Những bài giảng về biên cương Tổ quốc từ 'giáo viên nhí'

Ở xã biên giới A Vao, Quảng Trị, 'Tiết học biên giới' đều đặn diễn ra mỗi tháng một lần. Điều thú vị ở đây là học sinh được tiếp thu kiến thức về biên cương Tổ quốc một cách nhẹ nhàng thông qua giáo viên đứng lớp đặc biệt- Đó chính là cháu Hồ Thị Nứt 'con nuôi đồn Biên phòng'.

Em Hồ Thị Nứt giảng bài trong “Tiết học biên giới”. Ảnh: Đình Tiến

Cứ đều đặn mỗi tháng một lần, Đồn Biên phòng A Vao, BĐBP Quảng Trị phối hợp với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị tổ chức “Tiết học biên giới” theo từng khối lớp hoặc toàn trường. Trước đây, tiết học này do cán bộ đồn Biên phòng giảng bài. Nhưng gần 3 năm trở lại đây, một số “Tiết học biên giới” được em Hồ Thị Nứt, hiện là học sinh lớp 7 của trường trực tiếp đứng lớp ở một số nội dung phù hợp.

Kể từ khi em Hồ Thị Nứt được Đồn Biên phòng A Vao đưa về nuôi dưỡng và đến trường học chữ, bản thân Nứt tiếp thu kiến thức nhanh hơn các bạn cùng lớp. Với đức tính cần mẫn, chịu khó, ham học hỏi, Nứt sớm nổi bật trong trường bởi thành tích học tập vượt trội. Khi ý tưởng thực hiện mô hình “học sinh giảng bài” trong “Tiết học biên giới” thì Hồ Thị Nứt được Đồn Biên phòng A Vao lựa chọn để huấn luyện, bồi dưỡng.

Để có một bài giảng đạt chất lượng, hiệu quả cao, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Vao đã lựa chọn nội dung, xây dựng bài giảng, hướng dẫn cụ thể để em Nứt nghiên cứu, học tập. Sau quá trình học tập, nghiên cứu, khi đảm bảo các điều kiện, Đồn Biên phòng A Vao và nhà trường tiến hành cho em giảng thử để đánh giá, nhận xét và tiếp tục bồi dưỡng. Đến lúc đạt các yêu cầu đề ra, đơn vị phối hợp với nhà trường thống nhất cho em Nứt bắt tay vào làm “giáo viên” đứng lớp “Tiết học biên giới”. Nhờ sự sáng dạ và chăm chỉ nên Nứt không khó tiếp thu giáo án (kể cả giáo án điện tử). Như năng khiếu thiên phú, giọng Nứt ấm áp, truyền cảm, từ cách sử dụng ngôn từ đến phương pháp trình bày, tạo sự gần gũi, phù hợp với tâm lý lứa tuổi nên có sức cuốn hút. Lúc thì giảng trước học sinh toàn trường, lúc giảng cho học sinh từng khối lớp, Nứt đều thể hiện được sự chững chạc trong truyền đạt, sự chắc chắn trong kiến thức, thể hiện “kỹ năng sư phạm” khá tốt với bài giảng trôi chảy và gần khi không bị “cháy giáo án”.

Qua bài giảng của Nứt, các khái niệm về đường biên giới quốc gia, cột mốc, các loại cột mốc giới, phạm vi khu vực biên giới, nghĩa vụ và trách nhiệm của người dân, đặc biệt là của học sinh sống ở khu vực biên giới trong bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia... được các bạn đồng trang lứa hiểu một cách dễ dàng hơn. Các buổi “lên lớp” của Nứt tạo sự thích thú của bạn bè nghe giảng từ sự gần gũi, thân quen nên không khí tiết học thoải mái mà hiệu quả.

Những ngày đầu, chị em Nứt - “con nuôi đồn Biên phòng” được cán bộ Đồn Biên phòng A Vao chăm sóc, dạy dỗ. Ảnh: Đình Tiến

Em Hồ Văn Khanh, học sinh lớp 7B, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở A Vao cho biết: “Khi nghe Nứt truyền đạt các kiến thức trong “Tiết học biên giới”, em thấy thích thú và ngưỡng mộ bạn ấy lắm. Các tiết học giống như buổi nói chuyện giữa chúng em với nhau về an ninh biên giới quốc gia nên em tiếp thu các kiến thức đó nhẹ nhàng, hiệu quả. Em càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia”.

Khả năng giảng bài của Nứt cũng làm cho nhiều giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở A Vao bất ngờ. Cô Hồ Thị Quyết, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở A Vao cho biết: “Năm Nứt học lớp 6, tôi làm chủ nhiệm, lúc đó, tôi thật sự ngỡ ngàng trước khả năng truyền đạt kiến thức và sự mạnh dạn trước đám đông của Nứt. Đến nay thì tôi khẳng định Nứt có được kỹ năng sư phạm và một khả năng tiếp thu kiến thức tốt. Tôi thấy tự hào về học sinh này, cảm ơn sự chăm lo nuôi dạy của các anh cán bộ Đồn Biên phòng A Vao nhiều lắm”.

Chính trị viên Đồn Biên phòng A Vao, Trung tá Bùi Huy Tịnh cho biết: “Tiết học biên giới" do em Nứt trực tiếp tham gia giảng dạy được đơn vị và nhà trường đánh giá cao. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục nghiên cứu phương pháp và cách làm mới giúp em Nứt nâng cao trình độ kiến thức hơn để giảng bài ngày càng đạt chất lượng cao hơn. Đồng thời, đồn cũng tiếp tục tìm kiếm một số em nữa để huấn luyện, đào tạo thành những “giáo viên nhí” cho “Tiết học biên giới” lan tỏa rộng hơn, để mỗi học sinh trên vùng biên giới là một “cột mốc sống” tuyên truyền cho người thân trong gia đình, bà con dân bản cùng tham gia bảo vệ bản làng bình yên, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”.

Đình Tiến

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-bai-giang-ve-bien-cuong-to-quoc-tu-giao-vien-nhi-post475303.html