Như 'ánh sao đêm'

Như những ánh sao đêm lặng lẽ, bền bỉ, miệt mài thắp sáng, 'thầy' Toàn và các cộng sự đã giúp cho hàng trăm đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới Lào Cai biết đọc, biết viết, biết tính toán, góp phần nâng cao trình độ dân trí của dân bản.

“Thầy" Toàn là tên gọi thân thương, quen thuộc mà nhiều người dân các xã biên giới của huyện Bát Xát thường nói về Trung tá Viêm Trọng Toàn, cán bộ Đồn Biên phòng Trịnh Tường. Hơn 32 năm gắn bó, làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới Lào Cai, thầy giáo “quân hàm xanh” có 15 năm tham gia xóa mù chữ, trực tiếp giảng dạy 14 lớp với trên 300 học viên. Đa phần, họ là đồng bào các dân tộc Dao, Mông, Hà Nhì, độ tuổi từ 15 - 45 tuổi.

18 giờ 30 phút, sau khi hoàn thành các công việc chuyên môn trong ngày, Trung tá Viêm Trọng Toàn dùng vội bữa cơm tối tại đơn vị trước các đồng đội, anh trở về phòng để chuẩn bị cho lớp học xóa mù do mình phụ trách. Anh cẩn thận xem lại bài giảng, sắp xếp giáo án, sách giáo khoa, đồ dùng dạy học trước giờ lên lớp.

Chiếc xe Win là "người bạn đồng hành" với "thầy" Toàn trên các cung đường biên giới để đến lớp dạy xóa mù chữ. Đường đến lớp gồ ghề, lởm chởm đá, sỏi, dốc cao, khúc khuỷu chẳng làm khó được anh bởi cũng như bao cung đường biên giới khác, đã gắn bó, thân thuộc với mỗi người lính biên phòng.

Lớp học xóa mù chữ lần này được đặt tại bản Tùng Chỉn 3, xã Trịnh Tường, Bát Xát. Bản nhỏ, nằm chênh vênh trên núi cao, cách trung tâm xã hơn chục km, nơi phần đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống.

Lớp học có 25 học viên, ít tuổi nhất là Tẩn Láo Sử, sinh năm 2001, nhiều tuổi nhất là Tẩn Phù Thiện, sinh năm 1974. Vượt lên mặc cảm, tự ti, những học sinh mái đầu đã bạc, có con cháu đủ đầy vẫn đều đặn đến lớp, ê a những con chữ đầu tiên.

Cả ngày lao động ngoài ruộng đồng, trở về nhà khi nắng đã tắt, các mẹ, các chị lại tất bật lo việc gia đình, ăn vội bát cơm, rồi rủ nhau xách đèn, tới lớp để học "cái chữ".

Những ngày đầu đứng lớp, "thầy" Toàn đã dành nhiều thời gian để học hỏi kinh nghiệm từ các giáo viên địa phương, tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ngắn ngày. Vì lớp học đặc biệt với các học viên độ tuổi khác nhau nên thầy giáo đã phải chọn phương pháp dạy phù hợp. Lớp học không chỉ dạy đọc, dạy viết, mà tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để từng bước xóa đói, giảm nghèo, lồng ghép các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới bà con.

Đôi tay của bà con đã quen với việc cầm cuốc, cầm dao nay cầm bút tập viết sao khó quá khiến không ít người nản lòng, có ý định bỏ học giữa chừng. "Thầy" Toàn lại kiên trì uốn nắn từng nét chữ cho các học viên, động viên họ cởi bỏ được mặc cảm, sự tự ti.

Những người lớn ban đầu còn bỡ ngỡ, bối rối với bút, với vở, được sự tận tình của người thầy giáo "quân hàm xanh", thấm thoắt họ đã đọc được chữ, viết được câu hoàn chỉnh. Thấy học viên đọc chữ thông, làm toán được là bao vất vả, khó nhọc với thầy giáo tan biến, thay vào đó là niềm vui, hạnh phúc vô bờ, khiến anh có thêm động lực, quyết tâm hơn để tiếp tục đứng lớp giảng dạy.

Bằng sự tận tụy, nhiệt huyết của anh, lớp học vùng biên ấy tối nào cũng rộn ràng tiếng nói cười. Nhiều “trái ngọt” từ những lớp học xóa mù chữ, như Lý A Chả, Tẩn A Sinh, Tẩn Tả Mẩy... ở xã Trịnh Tường, A Mú Sung (Bát Xát) đã vươn lên trở thành trưởng thôn, dân quân, cán bộ phụ nữ thôn, cùng anh tiếp tục vận động đồng bào đến lớp, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới ấm no, tươi đẹp.

Hành trình xóa mù chữ của "thầy" Toàn và các cộng sự nhiều năm nay vẫn luôn âm thầm, lặng lẽ như vậy, thắp sáng các lớp học đặc biệt hằng đêm trên biên giới. Thêm một học viên biết chữ, biết cách làm ăn, xây dựng cuộc sống mới là thêm một niềm vui, hạnh phúc để người lính biên phòng, thầy giáo Viêm Trọng Toàn nỗ lực cống hiến cho vùng đất biên cương Tổ quốc.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nhu-anh-sao-dem-post370424.html