Những bóng hồng trên trường quay

Lực lượng nữ đạo diễn đã và đang góp phần mang đến những góc nhìn, tiếng nói riêng trong phim Việt

Với những đặc thù của nghề, một nữ đạo diễn phải đối mặt không ít khó khăn, thử thách. Dù hiện tại, những định kiến đã giảm bớt nhưng những bóng hồng trên trường quay vẫn cần nhiều sự ủng hộ, hỗ trợ để khai phá hết tiềm năng vốn có của nữ giới trong nghề đạo diễn.

Nhiều khó khăn, thử thách

Trong lĩnh vực điện ảnh, khán giả Việt đã từng thưởng thức các tác phẩm của nữ đạo diễn Ngô Thanh Vân qua phim "Thanh Sói: Cúc dại trong đêm"; Luk Vân với các phim: "4 năm 2 chàng 1 tình yêu", "Nhân duyên: Người yêu tiền kiếp", "Khi ta hai lăm"; Kay Nguyễn với các phim: "Cô Ba Sài Gòn" - đồng đạo diễn với Trần Bửu Lộc, "Sắc đẹp dối trá"; Hằng Trịnh với phim "Mười: Lời nguyền trở lại"; Nguyễn Hoàng Điệp với phim: "Đập cánh giữa không trung"; NSND Nhuệ Giang với các phim: "Bỏ trốn", "Thung lũng hoang vắng", "Tâm hồn mẹ", "Lạc lối"; Mai Thu Huyền với phim "Kiều"; Hồng Ánh với phim "Đảo của dân ngụ cư"; Đinh Hà Uyên Thư với phim "Bẫy ngọt ngào"; Kathy Uyên với phim "Chị chị em em"…

Những nữ đạo diễn trên trường quay phim truyền hình, phim tài liệu có những cái tên như: Đặng Thái Huyền, Võ Thạch Thảo, Nguyễn Hoàng Anh, Nguyễn Thị Thắm, Hà Lệ Diễm, Lan Nguyên… Họ đều có những tác phẩm tạo ấn tượng trong lòng khán giả. Phim do các nữ đạo diễn Việt thực hiện đa dạng về thể loại từ kinh dị, giật gân cho đến hành động, tình cảm xã hội, lãng mạn. Các đề tài cũng không bó hẹp mà đi từ tình cảm gia đình, tình yêu đến tình bạn, tình người. Dưới góc nhìn của các nữ đạo diễn, tác phẩm không chỉ thể hiện nữ tính mềm mại, uyển chuyển mà còn có những góc cạnh, mạnh mẽ và quyết liệt.

"Về mặt ý tưởng, sự sáng tạo hay cảm hứng câu chuyện muốn kể của nữ đạo diễn đều không khác so với nam đạo diễn. Tôi nghĩ không có sự khó khăn, thử thách nào về mặt năng lực sáng tạo. Nữ đạo diễn cũng có thể làm phim hành động như Ngô Thanh Vân thực hiện phim "Thanh Sói: Cúc dại trong đêm". Tuy nhiên, về thể chất, mối quan hệ trong ê-kíp đông nam giới thì nữ đạo diễn có phần hạn chế hơn, khó có thể lăn xả trường quay như nam giới. Những kiến thức kỹ thuật nam giới cũng lợi thế hơn nên việc này ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định chọn dự án của các nữ đạo diễn, ngại những phim đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật cao" - đạo diễn, nhà sản xuất Hằng Trịnh nhận định.

Đạo diễn Hằng Trịnh cũng cho rằng nữ đạo diễn sức khỏe thể chất yếu hơn nam giới cùng các lo toan về gia đình, con cái… cũng ảnh hưởng đến quyết định chọn tác phẩm tiếp theo để thực hiện. Do đó, nhiều nữ đạo diễn Việt thường khá lâu sau một phim mới thực hiện dự án tiếp theo, khác với nam đạo diễn mỗi năm đều có thể có sản phẩm ra mắt khán giả.

