Những biến chứng nguy hiểm không ngờ của bệnh viêm xoang lên mắt, mũi, tai và não

Viêm xoang là bệnh phổ biến ở nước ta, có xu hướng ngày một tăng lên. Nếu không được điều trị sớm, bệnh viêm xoang sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm ở tai, mắt và não.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính. Thường phối hợp với viêm mũi, ít gặp viêm xoang đơn độc nên hiện nay thường dùng thuật ngữ viêm mũi xoang.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh viêm xoang có rất nhiều như môi trường ô nhiễm, thời tiết thay đổi, điều kiện ăn ở, nơi làm việc, hóa chất độc hại, khói, bụi…

Hơn 30 năm qua, chị Trần Thủy (ở Nghệ An) phải sống trong tình trạng ngạt mũi, chảy nước mũi, khụt khịt, giọng nói biến dạng vì bệnh viêm xoang 'hoành hành'

Hơn 30 năm sống trong cảnh ngạt mũi, khụt khịt, mất đi giọng nói thánh thót

Nói về căn bệnh viêm xoang mà mình đã chung sống với nó hơn 30 năm nay, chị Trần Thủy (48 tuổi, ở Nghệ An) chia sẻ, chị có dấu hiệu bị viêm mũi xoang khi còn thanh niên.

Mỗi khi thời tiết thay đổi là chị lại bị ngạt mũi và chảy nước mũi làm ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày.

‘Tôi bị chảy mũi liên tục làm người thân, bạn bè luôn nhắc nhở ‘lau, xì mũi đi, lớn rồi mà chảy nước mũi bẩn bẩn như trẻ con’. Điều đó làm tôi rất ngại.

Hơn nữa, việc bị ngạt mũi lâu ngày làm tôi mất đi giọng nói trong trẻo của mình, lúc nào cũng khụt khịt, giọng nghèn nghẹn làm người nghe khó chịu và bản thân tôi thấy rất mệt khi nói’.

Khi đó bố mẹ chị Thủy có đưa chị đi khám tại bệnh viện tỉnh, bác sĩ bảo chị bị lệch vách ngăn ở mũi làm cho lỗ thông xoang bị tắc và dẫn đến viêm xoang.

‘Nhưng điều kiện khó khăn và với suy nghĩ bệnh không gây ảnh hưởng gì nặng, chỉ chảy mũi, ngạt mũi nên tôi không điều trị theo tư vấn của bác sĩ, mà chỉ mua thuốc xịt, rửa. Những lúc ngạt mũi tôi chỉ cần xịt thuốc là có thể thở được.

Mỗi lần tôi mua hàng chục lọ thuốc xịt để dùng dần, nhưng dùng lâu ngày làm tôi bị phụ thuộc vào thuốc, không có thuốc là tôi không thở được, phải há miệng thở rất mệt, gây khô họng và viêm họng.

Tôi tìm nhiều cách ứng phó và sống chung với bệnh hơn 30 năm nay, nhưng thời gian gần đây tôi bắt đầu thấy đau đầu dữ dội, nhất là đau ở xương má, mũi và trán.

Khi có dấu hiệu bốc hỏa ở tuổi tiền mãn kinh thì triệu chứng bệnh càng nặng hơn, mũi nghẹt hẳn không thở được, đau đầu, mệt mỏi không làm được việc gì’.

Do thấy sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên chị Thủy quyết định đi khám lại ở Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương thì được bác sĩ cho biết mũi của chị 1 bên bị lệch vách ngăn, 1 bên bị polyp gây viêm xoang nặng và chỉ định chị phải làm phẫu thuật thì bệnh mới thuyên giảm.

Sau 4 ngày làm phẫu thuật điều trị viêm xoang, chị Thủy thấy các triệu chứng đau nhức, khó chịu giảm đi.

Tuy nhiên, bác sĩ cũng khuyến cáo chị rằng, bệnh của chị là mãn tính, không thể khỏi hẳn được, sau khẫu thuật chị cần chăm sóc, vệ sinh mũi họng sạch sẽ để bệnh ổn định lâu dài, tránh các triệu chứng tái phát.

Vi khuẩn, virus là những yếu tố thường gặp gây ra bệnh viêm xoang

6 nguyên nhân gây bệnh viêm xoang

1.Viêm xoang do vi khuẩn, virus

Đây là nguyên nhân rất hay gặp, đặc biệt là nhiễm khuẩn vùng mũi họng như viêm họng, viêm amidan, viêm V.A, viêm mũi.

Bên cạnh đó là các bệnh lý ở răng lợi như viêm lợi, sâu răng, viêm tủy… đều có thể gây viêm xoang hàm, thường gặp là bệnh lý của răng hàm trên từ răng số 4 đến răng số 6.

