Những bài học đắt giá đúc rút từ tiểu thuyết 'Tam quốc diễn nghĩa'

'Tam quốc diễn nghĩa' là tiểu thuyết nổi tiếng La Quán Trung được nhiều người yêu thích. Nhiều người sau khi đọc tác phẩm này đã rút ra được một số bài học làm người, gây dựng công danh, sự nghiệp.

Được mệnh danh là một "Tứ đại danh tác" của Trung Quốc, Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung là tác phẩm yêu thích của hàng triệu người. Tác phẩm này chứa đựng nhiều bài học sâu sắc về cách làm người, gây dựng công danh, sự nghiệp... Do đó, nhiều người đọc Tam quốc diễn nghĩa và áp dụng những bài học đúc rút được để có được thành công trong công việc và cuộc sống.

Dưới đây mà một số bài học được rút ra từ Tam quốc diễn nghĩa được nhiều người học hỏi, áp dụng. Đầu tiên là từ sự kiện kết nghĩa vườn đào của Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi cho thấy muốn làm được việc lớn thì cần tìm được đúng người có cùng chung chí hướng để có thể tiến xa hơn, đạt được thành công lớn hơn.

Trong Tam quốc diễn nghĩa, Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi có xuất thân và tài năng khác nhau nhưng có chung ước mơ, lý tưởng và mục tiêu chung. Đó là khát vọng khôi phục nhà Hán. Chính điều này đã trở thành sợi dây liên kết Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi. Họ kết nghĩa anh em và cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để xây dựng nhà Thục Hán.

Áp dụng bài học này, nhiều thế hệ trẻ mang khát vọng lập nghiệp đều cần phải tìm cho mình mục tiêu và lý tưởng để phấn đấu. Điều quan trọng là việc mỗi người phải tìm được những người bạn đồng hành có chung chí hướng, mục tiêu, lý tưởng cũng như hết lòng tin tưởng đối phương để có thể cùng nhau đạt được ước mơ. Dù gặp những tình huống khó khăn hay mâu thuẫn thì đều có thể cùng nhau ngồi xuống tìm cách giải quyết. Cứ như vậy, thành công sẽ đón chờ chúng ta ở phía trước.

Một bài học khác được đúc rút từ tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa đó là phải biết cách hạ cái tôi của bản thân đúng lúc, khéo léo tìm cách thuyết phục người khác làm việc cho mình. Trong tác phẩm này, Lưu Bị từng ba lần tới nhà tranh để mời Gia Cát Lượng xuất núi và cùng ông mưu tính đại sự.

Với xuất thân là tôn thất nhà Hán cùng phương châm phục hưng Hán thất, Lưu Bị đã chủ động đến chiêu mộ Gia Cát Lượng về làm việc cho mình vì biết được đây là một nhân tài hiếm có. Nếu có được sự trợ giúp của Khổng Minh thì con đường làm đại nghiệp sẽ rộng mở hơn.

Do đó, dù bị từ chối 2 lần đầu nhưng Lưu Bị vẫn không bỏ cuộc. Ông biết hạ cái tôi của bản thân để suy nghĩ cho đại cuộc. Nhờ vậy, sau 3 lần đến thuyết phục Gia Cát Lượng, mưu sĩ này xuất núi và giúp ích rất lớn cho sự nghiệp của Lưu Bị.

Câu chuyện này giúp nhiều người hiểu được để gây dựng sự nghiệp thành công, một người phải có tầm nhìn xa trông rộng, biết cách chiêu mộ nhân tài. Có những nhân tài phải mất nhiều thời gian, công sức để thuyết phục họ về làm việc với mình. Trong công việc nếu bỏ lỡ một nhân tài thì đó có thể là tổn thất to lớn đối với người làm kinh doanh.

Bài học tiếp theo được đúc kết từ tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa đó là kiêu ngạo sẽ dẫn đến tai họa. Quan Vũ, Trương Phi, Mã Tắc, Ngụy Diên… là những bậc anh hung nhưng tính cách có phần kiêu ngạo, khinh địch, chủ quan. Do đó, cuối cùng họ đều bị có cục bi thảm.

Trong học tập, công việc hay đời sống riêng, mỗi cá nhân nên khiêm tốn, không nên hung hăng, khinh địch mà có thể dẫn tới những hậu quả tiêu cực.

Mời độc giả xem video: Trung Quốc phát trực tuyến lớp học đầu tiên từ vũ trụ. Nguồn: VTV24.

Tâm Anh (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/nhung-bai-hoc-dat-gia-duc-rut-tu-tieu-thuyet-tam-quoc-dien-nghia-1769391.html