Nữ đạo diễn, biên kịch Kay Nguyễn cho rằng vấn đề định kiến về giới vẫn còn nên giữa nam đạo diễn và nữ đạo diễn thì nhà đầu tư tin tưởng nhiều hơn vào nam đạo diễn. Hiện nay, một phim điện ảnh Việt cần kinh phí đầu tư từ 20 đến 30 tỉ đồng, quản lý ê-kíp hơn 100 người và đôi lúc nhiều hơn, thời gian chuẩn bị và thực hiện, ra mắt thành phẩm có thể kéo dài từ 1 năm đến 3 năm, chưa tính các yếu tố rủi ro khác như không đạt doanh thu dự kiến. Tất cả những yếu tố này khiến cho nữ đạo diễn không là lựa chọn hàng đầu của nhiều nhà đầu tư.

Nữ đạo diễn, biên kịch Kay Nguyễn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Kỳ vọng phát triển

Nữ đạo diễn Võ Thạch Thảo cho biết ngoài thời gian làm phim kéo dài sẽ khiến sức khỏe bị ảnh hưởng thì việc cân bằng được cuộc sống và công việc trên trường quay cũng là một thách thức. Nếu như nam đạo diễn có thể rời nhà thời gian dài để toàn tâm toàn ý lo cho phim thì nữ đạo diễn đã có gia đình riêng sẽ thêm một nỗi lo về các con.

Sự phân chia vai trò trong gia đình Việt tuy đã có nhiều thay đổi theo hướng giải phóng phụ nữ, phụ nữ tự do ra ngoài làm việc, nam giới chia sẻ gánh nặng việc nhà, chăm lo cho con. Nhưng những định kiến, nếp nghĩ về giới đã ăn sâu bao lâu nay khó có thể thay đổi hoàn toàn. Vì thế, số lượng nữ đạo diễn, số tác phẩm mới từ nữ đạo diễn không nhiều.

Nữ đạo diễn Võ Thạch Thảo (đeo kính) trên trường quay. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tuy nhiên, những người trong cuộc cho rằng nữ đạo diễn còn có rất nhiều tiềm năng, nếu khai thác tốt sẽ tạo được những dấu ấn cho điện ảnh Việt.

"Để nữ đạo diễn Việt phát triển, tôi nghĩ cần nhiều sự động viên, những chương trình hỗ trợ cho nữ đạo diễn. Những cuộc giao lưu để giúp cho các bạn nữ trẻ yêu thích phim, mê nghề đạo diễn có thêm sự hiểu biết về nghề, củng cố niềm tin theo nghề" - đạo diễn, nhà sản xuất Hằng Trịnh góp ý.

Đạo diễn, biên kịch Kay Nguyễn cho rằng có 2 giải pháp. Một là sự can thiệp từ phía cơ quan quản lý để hỗ trợ cho nữ đạo diễn. Giải pháp thứ hai là để cho thị trường tự điều chỉnh, mọi thứ phát triển bình đẳng theo tự nhiên như cách nhiều nước trên thế giới đã làm trong thời gian qua. Kết quả bước đầu là rất tích cực như nữ đạo diễn người Tây Ban Nha Carla Simón đã đoạt giải Gấu Vàng cho "phim hay nhất" tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin lần thứ 72-2022; nữ đạo diễn người Pháp gốc Lebanon là Audrey Diwan giành giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice 2021; nữ đạo diễn người Pháp Julia Ducournau giành chiến thắng tại Liên hoan phim Cannes 2021…

"Tôi nghĩ nghề nữ đạo diễn chắc chắn phát triển vì tiếng nói của nữ giới đang được lắng nghe. Để sẵn sàng mang tiếng nói của bạn ra với công chúng, chúng ta cần chuẩn bị hành trang cho bản thân trước. Kiến thức, trải nghiệm, sức khỏe, sự cân bằng trong cuộc sống là những yếu tố then chốt khi bạn bước vào hành trình này!" - đạo diễn Võ Thạch Thảo bày tỏ.

Cùng sự phát triển của phim Việt, người hâm mộ điện ảnh Việt cũng kỳ vọng các nữ đạo diễn sẽ ngày càng phát triển cùng những tác phẩm ấn tượng, chinh phục khán giả trong nước và tiến ra với toàn cầu.

Theo các nhà chuyên môn, thế hệ nữ đạo diễn Việt sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới và cách nhìn, cách khai thác, kể câu chuyện của nữ giới sẽ góp phần tạo nên sự đa dạng, cân bằng cho thị trường phim.

MINH KHUÊ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhung-bong-hong-tren-truong-quay-196240308215510493.htm