Nhọc nhằn sinh kế ở khu tái định cư

Xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi có 3 khu tái định cư (TÐC) thuộc ấp Lưu Hoa Thanh, với tổng diện tích khoảng 6 ha. Trong đó, 2 khu đã đưa vào hoạt động từ năm 2012, trở thành nơi an cư cho những hộ dân sống ven đê, ven biển di dời vào, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, phòng tránh thiên tai, nhất là vào mùa mưa bão. Tuy nhiên, do thời gian đưa vào sử dụng khá lâu, không đầu tư thêm công trình phụ trợ nên điều kiện hạ tầng một số nơi xuống cấp, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Trong 2 khu TÐC đưa vào hoạt động, khu Xen Ghép thường xuyên bị ngập cục bộ khi có mưa lớn. Hệ thống thoát nước không được khơi thông nên khi có mưa lớn, nước mưa cùng với nước cống tràn vào nhà dân. Tuy nhiên, mối lo lớn hơn cả là chuyện sinh kế.

Bà Ðỗ Kim Liên, một trong những người vào khu Xen Ghép ngay từ những ngày đầu. Quê ở tỉnh Tiền Giang, bà Liên về cửa biển Gành Hào sinh sống từ năm 1980, rồi lập gia đình. Ðiều kiện sống nơi cửa biển nguy hiểm, cuối năm 2012, vợ chồng bà Liên được dời vào khu Xen Ghép. Giờ đây, cuộc sống của vợ chồng bà dựa vào tiệm tạp hóa nhỏ, căn nhà cũng xuống cấp nhiều nhưng chưa có điều kiện sửa chữa.

Khu vực phía sau nhà bà Ðỗ Kim Liên không thể thoát nước, gây mất vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.

Những người lớn tuổi không tìm được việc làm đã đành, người trẻ hơn cũng bấp bênh. Như vợ chồng anh Trần Hoàng Ðiện, di dời vào khu Xen Ghép được 5 năm nay. Hiện tại, anh Ðiện làm thuê hoặc đi theo ghe đánh bắt nhỏ. Những ngày dông gió, anh không có việc gì để làm thêm. Vợ anh ở nhà chăm 2 con và mở một gian hàng bán đồ ăn vặt. Căn nhà anh ở làm bằng cây gỗ tạm, trống trước hở sau.

Gia đình bà Lê Ngọc Hân dời vào khu Xen Ghép 10 năm nay. Dù không còn thấp thỏm lo sóng gió, nhưng không có phương tiện sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì cũng làm nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Căn nhà xiêu vẹo bằng cây gỗ tạm, bị ngập nước. Chuyện sửa nhà, bà Hân ngậm ngùi chưa biết ngày nào, bởi vợ chồng cùng chịu khó làm thuê nhưng thu nhập không được là bao.

Chỉ tay vào vách nhà đang nghiêng tựa vào nhà hàng xóm, bà Hân bần thần: “Mai mốt nhà kế bên mà sửa thì chắc nhà mình cũng sập luôn, nhưng giờ vẫn chưa có tiền để sửa. Vô đây mình sống yên tâm mùa mưa bão, ngủ cũng yên giấc hơn. Có điều là không có nhiều việc để làm nên ai thuê gì làm nấy, chỉ đủ sống, tích góp để sửa nhà thì chưa đủ".

Khu Xen Ghép được thiết kế với số nền cấp cho 146 hộ dân vào sinh sống, đầu tư hệ thống đường nội bộ, điện, nước sinh hoạt và cấp nền nhà, hỗ trợ tiền cất nhà cho một số hộ quá khó khăn. Do điều kiện kinh tế nên nhiều hộ đi nơi khác làm ăn, hiện còn gần 100 hộ sinh sống.

Hạ tầng Khu Xen Ghép được thiết kế với số nền cấp cho 146 hộ dân vào sinh sống, hiện đang xuống cấp trầm trọng.

Xã Tân Thuận là nơi có nhiều người dân tứ xứ về sinh sống, mưu sinh, trong đó không ít những hộ bám vào nghề đánh bắt ven bờ, ven biển nên đời sống khá bấp bênh. Những hộ được di dời vào khu TÐC có thể ổn định được nơi ở, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản mùa mưa bão, nhưng điều kiện việc làm, kiếm sống vẫn còn nhiều hạn chế. Ðây cũng là gánh nặng không nhỏ đối với chính quyền địa phương trong việc giải quyết việc làm.

Ông Trần Quốc Khải, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thuận, trần tình: “Hiện tại, xã kêu gọi các nhà đầu tư vào xây dựng các cơ sở chế biến, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giúp người dân ổn định cuộc sống”.

Ðiều mong mỏi của những hộ dân trong khu Xen Ghép hiện nay là hệ thống đường được nâng cấp, hệ thống thoát nước được khơi thông và có thêm sinh kế ổn định cuộc sống./.

Minh Long

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nhoc-nhan-sinh-ke-o-khu-tai-dinh-cu-a29960.html