Những bóng hồng mang con chữ về vùng biên

Huyện Đức Huệ, tỉnh Long An hiện có 5 xã biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia. So với các xã nội địa của huyện thì vùng biên giới còn nhiều khó khăn, phần nào ảnh hưởng đến hành trình tìm con chữ của học sinh. Đó cũng là lý do mà nhiều giáo viên (GV) trẻ, tâm huyết, sẵn sàng nhận nhiệm vụ về vùng biên để 'trồng người'.

1. Trường Tiểu học Mỹ Quý Đông, phân hiệu ấp 5 là ngôi trường nhỏ, nằm trong xóm với 5 phòng học gồm 4 lớp, có 51 học sinh (HS). Là 1 trong 4 GV nhận nhiệm vụ về giảng dạy tại trường, cô Huỳnh Thị Cẩm Nhung (36 tuổi) trở nên gần gũi, thân thương với các em nhỏ và phụ huynh HS bởi sự chân thành và trách nhiệm của một nhà giáo.

Cô Huỳnh Thị Cẩm Nhung ân cần rèn từng nét chữ cho học sinh

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp đại học, cô Nhung được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Lê Văn Cảng (xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa). Tuy nhiên, với mong muốn được phục vụ quê hương, năm 2012, cô Nhung xin chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Mỹ Quý Đông (huyện Đức Huệ) - ngôi trường nhỏ nằm ở khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Ngày đầu tiên đến trường, cô Nhung hơi ngỡ ngàng và chạnh lòng bởi cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn, đường sá đi lại sình lầy và đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Chính những ánh mắt và nụ cười ngây thơ, những nét chữ nguệch ngoạc, những giọng đọc ngọng nghịu của học trò đã níu chân cô Nhung gắn bó với ngôi trường này hơn 11 năm.

Cô Nhung chia sẻ: “Khi về dạy ở đây, tôi thấy các em còn nhiều thiếu thốn. Vì vậy, tôi làm tất cả những điều tốt nhất để có thể bù đắp phần nào những thiếu thốn cho các em. Điều xúc động nhất là tôi nhận được những tình cảm yêu thương từ quý phụ huynh HS. Đó có thể là trái ổi, bó rau, cái bánh nhà làm đem tặng tôi nhưng rất đỗi ấm tình,... Những tình cảm ấy tiếp thêm sức mạnh để tôi có niềm tin và động lực gắn bó với vùng biên giới”.

Trong giảng dạy, cô Nhung tích cực nghiên cứu và áp dụng đổi mới phương pháp một cách hiệu quả để tạo sự sinh động, thu hút HS. Cô xây dựng đôi bạn cùng tiến ngồi cùng bàn để dễ dàng giúp đỡ nhau trong học tập. Cô dành 15 phút giờ ra chơi hoặc thời gian cuối buổi học để luyện đọc, luyện viết và tính toán cho các em có học lực kém. Trong mỗi tiết dạy, cô kết hợp sử dụng giáo án điện tử, nhiều tranh ảnh, video sinh động, cùng các em vận động theo nhạc hoặc trò chơi để tạo sự hứng thú học tập.

Năm học 2022-2023, cô Nhung đoạt giải Nhì tại Hội thi GV chủ nhiệm giỏi cấp tiểu học cấp tỉnh; được tuyên dương điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023 cùng nhiều giấy khen, danh hiệu Chiến sĩ thi đua trong suốt thời gian công tác. Thế nhưng, với cô Nhung, nguồn động viên, cổ vũ lớn nhất chính là thành tích, sự nỗ lực học tập của các em và tình yêu thương của phụ huynh nơi biên giới dành cho GV. “Tôi luôn tin rằng hạnh phúc của cuộc đời bắt đầu bằng tình yêu. Hạnh phúc là được đem yêu thương và đón nhận yêu thương. Hãy yêu thương HS như chính con của mình, chăm lo dạy dỗ các em bằng cả trái tim nghề giáo” - cô Nhung trải lòng.

2. Với đề tài giúp trẻ 4-5 tuổi hứng thú tham gia hoạt động âm nhạc, cô Phạm Thị Ngọc Loan (29 tuổi) - GV Trường Mầm non Ánh Dương (xã biên giới Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ), xuất sắc đoạt giải nhất Hội thi GV dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2022-2023. Đây không chỉ là niềm vui mà còn là động lực để cô Loan làm tốt hơn nữa vai trò “cô giáo như mẹ hiền”.

Cô Phạm Thị Ngọc Loan - người mẹ hiền thứ 2 của trẻ mầm non

10 năm đảm nhận dạy khối lớp chồi và lớp lá, cô Loan được các bé yêu mến, thân thương gọi bằng mẹ Loan. Dạy chữ đã khó, dạy trẻ ở lứa tuổi mầm non còn khó hơn. Bởi các em như tờ giấy trắng tinh khôi, chỉ biết vui chơi và làm theo ý thích của mình. Thế nhưng, bằng niềm đam mê, sự nhiệt huyết với nghề và tình yêu thương đối với HS, cô Loan nỗ lực rèn luyện, tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức và tích lũy kinh nghiệm để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Theo cô Loan, để trẻ biết nghe lời thì GV phải lắng nghe, chia sẻ để trẻ tin tưởng và sẵn sàng hợp tác với cô. “Niềm vui của cô giáo mầm non đơn giản là được các bé ôm ấp, hôn lên má, hỏi thăm cô bằng giọng ngọng nghịu,…” - cô Loan cười nói.

Với sáng kiến kinh nghiệm Biện pháp nâng cao chất lượng phát triển ngôn ngữ cho trẻ 4-5 tuổi thông qua hoạt động làm quen với văn học thể loại kể chuyện, năm học 2022-2023, lớp học của cô Loan đã có những chuyển biến tích cực trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Tỷ lệ trẻ nghe hiểu nội dung truyện kể, truyện đọc phù hợp với độ tuổi; trẻ biết kể lại truyện đã được nghe; trẻ biết kể chuyện qua các tranh vẽ và hứng thú tham gia kể chuyện, đóng kịch đều đạt từ 90% trở lên.

Với những kết quả đã đạt, 3 năm liền (2020-2022), cô Loan được xếp loại Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đạt thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2022.

Thành tích đạt được là sự ghi nhận sau những nỗ lực của các cô giáo vùng biên nhưng có lẽ, niềm hạnh phúc nhất với các cô chính là tình yêu thương, sự tiến bộ của những học trò nhỏ./.

Như Huỳnh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-bong-hong-mang-con-chu-ve-vung-bien-a166636.html