Nhóm biên soạn SGK sẽ có văn bản đề xuất sửa chữa nếu sai sót

PV Báo NNVN đã trao đổi qua qua điện thoại với GS.NGND Nguyễn Văn Long - chủ biên phần Văn của Chương trình SGK. GS Long cho biết bài viết cụ thể do một tác giả khác thực hiện vì vậy ông sẽ trao đổi với tác giả.

GS.NGND Nguyễn Văn Long - chủ biên phần Văn của Chương trình SGK khẳng định: Sau khi kiểm tra lại thông tin Báo NNVN phản ánh, nếu chính xác, các tác giả sẽ có văn bản gửi lên NXB Giáo dục để bổ sung chú thích, đồng thời cũng lưu ý trong sách giáo viên.

Dịch sai ngày lên ngôi của vua Quang Trung

Như Báo NNVN đã phản ánh ở số 2 ngày 28/6, trong SGK Ngữ văn lớp 9, tập một, trích từ hồi thứ 14 của cuốn “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch (NXB Văn học, 1987) có một chi tiết lịch sử sai về ngày lên ngôi của vua Quang Trung.

Sách Ngữ văn lớp 9 tập một ở trang 64 viết theo bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch ngày lên ngôi của vua Quang Trung là “vào ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788)”. Theo nhà giáo Vũ Quốc Lương (giáo viên hưu trí Trường THCS Chu Văn An), đây là chi tiết dịch sai. Ngày lên ngôi của vua Quang Trung phải là 25 tháng Mười một năm Mậu Thân (1788). Như vậy, sách Ngữ văn 9 tập một đã ghi sai ngày vua Quang Trung lên ngôi mất một tháng.

Cho tới nay, theo thống kê của PGS Phạm Tú Châu (Viện Nghiên cứu Văn học), “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” có 4 bản dịch ra Quốc ngữ: Bản dịch năm 1912 của Cát Thành, bản dịch năm 1942 của Ngô Tất Tố, bản dịch năm 1950 của Nguyễn Đăng Tấn, Nguyễn Công Liên (bản dịch này được dịch giả đặt tên mới là “Hậu Lê thống chí'') và bản dịch năm 1964 của Nguyễn Đức Vân, Kiều Thu Hoạch.

Bản dịch "Hoàng Lê Nhất Thống Chí" còn nhiều lỗi sai

Theo đánh giá của một người gắn bó với “Hoàng Lê Nhất Thống Chí”, các bản dịch này đều có những chỗ khác nhau mà nguyên nhân chung là do như nhiều tác phẩm Hán hoặc Nôm khác, “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” có nhiều dị bản bằng chữ Hán và không còn bản gốc. Những dị bản ấy đều là bản chép tay, lại do nhiều người sao chép trong nhiều thời điểm khác nhau nên chúng không hoàn toàn giống nhau về một số chi tiết như: sự kiện, quan điểm, chữ dùng, tên gọi…

Hai dịch giả Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch chọn bản chữ Hán (có ký hiệu A.22) làm bản nền cho bản dịch của mình (xuất bản lần đầu năm 1964), có tham khảo các bản khác. PGS Phạm Tú Châu đánh giá, bản dịch của hai dịch giả Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch tuy chưa phải dựa trên một văn bản được chỉnh lý, hiệu đính đầy đủ và hoàn chỉnh nhưng là bản dịch tốt hơn cả trong số những bản dịch từ trước tới nay đã xuất bản.

Để xác minh bản dịch, PV Báo NNVN đã tới Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mượn bản chữ Hán “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” (ký hiệu A.22) mà hai dịch giả Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch đã sử dụng làm bản nền. Khi tra hồi 14, phần lên ngôi của vua Quang Trung, nguyên văn như sau: “Bắc Bình vương dĩ vi nhiên, nãi mệnh trúc đàn vu Bân Sơn, tế cáo thiên địa sơn xuyên bách thần, Chế cổn miện tức hoàng đế vị, cải Tây vương Nhạc Thái Đức thập nhất niên vi Quang Trung nguyên niên, lễ thành nãi hạ lệnh xuất sư. Cái thị nguyệt nhị thập ngũ nhật dã”.

