Những án tham nhũng lớn thời Nguyễn

Phủi lớp bụi thời gian, 'kho bí tịch' dần được hé lộ với nhiều câu chuyện trị quốc an dân, trong đó có câu chuyện chống tham nhũng.

Tự cổ chí kim, triều đại nào cũng nảy sinh tình trạng tham nhũng của tham quan ô lại, thậm chí nhiều khi trở thành quốc nạn. Vì vậy, các bậc quân vương xưa đã dùng nhiều biện pháp để giải quyết vấn nạn này.

Dưới triều Nguyễn cũng có nạn quan lại tham ô, từ chốn kinh đô cho tới tỉnh, phủ, huyện, tổng, xã và nơi châu lý xa xôi. Các vua triều Nguyễn đều có thái độ kiên quyết trong việc xử lý những tham quan ô lại bòn rút ngân khố của nhà nước, vơ vét của cải của dân và nhận hối lộ của cấp dưới. Đồng thời, các vua triều Nguyễn cũng sử dụng nhiều biện pháp khác nhau với quyết tâm loại bỏ bọn "sâu mọt" tham quan ô lại.

Thời phong kiến, tham nhũng được hiểu là những hành vi của quan lại tham ô, bớt xén của công, vơ vét của dân để mang lợi cho mình, nhận tiền bạc hối lộ, lợi dụng chức quyền để mưu lợi, mượn việc công để giải quyết việc riêng (bắt lính, bắt dân phục dịch cho bản thân và gia đình), nhũng nhiễu và chậm trễ trong việc giải quyết các đơn từ, án kiện của nhân dân...

Những hành vi này là nỗi lo, nỗi trăn trở của bậc quân vương. Từ nỗi trăn trở đó, buộc các vị vua phải tìm biện pháp để ngăn ngừa và xử lý tệ tham nhũng.

Sách Những vụ án tham những qua Châu bản triều Nguyễn. Ảnh: Tuấn Bình.

Thông qua sử sách, chúng ta từng được biết đến nhiều vụ án tham nhũng của các triều đại phong kiến nói chung và triều Nguyễn nói riêng. Tuy nhiên, cuốn sách Những vụ án tham những qua Châu bản triều Nguyễn có nhiều khác biệt. Điểm khác biệt nhất của cuốn sách là các vụ án đều có bút tích phê duyệt, chỉ đạo của các Hoàng đế. Điều này cho thấy mỗi vụ án được kể không đơn giản chỉ là một câu chuyện đã xảy ra mà còn là sự quan tâm phòng chống tệ nạn tham nhũng cũng như quyết tâm răn trừng tham quan ô lại của các vua triều Nguyễn.

Trong vụ án tham nhũng ở trấn Nam Định có Quyền nhiếp ấn vụ huyện Mỹ Lộc Phạm Thanh và Thư kí Bùi Khắc Kham đều bị dân tố cáo là hung ác vô cùng. Sau khi điều tra, Kinh lược sứ Nguyễn Văn Hiếu tâu: "Ở Nam Định có tên thư kí là Bùi Khắc Kham và cai án là Phạm Thanh điên đảo án văn, xuất nhập nhận tội, (án nào cũng bớt, cũng thêm, kẻ mà chạy thoát, lại chêm cột vào), chuyên làm những việc lợi mình hại người, dân địa phương ấy không chịu nổi sự đau khổ đều gọi là phường hung dữ. Xin chánh pháp tru lục để làm gương cho kẻ tham ô".

Bản tấu này cũng chỉ rõ tội trạng của Bùi Khắc Kham: "Loại tham ô ở Nam Định không ai quá hơn tên Bùi Khắc Kham, nhưng hành vi của hắn rất tinh vi quỷ quyệt, ngay một việc tá canh ruộng công của xã Mỹ Giá mà trong khế văn mượn không phải mượn, thuê không phải thuê, khiến người ta tự rơi vào mưu kế để hắn vơ lấy lợi lớn. Qua đó có thể thấy bình sinh hắn gian giảo thế nào. Huống hồ khi chúng thần tới địa phương trấn đó, tên phạm ấy chưa bị dân tố cáo hắn đã chạy trốn trước".

Trên cơ sở điều tra tội trạng, các quan kinh lược sứ xin kết án: "Tên sâu mọt lớn ấy sớm nên chính điển hình để làm gương răn kẻ quan tham lại nhũng. Còn 20 mẫu ruộng công mà tên phạm ấy tá canh của xã Mỹ Giá thì trả lại cho xã ấy nhận cày cấy. Ngoài ra, xin giải tên phạm Bùt Khắc Kham tới trân chếm đầu để thị chúng". Về phần tài sản của Bùi Khắc Kham đều đem chia cho dân nghèo.

Trước những tội trạng của Bùi Khắc Kham, vua Minh Mệnh đã cho trừng phạt nặng. Điều này được thể hiện trong lời châu phê trên văn bản: "Cho áp giải tên quan lại sâu mọt Bùi Khắc Kham đến chợ ở trấn chém ngang lưng, lại bêu đầu lên cọc cao để răn đe kẻ khác. Ngoài ra chuẩn y nghị bàn. Khâm thử!"

Nhìn chung, các bản tấu liên quan đến vụ án tham nhũng ở trấn Nam Định này đều có bút tích phê duyệt của vua Minh Mệnh. Từng lời ngự phê đã cho thấy quan điểm, biện pháp xử lý của nhà vua. Đồng thời, trên văn bản được đóng dấu Kinh lược sứ quan phòng, kim bảo Ngự tiền chi bảo, kiềm bảo Văn lý mật sát đã góp phần khẳng định độ tín thực của nguồn sử liệu châu bản này.

Nhà báo Nguyễn Phan Khiêm chia sẻ: “Những vụ án tham những qua Châu bản triểu Nguyễn là một trong nhiều công trình đánh dấu hoạt động nghiên cứu nghiêm túc, cẩn trọng và tâm huyết của cán bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I trong việc khai thác, công bố những báu vật trong khối di sản đồ sộ, vô giá mà Trung tâm được giao trọng trách bảo quản… Phủi lớp bụi thời gian, 'kho bí tịch' dần được hé lộ với nhiều câu chuyện trị quốc an dân, trong đó có câu chuyện chống tham nhũng nhằm mục đích làm trong sạch bộ máy quản lý nhà nước của người xưa. Những kinh nghiệm của tiền nhân là bài học cho hậu thế. Vì vậy, ấn phẩm Những vụ án tham nhũng qua Châu bản triều Nguyễn là một bài học quý giá về phòng chống tham những, có giá trị tham khảo rất cao cho cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay".

Nguyễn Tuấn Bình

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-an-tham-nhung-lon-thoi-nguyen-post1474575.html