Nhức nhối nạn hàng giả, gian lận thương mại

Cùng với xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội, nước ta đã trở thành điểm đến, là thị trường hấp dẫn cho nhiều thương hiệu, sản phẩm và hàng hóa trong và ngoài nước… Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi.

Tình trạng vận chuyển trái phép hàng cấm cùng hiện tượng buôn lậu, gian lận thương mại những mặt hàng thiết yếu, phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, hàng điện tử... hiện đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn…

Theo con số thống kê trong năm 2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý hơn 14.600 vụ việc vi phạm, với trị giá hàng hóa ước tính 11.520 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 166 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là 474 tỷ đồng. Cũng trong năm qua, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 52.300 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022), thu nộp ngân sách gần 500 tỷ đồng, giá trị tang vật thu giữ gần 204 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 170 vụ có dấu hiệu hình sự…

Ảnh minh họa: KT

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương nêu thực tế: "Trong quá trình đấu tranh chống tình trạng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, cũng như hàng nhập lậu trên thương mại điện tử đang gặp nhiều khó khăn đó là: các đối tượng không có địa chỉ chính xác, cũng như tên tuổi, cách thức liên lạc… nên lực lượng chức năng gặp khó trong đấu tranh, xử lý vi phạm".

Trước những ảnh hưởng bất lợi, bên cạnh sự chủ động để ngăn chặn, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như áp dụng các biện pháp phòng chống hàng giả, hàng nhái, các doanh nghiệp đều mong muốn các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc, nâng cao công tác phối hợp giữa các đơn vị và với các doanh nghiệp để phát hiện, ngăn chặn. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái cũng như nâng cao công tác phòng chống buôn lậu để bảo vệ quyền lợi, lợi ích cũng như sức khỏe người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: "Việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… để bảo vệ lợi ích chính đáng của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quyền lợi người tiêu dùng góp phần ổn định thị trường trong nước là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay. Và để thực hiện nhiệm vụ này cần thiết phải tiếp tục có được sự đồng thuận, đồng lòng và quyết liệt hơn của cả người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng".

Nguyễn Hằng/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nhuc-nhoi-nan-hang-gia-gian-lan-thuong-mai-post1072805.vov