2.Viêm xoang do dị ứng

Người có cơ địa dị ứng mũi xoang dễ dẫn tới viêm xoang mạn tính.

3.Do chấn thương

Các chấn thương cơ học, do hỏa khí làm vỡ xoang hay tụ máu trong xoang đều có thể gây viêm xoang.

Ngoài ra, các chấn thương về áp lực có thể xuất huyết, phù nề niêm mạc, rồi gây ra viêm xoang. Các chấn thương làm bít lấp lỗ thông xoang cũng có thể dẫn tới viêm xoang.

4.Các nguyên nhân cơ học

Dị hình ở vách ngăn, khe giữa, ở xoang, các khối u trong xoang và hốc mũi, hoặc nhét bấc mũi lâu ngày… đều làm cản trở sự dẫn lưu và thông khí của xoang, cuối cùng là gây ra viêm xoang.

5.Hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản

Dịch vị acid ở dạ dày trào ngược lên thực quản, họng, thanh quản, gây ra viêm nhiễm vùng mũi họng và dẫn đến viêm xoang.

6.Do cơ địa

Những người bị suy nhược toàn thân, rối loạn nội tiết như đái tháo đường, rối loạn về vận mạch, rối loạn về nước và điện giải thường dễ bị viêm xoang.

ThS-BS Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng khoa Mũi xoang, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương

Triệu chứng điển hình của bệnh viêm xoang

ThS-BS Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng khoa Mũi xoang, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương cho biết, với những người bị viêm xoang cấp tính, tức là viêm niêm mạc xoang lần đầu mà trước đó niêm mạc xoang hoàn toàn bình thường, sẽ có những triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ hoặc gai sốt, kém ăn, bạch cầu trong máu tăng.

Đau nhức vùng mặt là triệu chứng chính, thường đau về sáng, đau thành từng cơn, vùng má, trán, thái dương hai bên hoặc lan xuống răng hay lên nửa đầu, đau tăng lên về sáng do ban đêm dịch tiết và mủ bị ứ đọng.

Chảy mũi một hoặc hai bên, thường gặp là chảy mũi hai bên. Lúc đầu chảy mũi dịch loãng, sau đặc dần, màu xanh hoặc màu vàng, mùi tanh và nồng. Bệnh nhân thường xì mũi ra trước hoặc chảy xuống họng.

Ngạt tắc mũi một hoặc hai bên, dẫn đến ngửi kém, gây ảnh hưởng đến vị giác, ngạt mũi cũng làm khả năng hô hấp bị ảnh hưởng, oxy lên não giảm và làm người bệnh mệt mỏi.

Đối với những người bị viêm xoang mạn tính, tức là do viêm xoang cấp tính tái diễn nhiều lần, không được điều trị hoặc điều trị không đúng, thường có biểu hiện mệt mỏi, cơ thể suy nhược hoặc những rối loạn ở đường hô hấp hay đường tiêu hóa do mủ xoang gây nên, nếu viêm xoang kéo dài.

Chảy mũi cũng là triệu chứng chính của bệnh viêm xoang mạn tính. Thường chảy mũi hai bên, lúc đầu chảy mủ nhầy trắng, sau chảy đặc xanh hoặc vàng, mùi tanh hoặc hôi thối do bội nhiễm. Mủ thường chảy ra cửa mũi sau xuống họng hoặc xì ra cửa mũi trước.

Tình trạng ngạt tắc mũi tăng dần và ngày càng rõ rệt dẫn đến tắc hoàn toàn do mủ ứ đọng, niêm mạc phù nề, cuốn giữa thoái hóa, cuốn dưới quá phát, hoặc do polyp thường ngạt cả hai bên.

Rối loạn về ngửi, ngửi kém từng lúc, tăng dần hoặc mất ngửi hoàn toàn.

Nhức đầu âm ỉ hay thành cơn ở vùng trán, má hai bên, hoặc đau nhức xung quanh hố mắt, sâu trong ổ mắt… Nhức đầu thường xảy ra vào buổi trưa và chiều làm cho bệnh nhân thường mệt mỏi, lười suy nghĩ.

Ngoài ra, người bị viêm xoang mạn tính thường có biểu hiện viêm mũi họng mạn tính hay viêm đường hô hấp như ho khan, ngứa họng, đắng họng hoặc khạc nhổ liên tục.

Bệnh viêm xoang gây ra những biến chứng nguy hiểm ở tai, mắt và não

Viêm xoang gây ra những biến chứng nguy hiểm gì?

