Những bị cáo nào trong vụ chuyến bay giải cứu 'tự thú trước bình minh'?

Vụ chuyến bay giải cứu, một số bị cáo đã tự thú về hành vi vi phạm trước khi bị cơ quan điều tra phát hiện, nhờ vậy họ được hưởng tình tiết giảm nhẹ khi tòa lượng hình.

Ngày 28-7 tới đây, HĐXX vụ chuyến bay giải cứu sẽ tuyên án. Trong giai đoạn xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, VKS đã xác định một số bị cáo đã tự thú và đây là một tình tiết giảm nhẹ khi VKS đề nghị mức án.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: CTV

Điều 51 BLHS quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có điểm r khoản 1 về người phạm tội tự thú. Tự thú, theo Điều 4 BLTTHS 2015, là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.

Trong vụ chuyến bay giải cứu, một số bị cáo được xác định đã tự thú. Đó là bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Lê Hồng Sơn là phó tổng giám đốc, tổng giám đốc Công ty Bluesky.

Hai người này bị xét xử về tội đưa hối lộ với hai hành vi đưa hối lộ hơn 38 tỉ đồng để xin cấp phép chuyến bay và đưa hối lộ hơn 61 tỉ đồng để ''chạy án''. Bị cáo Hằng đang bị VKS đề nghị 10-11 năm tù, bị cáo Sơn bị đề nghị 11-12 năm tù.

Khi đề nghị mức án vào ngày 17-7, VKS đề nghị HĐXX cho hai bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ tự thú. Trong quá trình bào chữa, luật sư đề nghị cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ "tự thú hai lần" trong giai đoạn cấp phép chuyến bay và giai đoạn ''chạy án''.

Tuy nhiên, VKS xác định chỉ có căn cứ xác định hai bị cáo tự thú trong giai đoạn ''chạy án'', còn trước đó thì không phải.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng. Ảnh: CTV

Bị cáo Lê Văn Nghĩa, Công ty Nhật Minh, cũng được VKS đề nghị cho hưởng tình tiết giảm nhẹ tự thú. Bị cáo Nghĩa bị xét xử về tội đưa hối lộ số tiền 9,5 tỉ đồng cho 8 cá nhân. Khi nhận thức được hành vi phạm tội, ngày 25-1-2022, bị cáo đã có đơn tố cáo, tự thú, là tiền đề để CQĐT khởi tố, điều tra, mở rộng vụ án. Bị cáo Nghĩa bị đề nghị 4-5 năm tù.

Bị cáo Võ Thị Hồng, Công ty Minh Ngọc, bị xét xử về tội đưa hối lộ số tiền 10,9 tỉ đồng. Ngay sau khi CQĐT khởi tố vụ án, nhận thức được hành vi phạm tội của bản thân, bị cáo Hồng đã có đơn tự thú, tự nguyện trình bày hành vi phạm tội của bản thân, tự nguyện nộp lại 2,8 tỉ đồng mà những người nhận hối lộ của bị cáo trả lại.

VKS có quan điểm cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ tự thú và đề nghị mức án 5-6 năm tù.

Bị cáo Đào Thị Chung Thúy, lao động tự do ở Nga, bị cáo buộc đã đưa hối lộ 437 triệu đồng để đưa 56 công dân là lưu học sinh, người thân, người quen về nước trên 2 chuyến bay.

Trong giai đoạn điều tra, bị cáo nhận thức hành vi phạm tội và chủ động đến CQĐT trình báo, nộp lại 114 triệu đồng hưởng lợi.

Bị cáo Thúy được VKS đề nghị cho hưởng tình tiết giảm nhẹ tự thú và đề nghị mức án 12-18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Toàn cảnh phiên tòa. Ảnh: CTV

Bị cáo Phạm Bích Hằng, Công ty Vinamichi, ban đầu không được hưởng tình tiết tự thú. Quá trình tranh luận, trước ý kiến bào chữa của luật sư, VKS xét thấy thời điểm bị cáo đến làm việc tại CQĐT thì CQĐT chưa có thông tin, tài liệu gì phản ánh hành vi đưa, nhận hối lộ liên quan bị cáo Phạm Bích Hằng.

Trên cơ sở lời khai của bị cáo Hằng, CQĐT đã điều tra làm rõ về hành vi Phạm Bích Hằng đưa hối lộ. Do đó, VKS đề nghị HĐXX cho bị cáo Phạm Bích Hằng hưởng thêm tình tiết tự thú.

Bị cáo Hằng bị xét xử về tội đưa hối lộ, số tiền gần 1,2 tỉ đồng và bị đề nghị mức án 2-3 năm tù.

Ngoài ra còn một số bị cáo khác như Trần Hồng Hà, Công ty Sao Việt; bị cáo Hoàng Diệu Mơ, Công ty An Bình; bị cáo Trần Thị Mai Xa, Công ty Masterlife… đề nghị được xem xét tình tiết tự thú.

Tuy nhiên, VKS cho rằng không có căn cứ để chấp nhận.

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-bi-cao-nao-trong-vu-chuyen-bay-giai-cuu-tu-thu-truoc-binh-minh-post744058.html