Nhức nhối tình trạng mạo danh thương hiệu bệnh viện

Tình trạng đạo nhái, mạo danh thương hiệu bệnh viện, trong đó có cả bệnh viện của Quân đội xuất hiện đã khá lâu, thời gian gần đây lại tiếp tục 'nở rộ'. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới uy tín của các bệnh viện mà còn khiến nhiều người dân rơi vào cảnh 'tiền mất tật mang'...

Muôn kiểu... mạo danh

Tìm hiểu của chúng tôi tại Bệnh viện Trung ương Quân đội (TƯQĐ) 108 cho thấy, việc đạo nhái, mạo danh thương hiệu của Bệnh viện diễn ra rất phức tạp. Thời gian qua, có khá nhiều website, fanpage mạo danh Bệnh viện để trục lợi. Năm 2020, khi phát hiện một cơ sở có tên “Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội”, địa chỉ tại đường Đỗ Đức Dục, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), Bệnh viện TƯQĐ 108 đã phối hợp với Công an TP Hà Nội phối hợp xử lý. Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra, xử lý thì không thể xử phạt hành vi sử dụng tên “Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội” vì chưa đủ căn cứ. Sau khi bị xử phạt hành chính vì chưa chấp hành đúng các quy định tại giấy phép kinh doanh được cấp, một thời gian sau, cơ sở này tiếp tục hoạt động với tên trên...

Trước tình trạng này, Bệnh viện TƯQĐ 108 đã làm các thủ tục đăng ký bản quyền thương hiệu, nhưng cơ quan chức năng chỉ có thể đăng ký bảo hộ thương hiệu với tên đầy đủ là “Bệnh viện Trung ương Quân đội 108”, còn số 108 là số tự nhiên nên không thể bảo hộ. Nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng, lấy hình ảnh bác sĩ, thương hiệu Bệnh viện trên internet để lừa đảo, Bệnh viện TƯQĐ 108 đã thông báo tới các cơ quan chức năng liên quan; đồng thời cảnh báo trên website của Bệnh viện tại địa chỉ https://benhvien108.vn.

Theo đó, Bệnh viện lưu ý người dân: Bệnh viện TƯQĐ 108 chỉ có duy nhất một cơ sở tại địa chỉ số 1 đường Trần Hưng Đạo, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội; cổng thông tin chính thức của Bệnh viện là https://benhvien108.vn, fanpage chính thức là “Bệnh viện Trung ương Quân đội 108” có dấu tích xanh xác nhận của Facebook. Hiện tại, Bệnh viện TƯQĐ 108 không cung cấp, liên kết kinh doanh, kiểm nghiệm bất kỳ sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng nào qua hình thức trực tuyến (online); Bệnh viện chỉ bán thuốc khi có đơn của bác sĩ tại các nhà thuốc trong khuôn viên Bệnh viện. Bệnh viện TƯQĐ 108 cũng chưa triển khai khám, điều trị tại nhà. Để được thông tin, giải đáp thắc mắc hoặc thông báo khi phát hiện dấu hiệu khả nghi, người dân có thể gọi đến số điện thoại: 096.775.16.16 hoặc 1900.98.68.69.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chỉ có duy nhất một cơ sở tại địa chỉ số 1 đường Trần Hưng Đạo, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN SƠN

Không riêng Bệnh viện TƯQĐ 108, nhiều bệnh viện của Quân đội như: Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (thuộc Học viện Quân y), Bệnh viện Quân y 175... cũng bị đạo nhái hình ảnh, mạo danh thương hiệu với chiêu trò tương tự. Mục đích của các đối tượng là lợi dụng lòng tin của người dân để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ không an toàn, bán thuốc, thực phẩm chức năng... nhằm trục lợi.

Hầu hết các bệnh viện lớn trên cả nước đều bị lợi dụng. Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) bị hàng loạt cơ sở thẩm mỹ mạo danh bằng những cái tên “na ná” như “Thẩm mỹ Chợ Rẫy”, “Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy”... Mới đây, Bệnh viện Mắt Sài Gòn đã phải gửi văn bản đến Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp đề nghị đính chính và xin lỗi về bài viết sai sự thật khi đưa thông tin Bệnh viện Mắt Sài Gòn-Đồng Tháp là chi nhánh của hệ thống Bệnh viện Mắt Sài Gòn. Theo đó, không chỉ nhái thương hiệu, Bệnh viện Mắt Sài Gòn-Đồng Tháp còn thiết kế website giống Bệnh viện Mắt Sài Gòn gây sự nhầm lẫn cho cộng đồng.

Cần xử lý nghiêm minh, kịp thời

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi bán thuốc bằng cách mạo danh bác sĩ, cơ sở y tế có thể bị xử lý hình sự về tội quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trường hợp thực hiện hành vi gian dối mạo danh bác sĩ, cơ sở y tế để nhận tiền, tài sản của bệnh nhân rồi chiếm đoạt thì đối tượng thực hiện hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

“Có thể thấy thời gian gần đây, hiện tượng quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng trái phép trên không gian mạng diễn ra rất phức tạp, ảnh hưởng đến uy tín của các bác sĩ, cơ sở y tế và tạo ra "rác" trên không gian mạng, làm nhiễu loạn hoạt động quảng cáo. Các đối tượng thực hiện hành vi quảng cáo gian dối thu lợi bất chính từ những bệnh nhân vốn đã kiệt quệ vì bệnh tật. Đây là hành vi vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạm đạo đức, coi thường dư luận, bởi vậy cơ quan chức năng cần quyết liệt trong việc phát hiện, xử lý nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội”, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Luật sư Lê Văn Lên, Giám đốc Hãng luật Capital, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh chia sẻ thêm: “Khi phát hiện bị lợi dụng hình ảnh để trục lợi, các tổ chức, cá nhân cần trình báo ngay với cơ quan công an để được giải quyết. Người dân có thể trình báo với cơ quan công an cấp xã nơi cư trú của người sử dụng trái phép hình ảnh của mình hoặc thông qua đường dây nóng 113, đường dây nóng của phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Hồ sơ nộp kèm đơn tố giác tội phạm lừa đảo gồm đơn trình báo công an, căn cước công dân/chứng minh nhân dân (bản sao) và chứng cứ kèm theo (nếu có)”.

ĐỨC TUẤN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/nhuc-nhoi-tinh-trang-mao-danh-thuong-hieu-benh-vien-738898