Những bộ phận cơ thể nhất định phải giữ ấm cho trẻ vào mùa đông

Có những bộ phận của bé phải luôn luôn được giữ ấm trong thời tiết lạnh giá.

Các bé sơ sinh được các bà, các mẹ ủ rất kỹ, đặc biệt trong mùa lạnh. Theo Thạc sỹ, bác sỹ Trần Thu Nguyệt, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam Thực tế, điều này rất không tốt cho các bé. Thân nhiệt của trẻ em cao hơn người lớn nên rất dễ đổ mồ hôi ở những vùng được ủ ấm quá mức. Nếu như cha mẹ không kịp thời thay những chiếc quần áo ẩm thì mồ hôi có thể ngấm ngược trở lại gây viêm họng, viêm phổi, thậm chí gây nguy hiểm cho tính mạng các bé. Trong điều kiện khí hậu ở Việt Nam, nóng ẩm mưa nhiều, việc ủ kín bé sẽ khiến làn da của bé bị nhiễm khuẩn.

Có những bộ phận cơ thể bé cần được giữ ấm trong mùa đông. Ảnh: Kidsplaza.

Tuy nhiên, có những bộ phận của bé phải luôn luôn được giữ ấm trong thời tiết lạnh giá. Đầu tiên là cổ và ngực. Trong cổ và ngực có hệ thống hô hấp bao gồm phổi, thanh quản. Thứ hai là phần đầu của trẻ, ở trong nhà, bạn chỉ cần đội cho trẻ một cái mũ thóp nhưng khi ra bên ngoài, cha mẹ cần đội mũ ấm che kín đầu và cổ. Thứ ba là hai bàn chân của trẻ, bởi đây là nơi chứa rất nhiều mạch máu làm cho chân trẻ ấm đi rất nhanh nhưng cũng lạnh đi rất nhanh. Thứ tư là hai bàn tay. Thứ năm là mũi bởi nếu hít phải không khí lạnh, bé sẽ bị viêm mũi, có thể dẫn đến viêm họng, viêm phế quản, viêm thanh quản. Vì vậy, bạn nên đeo cho bé một cái khẩu trang mềm mại khi đi ra ngoài trời lạnh sẽ giúp bảo vệ mũi cho bé. Một bộ phận nữa cần được giữ ấm đó là bụng của trẻ. Khi trẻ bị lạnh bụng, trẻ có thể bị đau bụng, đi ngoài, làm giảm hấp thu dinh dưỡng của trẻ.

Khi trời lạnh, nếu gia đình có điều kiện sẽ bật điều hòa nóng hoặc sử dụng máy sưởi. Nhưng nếu lạm dụng hai thứ này sẽ khiến không khí không được lưu thông, trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi, làm tổn thương đến da và đường hô hấp của trẻ. Nếu bật điều hòa bạn nên để ở mức 28 độ C, nếu sử dụng máy sưởi nên kèm theo một máy làm ẩm không khí, tuyệt đối không đặt gần trẻ.

Ngoài ra, có một số thực phẩm tăng khả năng giữ ấm cho trẻ như các chất bột đường, các chất béo và đạm. Bạn có thể bổ sung thêm nhưng không quá 30% khẩu phần ăn của trẻ. Bạn cũng có thể cho trẻ vận động nhưng cần kiểm tra xem bé có ra mồ hôi hay không để can thiệp kịp thời.

(Ghi theo VOV2)

Hải Sơn

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus24h.vn/me-be/nhung-bo-phan-co-the-nhat-dinh-phai-giu-am-cho-tre-vao-mua-dong-765986.html