dạy ở trên này chỉ có cách đi bộ. Hằng tuần, cô chuẩn bị thức ăn, đeo ba lô, vượt những con dốc dựng đứng từ thác Đầu Đẳng, luồn qua những tán rừng già rậm rạp đầy hiểm nguy và phải đi nửa ngày đường mới đến được điểm trường. Cuối tuần mới trở về sum họp với gia đình. Cứ như thế, cái nghề dạy chữ đã ăn sâu vào máu thịt của cô, nhiều thế hệ học sinh vùng cao đã lớn lên, có em đã trưởng thành là niềm vui khiến cô càng thêm gắn bó, yêu nghề hơn.

Thầy giáo Vy Mạnh Hùng, phụ trách Điểm trường Đán Mẩy đã được 3 năm, ở đây còn có 7 thầy cô giáo khác. “Cuộc sống xa nhà, phải hy sinh, nhường sự gánh vác gia đình cho vợ con, nhưng bù lại có được những tình cảm đặc biệt của đồng bào vùng cao như động lực thôi thúc chúng tôi phải làm điều gì đó cho con trẻ nơi đây. Thầy cô giáo vất vả 1, thì học sinh vất vả 10. Hằng ngày, đa số các em phải đi bộ mấy cây số trong cảnh cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm tới trường. Có những em học lớp 3 đi học còn dắt theo em nhỏ vì bố mẹ lên nương rẫy không ai trông. Nhiều khi thầy cô san sẻ bớt chút thức ăn bữa trưa thêm cho các em đỡ khổ bởi có em chỉ có cơm nguội mang theo. Nhìn những ánh mắt ngây thơ, khát khao được đến trường, vui cùng trang sách khiến chúng tôi day dứt, nặng lòng. Chỉ mong các em học hết tiểu học, tiếp tục học lên nữa, có kiến thức để tự tin kiếm một cái nghề, có thu nhập để thoát cảnh nghèo”, thầy giáo Hùng giãi bày.

Dù điều kiện khó khăn vất vả đến đâu thì các thầy cô giáo vẫn bám lớp, bám trường mang đến niềm vui, kiến thức cho học trò vùng cao

Chiều thứ Sáu, học sinh được nghỉ, các thầy cô ở điểm trường lại sửa soạn đồ đạc, rời bản cùng nhau trở về với mái ấm gia đình, nơi có những người thân yêu đang chờ đón. Tiếng cười nói của các thầy cô hòa lẫn tiếng động cơ xe máy vang vọng giữa núi rừng. Các thầy, cô giáo lạc quan quên hết nhọc nhằn, vất vả với tâm huyết “gieo chữ” trên vùng đất khó. Những con người tận tâm, cống hiến hy sinh hết mình cho giáo dục vùng cao như thế thật đáng trân trọng và tôn vinh./.

Phương Thảo

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202211/nhung-buoc-chan-khong-moi-157261f/