Những bất cập từ dự án mỏ sét Trà Tu

QĐND - Để thực hiện dự án mỏ sét Trà Tu, hàng chục hộ dân thôn Trà Tu, xã Đông Sơn (Tam Điệp, Ninh Bình) phải dừng mọi sản xuất, vì đất của các hộ này thuộc quy hoạch dự án. Thế nhưng sau gần hai năm chờ đợi tiền đền bù, đến nay các hộ dân lại nhận được thông báo tiếp tục sản xuất, canh tác vì dự án còn vướng mắc.

QĐND - Để thực hiện dự án mỏ sét Trà Tu, hàng chục hộ dân thôn Trà Tu, xã Đông Sơn (Tam Điệp, Ninh Bình) phải dừng mọi sản xuất, vì đất của các hộ này thuộc quy hoạch dự án. Thế nhưng sau gần hai năm chờ đợi tiền đền bù, đến nay các hộ dân lại nhận được thông báo tiếp tục sản xuất, canh tác vì dự án còn vướng mắc.

Ông Đỗ Văn Lộc ở thôn 12 (Đông Sơn) cho biết: “Từ năm 2007, chính quyền các cấp đã cho người xuống thăm dò và khảo sát vùng đất này để thực hiện dự án. Có 19 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu trong thôn bị ảnh hưởng bởi dự án. Đến năm 2010, cán bộ lại xuống đo đạc và kiểm kê nhà cửa, tài sản. Họ hứa là 6 tháng sau sẽ có tiền đền bù. Tuy nhiên, đã gần 2 năm trôi qua mà chưa thấy chính quyền có động tĩnh gì. Cũng vì dự án chậm trễ, mà 2 năm qua chúng tôi không được trồng cây dài ngày, không chăn nuôi gì được, còn nhà cửa thì cũng không gia đình nào dám sửa chữa, xây dựng...”.

Theo thông tin từ UBND thị xã Tam Điệp, dự án khai thác đất sét phục vụ Nhà máy xi măng Hướng Dương (thuộc Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương do ông Đặng Lê Hoa làm giám đốc) tại xã Đông Sơn đã được quy hoạch và UBND tỉnh đã quyết định thu hồi đất tại Quyết định số 103/QĐ-UBND ngày 28-1-2011. Theo đề nghị của nhà máy, UBND thị xã đã cùng các ngành của tỉnh đề xuất phương án tuyến đường vận chuyển. Tuy nhiên, Nhà máy xi măng lại không nhất trí phương án này, do vậy UBND thị xã chưa xây dựng và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB cho các hộ dân.

Ông Đỗ Văn Lộc, người được giao 6,3ha đất năm 1999, đến năm 2010 bị chính quyền tự ý cắt 2,2ha sang nhượng cho Công ty Pimohoa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Đức Đằng, Phó chủ tịch UBND thị xã Tam Điệp cho biết: “Chúng tôi đã giao cho UBND xã Đông Sơn thông báo tới các hộ gia đình nằm trong vùng quy hoạch tiếp tục canh tác, sản xuất, sử dụng đất bình thường. Khi xác định được phương án tuyến đường và theo đề nghị của nhà máy, UBND thị xã sẽ thông báo để nhân dân biết...”.

Không ít người dân đặt câu hỏi: Vì sao chính quyền chưa xây dựng và phê duyệt phương án đền bù, doanh nghiệp chưa đồng ý thực hiện dự án, mà toàn bộ diện tích 32ha tại mỏ sét Trà Tu đã bị sang tên cho Công ty Cổ phần xi măng Hướng Dương (Pomihoa)?

Tiếp tục tìm hiểu vụ việc, chúng tôi được biết nguồn gốc đất của 22 hộ dân thuộc thôn 12 (xã Đông Sơn) đang sử dụng là đất khai hoang vùng kinh tế mới từ năm 1995. Đến năm 1998, các hộ được Nhà nước giao đất theo chương trình di dân vào vùng Dự án 773 và Dự án 327 trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc. Sau đó, diện tích đất lâm nghiệp thuộc Dự án 327 được bàn giao sang Chương trình 5 triệu héc-ta rừng theo quyết định của UBND tỉnh Ninh Bình. Năm 1999, các hộ gia đình trên đã được giao, nhận đất trồng rừng phòng hộ và được hưởng các chế độ đầu tư của Nhà nước.

Ngày 14-2-2006, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 317/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu mỏ đá, mỏ sét cho Nhà máy xi măng Hướng Dương, theo đó đất lâm nghiệp của các hộ dân này nằm trong quy hoạch mỏ. Tiếp đó, UBND tỉnh Ninh Bình lại ra Quyết định số 2710/2007/QĐ-UBND ngày 26-11-2007 về việc phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) trên địa bàn. Theo đó, từ năm 2008, các hộ dân trên nằm trong quy hoạch rừng sản xuất, nên không được hưởng các chế độ đầu tư của Nhà nước về rừng phòng hộ. Đến năm 2009, UBND tỉnh có Quyết định số 1295/QĐ-UBND ngày 30-10-2009 về việc phê duyệt phương án chuyển đổi rừng phòng hộ sang rừng sản xuất.

Năm 2010, UBND thị xã Tam Điệp ban hành các Quyết định về việc giao rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân. Trong các quyết định này, chính quyền đã “tự ý” sang tên một phần hoặc toàn bộ diện tích đất rừng của người dân cho Nhà máy xi măng Hướng Dương. Cụ thể, năm 1999, gia đình ông Đỗ Văn Lộc được chính quyền giao cho 6,3ha để thực hiện dự án rừng phòng hộ. Đến năm 2010, UBND thị xã lại ban hành Quyết định số 1289/QĐ-UBND giao cho gia đình ông Lộc 4,1ha đất rừng thuộc lô 6a+2b7 khoảnh 6 thuộc rừng sản xuất để sử dụng vào mục đích quản lý, bảo vệ và phát triển, thời hạn sử dụng là 49 năm. Số diện tích rừng còn lại (2,2ha), UBND thị xã đã sang nhượng cho doanh nghiệp, thể hiện ở Biên bản bàn giao rừng giữa chính quyền và gia đình ông Lộc. Trong mục ghi vị trí đất, biên bản ghi rõ “phía Tây giáp đất Công ty Pomihoa”. Ngoài ra, trong sơ đồ giao rừng sản xuất do UBND xã Đông Sơn thực hiện cũng thể hiện rõ vị trí đất của Công ty Pomihoa! Còn trường hợp gia đình ông Lê Ngọc Tiễn có hơn 1ha đất rừng nhưng lại nằm gọn vào dự án nên không nhận được quyết định giao rừng như gia đình ông Lộc. Thật phi lý khi diện tích rừng mà gia đình đã trồng, bảo vệ và chăm sóc hàng chục năm trời, nay lại bị chính quyền tự ý sang nhượng cho Công ty Pomihoa.

Ông Lộc và ông Tiễn cho biết: “Việc sang nhượng là do chính quyền tự làm. Người dân chúng tôi không hề hay biết và bàn bạc từ trước, mãi đến khi nhận được quyết định giao rừng và biên bản bàn giao thì mọi người mới biết rằng, một phần đất rừng do gia đình quản lý đã bị sang tên cho doanh nghiệp”.

Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Bình sớm điều tra, làm rõ, giúp các hộ dân an tâm phát triển sản xuất.

Bài và ảnh: Hải Ninh

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/11/11/11/184830/Default.aspx