Nhóm đảo chính Niger đến Chad tìm hỗ trợ, khối Tây Phi sẵn sàng can thiệp quân sự

Thủ tướng do nhóm đảo chính ở Niger bổ nhiệm đã có chuyến thăm bất ngờ tới nước láng giềng Chad vào thứ Ba (15/8) nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ. Trong khi đó, khối các quốc gia Tây Phi đã sẵn sàng can thiệp quân sự nhằm vào nước này.

Ali Mahaman Lamine Zeine, một quan chức dân sự đã được chỉ định làm Thủ tướng mới của Niger bởi chính quyền quân sự sau khi họ lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum vào ngày 26 tháng 7. Ông này đã đến Chad để "thăm làm việc", theo chính quyền Chad cho biết.

 Thủ tướng Niger do nhóm đảo chính bổ nhiệm Ali Mahamane Lamine Zeine (trái) gặp Tổng thống Chad Mahamat Idriss Deby (phải). Ảnh: Văn phòng Tổng thống Chad

Thủ tướng Niger do nhóm đảo chính bổ nhiệm Ali Mahamane Lamine Zeine (trái) gặp Tổng thống Chad Mahamat Idriss Deby (phải). Ảnh: Văn phòng Tổng thống Chad

ECOWAS đã sẵn sàng can thiệp quân sự

Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp với Tổng thống Chad, Mahamat Idriss Deby, Zeine cho biết ông đã mang đến một thông điệp về "tình láng giềng tốt và tình huynh đệ tốt" từ người đứng đầu chính quyền quân sự Niger.

Tổng thống Deby từng bay đến thủ đô Niamey của Niger chỉ 4 ngày sau cuộc đảo chính. Các bức ảnh sau đó cho thấy ông được chụp bên cạnh Tổng thống đang bị giam giữ Bazoum, cũng như các bức ảnh khác với một số lãnh đạo đảo chính.

Chuyến thăm không báo trước của Zeine diễn ra vài giờ sau khi các nguồn tin trong khu vực cho biết các chỉ huy quân sự từ khối Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) sẽ gặp nhau tại Ghana vào thứ Năm và thứ Sáu tới để thảo luận về kế hoạch can thiệp vào Niger.

 Quang cảnh hội đàm giữa Chad và phái đoàn chính quyền quân sự Niger. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Chad

Quang cảnh hội đàm giữa Chad và phái đoàn chính quyền quân sự Niger. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Chad

Cuộc họp - ban đầu được lên kế hoạch vào thứ Bảy vừa rồi nhưng sau đó bị hoãn lại - được triển khai theo nghị quyết từ Hội nghị Thượng đỉnh ECOWAS vào tuần trước, nơi khối này đã thông qua việc triển khai "lực lượng dự phòng để khôi phục trật tự hiến pháp" ở Niger.

Thông báo của ECOWAS được đưa ra vào thứ Ba có đoạn: “Chỉ đạo Ủy ban của Tổng tham mưu trưởng quốc phòng kích hoạt lực lượng dự phòng ECOWAS với tất cả các thành phần của nó ngay lập tức” và “Ra lệnh triển khai lực lượng dự phòng ECOWAS để khôi phục trật tự hiến pháp tại Cộng hòa Niger”.

Mỹ và Nga kêu gọi đàm phán ngoại giao

Dẫu vậy, khối ECOWAS cho biết các giải pháp ngoại giao vẫn sẽ được tiến hành cho tới phút chót. Đây cũng là mong muốn của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ và Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói: “Tôi tin rằng vẫn có không gian cho ngoại giao để đạt được kết quả đó. Áp lực từ nhiều quốc gia, bao gồm cả thông qua ECOWAS, lên các nhà lãnh đạo đảo chính quân sự ở Niger đang gia tăng”.

Trong khi đó Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi một giải pháp "chính trị và ngoại giao hòa bình" cho cuộc khủng hoảng trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo chính quyền quân sự của Mali, Assimi Goita, theo Điện Kremlin cho biết hôm thứ Ba.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin từng gặp gỡ Tổng thống Mali Assimi Goïta ở Moscow hồi cuối tháng 7 năm 2023. Ảnh: Điện Kremlin

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng gặp gỡ Tổng thống Mali Assimi Goïta ở Moscow hồi cuối tháng 7 năm 2023. Ảnh: Điện Kremlin

Tổng thống Putin “nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp hòa bình cho tình hình để có một Sahel ổn định hơn”, theo ông Goita cho biết trên nền tảng truyền thông xã hội X (Twitter cũ).

Điện Kremlin cho biết trong một tuyên bố rằng: “Các bên nên đặc biệt tập trung vào tình hình hiện tại ở khu vực Sahara-Sahel và đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tình hình ở Cộng hòa Niger chỉ thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao hòa bình”.

Vụ lật đổ chính quyền dân sự của Tổng thống Mohamed Bazoum vừa rồi đã gây ra một làn sóng chấn động khắp Tây Phi, khi mà Mali và Burkina Faso cũng đang bị quân đội tiếp quản sau các cuộc đảo chính.

Bất kỳ sự can thiệp quân sự nào cũng có thể gây bất ổn hơn nữa cho khu vực Sahel nghèo khó, nơi các cuộc xung đột do các nhóm liên kết với al-Qaeda và IS (hay ISIS) đã khiến hàng triệu người phải di cư trong thập kỷ qua và gây ra nhiều nạn đói.

Dưới thời Tổng thống Bazoum, Niger là đồng minh của phương Tây. Mỹ, Pháp, Đức và Ý đều có quân đội đồn trú ở đó theo các thỏa thuận với chính quyền dân sự hiện đã bị phế truất.

Hoàng Anh (theo AFP, TASS, Al Jazeera)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhom-dao-chinh-niger-den-chad-tim-ho-tro-khoi-tay-phi-san-sang-can-thiep-quan-su-post260618.html