Nhộn nhịp phiên chợ trâu, bò lớn nhất Hà Tĩnh ngày cuối năm

Từ sáng sớm, hàng trăm người kéo xe lôi chở theo hàng trăm con trâu, bò từ khắp nơi đổ về chợ Nhe (Hà Tĩnh). Việc mua bán trở nên nhộn nhịp khi kẻ mua, người bán cười nói, giao dịch bằng cách đập tay đặc biệt.

Nhộn nhịp phiên chợ trâu, bò lớn nhất Hà Tĩnh. Video: Phạm Trường.

Chợ Nhe tại xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh được biết đến là phiên chợ mua bán trâu bò lớn nhất tỉnh này. Mỗi tháng chợ họp vào 6 ngày gồm mùng 2, 7, 12, 17, 22, 27 (Âm lịch).

Những ngày cuối năm, từ tờ mờ sáng, tại các ngả đường, hàng trăm con trâu, bò được dắt vào khu chợ mua bán, tấp nập cả một vùng quê.

Những người đàn ông dắt trâu bò vào khu vực chợ Nhe, tìm chỗ để cột trâu bò và bắt đầu công việc mua bán.

Mỗi phiên chợ sẽ có khoảng 200 con trâu, bò. Theo các lái buôn, mấy năm qua, trâu rớt giá khiến việc mua bán khó khăn nên họ chỉ mang bò đến phiên chợ này để giao dịch.

Trong phiên chợ, người mua trả giá trâu bò bằng những cái đập tay. Mỗi lần trả giá là một lần đập tay nhau.

“Tuy chỉ là chợ nông thôn nhưng mỗi lần họp chợ đều có rất đông người đến đây để mua bán. Trâu bò về đây đều đẹp, người mua kẻ bán đều vui vẻ và rất nhanh chốt giá”, ông Hồ Phúc Mậu (trú huyện Lộc Hà) cho hay.

Người dân địa phương cho biết, chợ Nhe có cả trăm năm, trước thường mua bán xe đạp, hàng gia dụng. Việc mua bán nhộn nhịp nên lái buôn sau đó mang lợn, trâu, bò đến khu vực này buôn bán.

Người mua kẻ bán tụm lại thành từng nhóm, trao đổi giá cả. Việc mua bán diễn ra nhanh chóng, vui vẻ.

Sau mỗi lần giao dịch thành công, người mua kẻ bán đưa tiền mặt ngay tại chợ

Những con bò được chủ nhân đưa lên xe tải để chở về nhà. Mỗi phiên chợ có ít nhất 5 chiếc xe tải hoặc xe kéo đỗ ở chợ để chở số lượng trâu, bò khi mua bán xong về chăm sóc hoặc bán lại cho người khác.

Ban quản lý chợ Nhe cũng làm các phiếu cụ thể để việc kiểm soát số lượng gia súc mua bán cũng như dịch bệnh theo quy định.

Theo lãnh đạo địa phương, chợ Nhe được xem là chợ mua bán trâu, bò lớn nhất Hà Tĩnh đến thời điểm này. Đây không chỉ là nét văn hóa đặc sắc của địa phương mà còn giúp người dân phát triển các ngành, nghề buôn bán, mang lại thu nhập khá.

Phạm Trường

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhon-nhip-phien-cho-trau-bo-lon-nhat-ha-tinh-ngay-cuoi-nam-post1609415.tpo