Những "bông hoa" của đất

TP Hồ Chí Minh, địa phương được xem là nơi sầm uất nhất cả nước nhưng nhiều bạn trẻ đã chọn gắn bó với đồng ruộng. Yêu đất, đổ mồ hôi công sức cho đồng ruộng và nhiều bạn trẻ được đất dâng tặng quả ngọt. Những "bông hoa" của đất ấy là những thanh niên nông thôn làm kinh tế hiệu quả.

Vườn nấm của chị Huỳnh Thị Phương Quỳnh.

TP Hồ Chí Minh, địa phương được xem là nơi sầm uất nhất cả nước nhưng nhiều bạn trẻ đã chọn gắn bó với đồng ruộng. Yêu đất, đổ mồ hôi công sức cho đồng ruộng và nhiều bạn trẻ được đất dâng tặng quả ngọt. Những "bông hoa" của đất ấy là những thanh niên nông thôn làm kinh tế hiệu quả.

Năm 2012, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Phong Lữ (24 tuổi, ngụ xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) chọn cho mình con đường riêng là nông nghiệp với việc nuôi dế công nghiệp. Yêu thích nuôi dế từ nhỏ, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Lữ đã tìm hiểu và cho ra đời một trang trại nhỏ nuôi dế tại gia đình. Tốt nghiệp đại học, Lữ thành lập công ty riêng với hoài bão sẽ mang sản phẩm của mình giới thiệu đến khách hàng. Từ khi thành lập cho đến nay, công ty gặp không ít khó khăn. Nhiều khi ế ẩm vì chưa ai biết đến. "Những lúc như thế thì mình tự nhủ với lòng phải cố gắng để vượt qua, và nhờ sự ủng hộ của gia đình, bạn bè nên mình cũng đã vượt qua những khó khăn ấy. Hiện nay, mỗi ngày công ty cung cấp ra thị trường hơn 10 kg dế với giá khoảng 250 nghìn đồng/1 kg" - Lữ bật mí.

Lợi nhuận từ công việc nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Lê Minh Thạnh (ấp Bình Phước, xã Bình Khánh, huyện Củ Chi) sẽ khiến nhiều bạn trẻ "choáng": hơn 1,2 tỷ đồng. Củ Chi, nơi anh Thạnh sinh sống vốn là vùng nông thôn, kinh tế còn chưa phát triển. Thấy đất canh tác của gia đình còn để trống nhiều, năm 2000, khi xã có phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng, anh Thạnh đã quyết định chuyển toàn bộ 4.500 m2 đất, đào ao và nuôi tôm. Từ đầu năm đến nay, với số tôm giống 550 nghìn con, anh Thạnh áp dụng mô hình công nghiệp, sử dụng bạc tấn ao, máy chạy quạt tạo ô-xi. Không những thế, anh Thạnh còn kêu gọi các bạn thanh niên trong xã làm đường để công việc vận chuyển dễ dàng, mua bán thuận lợi, người dân không còn bị chèn ép về giá cả nữa. Ngoài việc quyên góp tiền xây dựng con đường nông thôn, anh Thạnh còn đóng góp tiền trao học bổng cho các bạn học sinh nghèo, khó khăn.

Dù đã có công việc ổn định, chị Huỳnh Thị Phương Quỳnh (25 tuổi, ngụ xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) vẫn luôn mong mỏi tìm cách thay đổi cuộc sống vốn vất vả của gia đình. Sau đó chị quyết định từ bỏ công việc chuyên môn để về nhà trồng nấm. Được sự ủng hộ của gia đình, và được Đoàn Thanh niên giúp vốn ưu đãi, Quỳnh tập trung đầu tư và mở rộng quy mô trồng nấm Bào ngư hiện có của gia đình. Tuy công việc gặp nhiều khó khăn, nhất là thời gian vận chuyển vào ban đêm đến các chợ đầu mối, song Phương Quỳnh không dừng lại và liên tục mở rộng sản xuất, tăng năng suất nấm. Còn anh Huỳnh Thanh Long (22 tuổi; ngụ xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh) lại tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình bằng nghề nuôi cá kiểng. Năm 2011, với số vốn tự có khoảng 10 triệu đồng, anh Long đã thực hiện nuôi thử nghiệm cá phướn trên diện tích 100 m2. Ban đầu anh nuôi cá bằng các chai nhựa và hồ nhỏ. Nhận thấy việc nuôi như thế khó kiểm soát về cá và việc vệ sinh vật đựng tốn thời gian và khó nên đầu năm 2012, Long đã mạnh dạn thử nghiệm và chuyển sang nuôi bằng hồ kính nhỏ liên thông với nhau. Việc sử dụng hồ kính nhỏ liên thông bảo đảm việc lưu thông nước hạn chế bình cho con cá và tăng thêm mầu sắc của cá, giúp tăng thêm giá bán của mỗi con cá. Diện tích nuôi được mở rộng lên 300 m2. Hằng tháng, Long xuất ra thị trường hơn 2.000 con cá kiểng, mang lại thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm. Hiện tại nguồn cá kiểng anh xuất ra thị trường không đủ lượng cá theo nhu cầu, anh đang tiếp tục mở rộng nuôi cá kiểng để tăng thêm nguồn cá cho thị trường.

Theo anh Phạm Hồng Sơn, Phó Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, những tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi nêu trên đã góp phần ổn định cuộc sống bản thân, gia đình, tạo việc làm cho lao động và đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương, thành phố. Chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, bộ mặt nông thôn ngày càng tốt đẹp hơn. Thời gian tới, Thành đoàn tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, hỗ trợ các bạn trẻ về kiến thức nuôi trồng, chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ cây giống, con giống, nguồn vốn... để làm hành trang giúp thanh niên nông thôn làm kinh tế, giúp ước mơ của các bạn trẻ thành hiện thực.

BẢO HƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/tphcm/tin-chung/item/21627702-nhung-bong-hoa-cua-dat.html