Đoạn này, có nghĩa là: “Bắc Bình Vương lấy làm phải, bèn cho đắp đàn ở trên núi Bân, tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi; chế ra áo cổn mũ miện, lên ngôi hoàng đế, đổi năm thứ 11 niên hiệu Thái Đức của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc làm năm đầu niên hiệu Quang Trung. Lễ xong, hạ lệnh xuất quân, hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng ấy”.

Tháng ấy là tháng nào? Đó là tháng 11. Bởi vì, trước đó tác giả “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” viết: “Thanh sư để Thăng Long dĩ thập nhất nguyệt, nhị thập nhị nhật thụ phong, Thanh Hóa dĩ nội vô nhất nhân tri chi giả, thả Sở dĩ thị nguyệt, nhị thập nhật thoái cứ Tam Điệp...”. Nghĩa là: Quân Thanh đến Thăng Long và việc vua Lê thụ phong ngày 22 tháng 11, từ Thanh Hoa trở vào, không một người nào được biết. Ngày 20 tháng ấy, Ngô Văn Sở lui về Tam Điệp…”.

Sẽ đề xuất sửa chữa SGK nếu sai sót

PV Báo NNVN đã trao đổi qua qua điện thoại với GS.NGND Nguyễn Văn Long - chủ biên phần Văn của Chương trình SGK. GS Long cho biết bài viết cụ thể do một tác giả khác thực hiện vì vậy ông sẽ trao đổi với tác giả. Theo GS Nguyễn Văn Long, đây là đoạn trích ở hồi thứ 14 của “Hoàng Lê nhất thống chí” do Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch dịch cho nên những người soạn SGK phải tôn trọng văn bản.

“Văn bản trong SGK dựa vào bản dịch “Hoàng Lê nhất thống chí” thì phải tôn trọng bản dịch, không được tự ý sửa đổi, trường hợp cắt bỏ đoạn nào cũng phải có chú thích”, chủ biên phần Văn cho biết. Đồng thời, GS Nguyễn Văn Long cũng bày tỏ: “Nếu đối chiếu ngày lên ngôi của vua Quang Trung theo các tài liệu lịch sử mà chính xác hơn thì nên có chú thích để lưu ý chi tiết ấy và khẳng định lại cho chính xác”.

Trong trường hợp nếu có sơ suất, người biên soạn không phát hiện ra, không có chú thích thì “sau khi kiểm tra lại thông tin, nếu chính xác, chúng tôi sẽ có văn bản gửi lên NXB Giáo dục để bổ sung chú thích, đồng thời cũng lưu ý trong sách giáo viên nữa”, GS.NGND Nguyễn Văn Long khẳng định.

Còn GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết thêm, ngày lên ngôi của vua Quang Trung đã được các nhà nghiên cứu lịch sử “quần nát”. Sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng đã ghi rõ, chứ không thể chỉ căn cứ theo bản dịch “Hoàng Lê Nhất Thống Chí”.

Bản dịch "Hoàng Lê Nhất Thống Chí" còn nhiều lỗi sai

“Tôi còn phát hiện thêm một điều sai nữa: sách này viết khiến người đọc hiểu là quân Thanh vào được Thăng Long ngày 11 tháng Mười một năm Mậu Thân và ngày hôm sau thì sắc phong vương cho Lê Chiêu Thống (xem trang 165-166).

Đúng ra, quân Thanh vào được Thăng Long ngày 21 tháng Mười một năm Mậu Thân (1788) và ngày hôm sau thì phong vương cho Lê Chiêu Thống. Như vậy là sai 10 (mười) ngày” (Nhà giáo Vũ Quốc Lương).

KHẢI MÔNG

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nhom-bien-soan-sgk-se-co-van-ban-de-xuat-sua-chua-neu-sai-sot-post197122.html