Theo bác sĩ Thủy, viêm xoang cấp có thể điều trị khỏi được, tức là giúp bệnh ổn định lâu dài nếu loại trừ nguyên nhân và dẫn lưu xoang tốt, tránh ứ đọng trong xoang.

Bệnh cũng có thể chuyển thành viêm xoang mạn tính và hay tái phát nếu không được điều trị tốt.

Viêm xoang mạn tính tuy không ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nhưng kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và khả năng lao động.

Viêm xoang nếu không được điều trị tốt có khả năng dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:

- Biến chứng mũi họng: viêm mũi họng mạn tính, rất hay gặp do viêm xoang mạn tính gây nên.

- Biến chứng tai: gây viêm tai giữa cấp tính

- Biến chứng mắt: gây viêm kết mạc, viêm bờ mi, viêm túi lệ, viêm tấy hoặc áp xe ổ mắt, viêm thị thần kinh hậu nhãn cầu…

- Biến chứng đường hô hấp: gây viêm thanh quản, viêm phế quản…

- Biến chứng ở não: gây viêm màng não, áp xe não

- Biến chứng viêm thận, viêm khớp…

Với những trường hợp viêm xoang do ảnh hưởng bởi các yếu tố dị hình thì phải điều trị bằng can thiệp phẫu thuật

Điều trị viêm xoang thế nào?

Điều trị tại chỗ bằng cách làm sạch và thông thoáng hốc mũi: xì mũi, rửa mũi, hút dịch và mủ, đặt thuốc co mạch…

Bơm rửa bằng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch có pha thêm các yếu tố vi lượng giúp làm săn, khô niêm mạc. Sau đó mới dùng thuốc xịt tại chỗ.

Nhỏ thuốc, cần phối hợp các loại thuốc co mạch, sát khuẩn và chống phù nề

Xông hơi nước nóng với các loại thuốc có tinh dầu, bay hơi được, khí dung mũi xoang.

Điều trị toàn thân bằng các thuốc chống viêm, giảm phù nề, hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng… theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Phẫu thuật để điều trị viêm xoang được áp dụng khi điều trị nội khoa thất bại hoặc có sự bít tắc đường dẫn lưu tự nhiên của xoang.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Thủy cho biết, với những trường hợp viêm xoang do ảnh hưởng bởi các yếu tố dị hình thì phải điều trị bằng can thiệp phẫu thuật.

Bởi các dị hình ở mũi xoang làm cho tình trạng bệnh nặng hơn, nên cần loại bỏ để làm thông thoáng đường ống dẫn lưu của xoang.

Trong phẫu thuật viêm xoang có 2 phương pháp phẫu thuật là phẫu thuật tiệt căn và nội soi chức năng. Hiện, phương pháp phẫu thuật nội soi chức năng xoang được áp dụng rộng rãi ở nước ta, đem lại kết quả điều trị cao hơn so với phương pháp tiệt căn xoang cổ điển.

Tránh khói, bụi, giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi để phòng ngừa bệnh viêm xoang tái phát

Cách phòng bệnh viêm xoang tái phát

- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với lạnh, bụi, hóa chất độc hại…

- Điều trị tốt các ổ viêm nhiễm ở mũi họng, răng miệng

- Điều trị tốt các bệnh viêm đường hô hấp

- Nâng cao thể trạng, tăng cường sức chống đỡ của niêm mạc mũi xoang

- Bỏ thuốc lá thuốc lào, hạn chế thực phẩm, đồ ăn mà nghi ngờ là nguyên nhân gây viêm mũi xoang do dị ứng như tôm, nhộng…

- Tránh tiếp xúc với khói, bụi, chất tẩy rửa, tăng cường đeo khẩu trang khi đi ngoài đường hoặc làm việc nơi ô nhiễm.

- Chọn công việc thích hợp với cơ địa của mình để tránh bị viêm mũi xoang do dị ứng.

- Khi thay đổi thời tiết cần phải giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang giữ ấm vùng mũi, quàng khăn giữ ấm cổ.

- Khi có triệu chứng khởi phát nghi ngờ viêm mũi xoang thì cần đến gặp bác sĩ tai mũi họng sớm để được điều trị sớm.

Bởi bệnh mới phát mà điều trị đúng cách sẽ dễ dàng hơn. Tránh tình trạng thành mãn tính, nặng hơn và gây khó điều trị hơn, chi phí nhiều hơn.

Nguồn Gia Đình Mới: http://www.giadinhmoi.vn/nhung-bien-chung-nguy-hiem-khong-ngo-cua-benh-viem-xoang-len-mat-mui-tai-va-nao-d1809.html